Bảo vệ đối tượng yếu thế ngay trong mỗi gia đình

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Khi nói đến gia đình, người ta nghĩ ngay đến nơi an toàn, tràn ngập yêu thương. Nhưng thực tế từ các vụ bạo lực gia đình liên tục gia tăng gần đây cho thấy, chính “chốn an toàn” có khi lại là nơi nhiều sóng gió, nhiều nỗi sợ hãi và nguy hiểm nhất.
Tọa đàm trong khuôn khổ triển lãm “Chạy trốn “chốn an toàn””.
Tọa đàm trong khuôn khổ triển lãm “Chạy trốn “chốn an toàn””.

Câu chuyện đau lòng

Tại Ngôi nhà bình yên thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, như mọi nạn nhân được hỗ trợ khác, A có mã số 833S. Phía sau mã số đó là cả một câu chuyện hãi hùng về cuộc đời một bé gái đã sớm bị bố đẻ mình xâm hại từ khi mới học lớp 6.

Năm 2016, khi ấy A là học sinh lớp 6, em đã bị bố bắt vào phòng ngủ chung rồi có hành vi dâm ô. A rất sợ hãi, em đã nói với bố rằng mình đã lớn và không muốn ngủ chung nhưng người bố bắt ép em vào phòng. Trong một lần ngủ say, A đã bị chính bố đẻ của mình xâm hại.

Kể từ sau đêm đó, bố của A thường xuyên bắt A phải uống nhiều loại thuốc khác nhau khiến cô bé đầu óc choáng váng, chân tay bủn rủn, cơ thể dần mất kiểm soát… Hầu như đêm nào A cũng bị người cha bạo hành tình dục. “Những lần ông ấy bạo hành, chửi rủa em khi em phản kháng, em không thể nào quên được” – A nói. Sau nhiều lần phản kháng bất thành, A bị người bố tát, đá để khống chế khiến A thường xuyên bị đau tai, đau vùng xương cụt và đau bụng bất thường.

Năm 2019, A học lớp 9, trong một lần tình cờ được cô giáo chủ nhiệm hỏi thăm về tình trạng đau bụng bất thường của mình, A đã khóc nức nở và kể cho cô giáo nghe chuyện mình bị bố đẻ xâm hại suốt 3 năm qua. Nhờ có sự giúp đỡ của cô giáo mà A dần được các cơ quan, tổ chức có thẩm quyễn hỗ trợ, giải cứu. Tháng 3/2019, A được đưa đến Ngôi nhà bình yên để tạm lánh và nhận hỗ trợ.

Điều đáng nói là kể từ khi mẹ A biết được thông tin trên, thay vì yêu thương và bảo vệ con, người mẹ đã có những hành động khiến A thêm tổn thương sâu sắc. “Nhiều lúc em nghĩ, có lẽ do mẹ em thấy tội lỗi quá vì đã để em xảy ra chuyện như vậy nên mẹ mới đổ lỗi cho em để bớt đi phần nào cảm giác tội lỗi của mình”, A chia sẻ. Nhiều người thân khác từ lúc biết chuyện đều không những không thương mà còn trách móc, hùa nhau kiếm chuyện lăng mạ, đánh đập A.

Câu chuyện đau lòng của A là một trong số rất nhiều câu chuyện đau lòng được chia sẻ tại triển lãm “Chạy trốn “Chốn an toàn”” tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức để hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2022. Triển lãm gửi thông điệp kêu gọi sự lên tiếng của nạn nhân, sự chung tay của toàn xã hội để đẩy lùi bạo lực gia đình (BLGĐ), mang lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho mọi nhà.

Kỳ vọng từ Luật Phòng chống BLGĐ sửa đổi

Trong thời gian đại dịch COVID-19 diễn ra nghiêm trọng (2020 - 2021), bạo lực đối với với phụ nữ và trẻ em càng gia tăng đáng kể; đặc biệt trong thời gian giãn cách xã hội, số lượng cuộc gọi của phụ nữ bị bạo lực đến đường dây nóng của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam được ghi nhận tăng 50%. Số lượng người bị bạo lực được hỗ trợ giải cứu và tiếp nhận vào Ngôi nhà Bình yên thực tế tăng 80% so cùng kỳ năm trước. Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 cũng nhận được nhiều hơn những cuộc gọi tư vấn hoặc đề nghị can thiệp có liên quan đến bạo lực trẻ em và phụ nữ…

“Tính đến tháng 11/2022, Ngôi nhà bình yên tiếp nhận 103 trường hợp nạn nhân thì có 83 trường hợp là bị BLGĐ. 15 năm hoạt động của Ngôi nhà bình yên chúng tôi nhận thấy 30% nạn nhân bị sang chấn tâm lý vì bạo lực giới” – bà Dương Thị Ngọc Linh – Giám đốc Trung tâm Phụ nữ và phát triển nơi Ngôi nhà bình yên hoạt động cho biết tại buổi tọa đàm diễn ra trong khuôn khổ triển lãm.

