Liên tục bàn về tiêu thụ tro xỉ
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã có nhiều nỗ lực trong công tác BVMT. Hiện các nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) - những địa chỉ vốn được nghĩ đến như một “địa chỉ đen” về môi trường đã gần như… lột xác, trở thành những mô hình công viên thu nhỏ với cảnh quan gồm cây xanh, các loại hoa… Thậm chí những rặng phi lao được trồng ở một số NMNĐ với mục tiêu chắn bụi cũng có thể trở thành một điểm để… “check in” nếu bị giới trẻ phát hiện.
Song song với đó, việc tiêu thụ tro xỉ cũng đã được Tập đoàn này quyết liệt triển khai. Hiện EVN đã ban hành mẫu đề án xử lý, tiêu thụ tro xỉ, thạch và mẫu hồ sơ mời xử lý tro xỉ. EVN cũng đã chủ động tìm kiếm các thị trường tiêu thụ tro xỉ mới, đặc biệt cho các NMNĐ khu vực Vĩnh Tân, như vận chuyển bằng đường biển đến các thị trường khu vực miền Bắc và miền Nam, giải pháp sử dụng tro xỉ làm cốt nền đường giao thông, sử dụng tro xỉ làm vật liệu san lấp trong khu vực…
Có thời điểm, tro xỉ trở thành mặt hàng “hot”, nhiều doanh nghiệp tìm mua. Nhiều NMNĐ của EVN có “truyền thống” xử lý, tiêu thụ rất tốt tro, xỉ. Điển hình như các NMNĐ Uông Bí, Hải Phòng, Phả Lại… trong nhiều năm qua đã tiêu thụ 100% sản phẩm phụ; NMNĐ Nghi Sơn 1, Thái Bình cũng tiêu thụ hầu hết khối lượng tro, xỉ... Bên cạnh các thị trường truyền thống, thị trường xuất khẩu tro xỉ ra nước ngoài cũng đang được thử nghiệm triển khai.
Báo cáo của EVN cho thấy, trong năm 2022, lượng tro xỉ tiêu thụ của EVN ước 8,5 triệu tấn, tương đương khoảng hơn 90% so với lượng tro xỉ phát sinh trong năm. Tro xỉ các NMNĐ chưa đạt yêu cầu cũng được lãnh đạo EVN đôn đốc, tìm cách giải quyết để đảm bảo lượng tro xỉ thải ra có thể được tái chế.
Đại diện EVN cho biết, tình hình tiêu thụ tro xỉ của NMNĐ Vĩnh Tân 4 gặp khó khăn hơn. Tro của NMNĐ Vĩnh Tân 4 có các chỉ tiêu chất lượng rất tốt, nhưng do tro có màu vàng nên không được ưa chuộng trong sản xuất xi măng. Nhìn chung, việc tiêu thụ tro xỉ của các NMNĐ tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân gặp một số thách thức do thói quen sử dụng vật liệu xây không nung của người dân địa phương chưa thay đổi, chưa có chính sách khuyến khích sản xuất và tiêu thụ rộng rãi. Bên cạnh đó, khoảng cách vận chuyển từ nhà máy đến các khu vực có tiềm năng tiêu thụ tro xỉ là khá xa, dẫn đến chi phí vận chuyển rất cao.
Tuy nhiên, lãnh đạo EVN vẫn yêu cầu các đơn vị liên quan tiếp tục có các giải pháp tiêu thụ tro xỉ phát sinh mới cũng như khối lượng tro xỉ còn lưu tại bãi chứa; thống nhất về trách nhiệm vận hành và chia sẻ bãi lưu trữ xỉ chung tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân; Đảm bảo công tác môi trường.
Lần đầu tập hợp tất cả lãnh đạo tham dự hội nghị môi trường
Quản lý nhiều lĩnh vực có cường độ phát thải cao cũng như tác động mạnh đến môi trường, Bộ Công Thương đã triển khai khá nhiều góp ý cho các chính sách liên quan. Ông Tô Xuân Bảo - Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, trong quá trình xây dựng các văn bản hệ thống pháp luật về BVMT, Cục đã có nhiều ý kiến góp ý. Tuy nhiên các văn bản hiện hành vẫn còn nhiều quy định chưa thực sự rõ ràng, khiến các doanh nghiệp (DN) gặp nhiều lúng túng trong quá trình triển khai như các quy định về giấy phép môi trường, quản lý chất thải đặc thù, quan trắc tự động liên tục…
Trong đó, lĩnh vực hóa chất mà Bộ Công Thương quản lý là một trong những ngành có lượng chất thải phát sinh lớn và áp dụng nhiều quy định khắt khe về BVMT như trách nhiệm của DN về xử lý tro, xỉ, thạch cao; quan trắc tự động liên tục hay giảm phát thải khí nhà kính, kế hoạch ứng phó sự cố môi trường... Do đó, công tác BVMT luôn được lãnh đạo Bộ sát sao, quán triệt đến từng đơn vị, nhất là các đơn vị liên quan.
Ông Nguyễn Phú Cường - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đã từng chia sẻ trong một hội thảo về BVMT ngành Công Thương: “Đây là lần đầu tiên Vinachem có yêu cầu cao, triệu tập toàn bộ lãnh đạo các đơn vị đến dự một hội nghị chuyên ngành về môi trường do Bộ Công Thương tổ chức”. Bởi BVMT trước tiên là để bảo vệ DN, sau đó là để DN không vi phạm các điều kiện đã được quy định cụ thể trong các luật liên quan.
Ông Cường cũng cho biết, thực tế, đâu đó vẫn còn xảy ra tình trạng mất an toàn, dẫn đến việc DN vi phạm các quy định của Luật BVMT. Do đó, Vinachem yêu cầu lãnh đạo các đơn vị phải thực hiện nghiêm các chỉ đạo trong triển khai các giải pháp BVMT. Đặc biệt, DN sản xuất công nghiệp phải có trách nhiệm giảm thiểu các việc ảnh hưởng đến môi trường. “DN phải quán triệt nguyên tắc là các giải pháp BVMT sẽ vừa giúp tiết kiệm cho DN, bảo vệ DN chứ không đơn thuần chỉ là BVMT” - ông Cường nhấn mạnh.
Chuyên gia Hoàng Văn Vy, nguyên Phó Cục trưởng Cục BVMT miền Bắc (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cũng cho rằng, BVMT trước tiên chính là bảo vệ cho DN, cho người lao động của DN bởi môi trường làm việc không tốt sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của người lao động, từ đó dẫn đến nguy cơ mất an toàn lao động cao. Do đó, các DN nên sử dụng các giải pháp phòng ngừa là chính tiếp theo mới đến ứng phó và xử lý sự cố.