Bảo tồn nghi lễ Tết cơm mới của người Mường Phú Thọ

(PLVN) - Hàng năm, Tết cơm mới (còn gọi là lễ mừng cơm gạo mới) của người Mường tại xã Hương Cần, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ được tổ chức vào ngày 10/10 Âm lịch. Tết cơm mới là nét văn hóa đặc sắc được gìn giữ, lưu truyền lâu đời của bà con nơi đây.
Sản vật cúng Tết cơm mới không thể thiếu bó lúa mới.

Xuất phát từ quan niệm vạn vật đều có linh hồn và sự trân trọng giá trị của cây lúa trong đời sống sản xuất và sinh hoạt, người Mường coi cây lúa là hình ảnh linh thiêng trong tâm thức tín ngưỡng tộc người.

Tết cơm mới có ý nghĩa kết thúc thu hoạch vụ mùa, tạ ơn trời đất tổ tiên, tạ ơn người khai phá, lập làng, xin phép ăn cơm gạo mới.

Hàng năm, vào ngày 10/10 âm lịch Tết cơm mới của người Mường tại Hương Cần được tổ chức trọng thể với đầy đủ các nghi lễ và các hình thức diễn xướng, trò chơi dân gian trong ngày hội như: Diễn tấu cồng chiêng, chạm ống, đâm đuống, múa sênh tiền, trống đất, hát Ví, đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ.

Để tổ chức buổi lễ này, trước đó vài ngày, các thanh niên chưa lập gia đình trong xã sẽ tập trung gặt lúa tại ruộng hương hỏa của nhà Mường. Lúc này, ông Lang (Mường) của xã sẽ làm mâm cúng tạ ơn trời đất tại Đình Khoang - Di tích lịch sử Đình thờ Đức thánh Tản Viên - Sơn Tinh, nhân vật lịch sử thời vua Hùng Vương dựng nước và thân mẫu của ông là bà Đinh Thị Đen.

Sau lễ cúng, các hộ gia đình mới được gặt lúa tại ruộng nhà mình, tiến hành xay giã, nấu cơm mới, làm lễ cúng tổ tiên với ý nghĩa mời và cầu mong tổ tiên, thần thánh phù hộ cho mùa màng tiếp theo được mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi.

Tết cơm mới vừa mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc vừa thể hiện được những giá trị văn hóa độc đáo của đồng Mường tại xã Hương Cần, huyện Thanh Sơn.

Đầu tháng 11/2022, Vụ Văn hóa dân tộc, Bộ VHTTDL đã phối hợp với Sở VHTTDL, UBND huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ tổ chức bảo tồn, phát huy “Tết cơm mới của dân tộc Mường” tại xã Hương Cần, huyện Thanh Sơn.

Tết cơm mới được tổ chức vào ngày 10/10 Âm lịch tại xã Hương Cần, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ.

Trước đó, các nghệ nhân và học viên người Mường tại xã Hương Cần đã tích cực trao truyền, hướng dẫn và tập luyện các nghi lễ, nghi thức và các tiết mục văn nghệ đặc sắc phục vụ cho buổi lễ diễn ra trang trọng, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Mường, thu hút được đông đảo sự quan tâm của người dân, du khách.

Việc bảo tồn và phát huy “Tết cơm mới của dân tộc Mường” là việc làm cấp thiết, không chỉ làm phong phú đời sống tinh thần của đồng bào người Mường, mà còn góp phần gìn giữ vốn di sản văn hóa đặc sắc của các dân tộc. Bên cạnh đó, góp phần xây dựng sản phẩm du lịch độc đáo, giàu bản sắc văn hóa truyền thống của huyện Thanh Sơn nói riêng và các dân tộc thiểu số nói chung, từng bước hướng đến việc phục vụ phát triển du lịch cộng đồng của địa phương.

Ông Phạm Tú - Phó Chủ tịch huyện Thanh Sơn cho biết: “Với mục đích bảo tồn, giữ gìn và phát huy các giá trị của di sản văn hóa Mường, huyện đã xây dựng Đề án kiểm kê, sưu tầm, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc đến năm 2025 gắn với phát triển du lịch. Với sự quan tâm của Bộ VHTTDL, các cấp chính quyền và sự đồng lòng của người dân địa phương, phát triển du lịch cộng đồng ở Thanh Sơn đã đạt được sự đồng thuận và ngày càng thu hút đông đảo du khách tới tham quan, trải nghiệm”.

Tết cơm mới không chỉ thể hiện những giá trị văn hóa độc đáo của đồng bào Mường tại Thanh Sơn, mà thông qua đó còn tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, đồng bào các dân tộc trong xã cùng chung tay xây dựng nông thôn mới. Đây cũng là dịp để tôn vinh văn hóa truyền thống, tiếp tục đẩy mạnh khai thác tiềm năng của văn hóa cội nguồn, phục vụ phát triển du lịch trên địa bàn huyện.

Cùng với những nét giá trị văn hóa dân tộc khác của người Mường cũng được người dân Thanh Sơn lưu giữ, tạo nên những nét đẹp truyền thống, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tại các bản, làng.

Tại Hội nghị tập huấn phương pháp bảo tồn, phát huy lễ hội truyền thống tiêu biểu các dân tộc thiểu số phục vụ phát triển du lịch năm 2022 huyện Thanh Sơn, bà Nguyễn Thị Hải Nhung, Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc đã nhấn mạnh: “Công tác bảo tồn, phát huy lễ hội truyền thống tiêu biểu các dân tộc thiểu số do Bộ VHTTDL tổ chức tại các địa phương là hoạt động nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và ý thức bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số - chủ thể văn hóa, từ đó khơi dậy niềm tự hào, tinh thần đoàn kết trong cộng đồng dân tộc”.

Trong thời gian tới, để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa độc đáo của người Mường, đặc biệt là “Tết cơm mới”, huyện Thanh Sơn tiếp tục đầu tư các loại nhạc cụ, trang phục, vật tư hỗ trợ thực hiện các nghi lễ Tết cơm mới; vận động người dân giữ gìn những giá trị văn hóa đặc sắc, từng bước phát triển du lịch cộng đồng, nâng cao đời sống nhân dân.

Đọc thêm