Trao đổi về những khó khăn trong việc hoạch định công tác phòng chống BLGĐ, ông Khuất Văn Quý – Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ VH,TT&DL cho biết, người Việt Nam vẫn giữ quan niệm BLGĐ là chuyện trong nhà, nói ra chỉ tổ “xấu chàng hổ ai” rồi “vạch áo cho người xem lưng”. Vì thế, nạn nhân rất e ngại trong chuyện chia sẻ việc mình bị bạo lực (theo Kết quả Điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019, 90% phụ nữ bị bạo lực không tìm kiếm sự giúp đỡ từ cơ quan cung cấp dịch vụ). Thêm vào đó là sự bất cập còn tồn tại của pháp luật, xã hội vẫn thờ ơ với vấn đề BLGĐ…

Từ thực tế này, Luật Phòng chống BLGĐ đã được sửa đổi, bổ sung và tại buổi thảo luận về dự thảo trong Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV ngày 26/10/2022, Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Nguyễn Văn Hùng đã cho biết, lần sửa đổi này luật đã tiếp cận, hoàn thành được 4 mục tiêu lớn, trong đó mục tiêu xuyên suốt, bao trùm là thể chế hóa quan điểm của Đảng về xây dựng gia đình tiến bộ, ấm no, hạnh phúc. Dự thảo Luật là sự thể chế hóa sâu hơn về quyền con người, quyền công dân, xây dựng và phát triển gia đình, bảo vệ các đối tượng yếu thế ngay trong mỗi gia đình.

Luật Phòng chống BLGĐ sửa đổi đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ 1/7/2023 có có 5 nhóm điểm mới, đó là lấy người bị BLGĐ làm trung tâm, sửa đổi, bổ sung các hành vi BLGĐ; sửa đổi, bổ sung nhóm đối tượng được áp dụng tương tự; bổ sung quy định để tăng tính khả thi áp dụng luật đối với người nước ngoài cư trú ở Việt Nam; thực hiện phòng ngừa BLGĐ chủ động, trong “phòng” có “chống”, trong “chống” có “phòng”; sửa đổi, bổ sung các biện pháp bảo vệ, hỗ trợ, xử lý vi phạm trong phòng, chống BLGĐ để khắc phục những bất cập của luật hiện hành, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn; khuyến khích xã hội hóa công tác phòng, chống BLGĐ, đồng thời nâng cao trách nhiệm của Nhà nước trong bố trí nguồn lực cho phòng, chống BLGĐ để hướng tới xây dựng và phát triển các cơ sở trợ giúp về phòng, chống BLGĐ hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả; sửa đổi, bổ sung quy định về trách nhiệm của Chính phủ, cơ quan quản lý Nhà nước và cơ quan, tổ chức có liên quan trong phòng, chống BLGĐ.

Từ góc độ của Ngôi nhà bình yên, bà Dương Thị Ngọc Linh đánh giá cao Luật Phòng chống BLGĐ đã coi trọng vai trò của nhân viên xã hội giúp đỡ hỗ trợ nạn nhân BLGĐ. Còn theo ông Khuất Văn Quý, hiện xã hội rất băn khoăn vấn đề người nộp phạt cho hành vi BLGĐ cũng chính là nạn nhân và đây là một trong những nguyên nhân khiến họ e ngại tố cáo bạo lực. “Nhưng với Luật Phòng chống BLGĐ sửa đổi và tới đây là Nghị định hướng dẫn sắp được xây dựng, người có hành vi BLGĐ sẽ phải là người chịu mọi trách nhiệm cho hành vi của mình”, ông Quý cho biết.

Theo bà Nguyễn Thị Minh Hương - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, “nhiều người đã phải chạy trốn khỏi “chốn an toàn” để tìm “nơi bình yên”, nơi họ có thể nhận được những hỗ trợ từ các cơ quan, tổ chức, cá nhân, giúp họ có thêm sức mạnh, nghị lực trong cuộc sống. Điều đó cũng cho thấy, chúng ta cần chung tay phối hợp chặt chẽ hơn và có những giải pháp hành động quyết liệt hơn, cam kết mạnh mẽ hơn nhằm ngăn chặn tình trạng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em, đảm bảo tôn trọng và bảo vệ phụ nữ và trẻ em”.

Đọc thêm