Bảo vệ nền tảng tư tưởng của đảng: Thông điệp văn hóa trong một số bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

(PLVN) - Phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói: “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc của dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn”. Qua đó, Tổng Bí thư gửi tới một thông điệp: văn hóa có liên quan mật thiết với sự tồn vong, thịnh suy, phát triển, trường tồn của dân tộc, đất nước.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo Hội nghị Văn hóa toàn quốc, triển khai thực hiện nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. (Ảnh: Nguyễn Khánh)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo Hội nghị Văn hóa toàn quốc, triển khai thực hiện nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. (Ảnh: Nguyễn Khánh)

Khi thật sự làm cho “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” (Lời Bác Hồ năm 1946), sẽ bảo đảm sự trường tồn của văn hóa song hành cùng sự trường tồn và phát triển của dân tộc Việt Nam ta.

Bảo vệ các giá trị văn hóa trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Văn hóa từ lâu đã được các nhà tư tưởng và học giả trên khắp thế giới xem như một tập hợp các hệ giá trị, niềm tin, hành vi và quy tắc cơ bản phổ biến giữa mọi người trong xã hội, tạo ra nền tảng quan trọng góp phần định hình sự phát triển kinh tế - xã hội và chính trị của quốc gia.

Phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tổ chức vào năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, văn hóa là một phạm trù rất rộng, có thể được hiểu dưới nhiều góc độ khác nhau với nhiều cách tiếp cận khác nhau, rất phong phú, đa dạng, nhưng dù theo nghĩa rộng hay nghĩa hẹp thì khi đã nói đến văn hóa là nói đến những gì là tinh hoa, tinh tuý nhất, được chưng cất, kết tinh, hun đúc thành những giá trị tốt đẹp, cao thượng, đặc sắc nhất, rất nhân văn, nhân ái, nhân nghĩa, nhân tình, tiến bộ.

Các nhà nghiên cứu đúc rút rằng, lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta đã cho thấy, thời kỳ nào con người và văn hóa được coi trọng thì quốc gia hưng thịnh, toàn dân trên dưới đồng lòng, sẵn sàng đối đầu với mọi “sóng gió” và vượt qua mọi thử thách. Ngược lại, khi văn hóa xuống cấp, bị coi nhẹ, con người không được đặt vào vị trí trung tâm của mọi quyết sách phát triển đất nước thì đất nước suy yếu, rơi vào cảnh lầm than.

Sau 13 năm thành lập, Đảng Cộng sản Việt Nam đã ban hành Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943), trong đó đề ra 3 nguyên tắc vận động của nền văn hóa mới: Dân tộc hóa, Đại chúng hóa và Khoa học hóa. Cương lĩnh đầu tiên của Đảng về văn hóa chứa đựng những giá trị nổi bật, mang tính định hướng sâu sắc, là ngọn đuốc soi đường cho sự nghiệp xây dựng nền văn hóa mới và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh, bền vững trong giai đoạn phát triển mới.

Nói về bản chất đặc biệt quan trọng của văn hóa, năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”.

Văn hóa là nền tảng tinh thần, là nhân tố quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đại hội XIII xác định: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa, con người Việt Nam thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc...”. Do đó, bảo vệ các giá trị văn hóa có vị trí, ý nghĩa to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Mệnh đề “Văn hóa còn thì dân tộc còn”, phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021 khẳng định tầm quan trọng và vai trò to lớn của văn hóa có ý nghĩa “sống còn” đối với sự tồn tại và phát triển bền vững của một quốc gia, dân tộc. Bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói lên bản chất quan trọng của văn hóa là “hình thành nên tinh thần cho quốc gia” - yếu tố “then chốt” để xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.

Trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” viết năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh một ý quan trọng: “Chúng ta coi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc; xác định phát triển văn hóa đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ, công bằng xã hội là một định hướng căn bản của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”.

Nhân kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2024), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có bài viết “Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng”. Bài viết cho thấy, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước đã được nhiều thành tựu to lớn, toàn diện trên nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực văn hóa.

Những giá trị tinh thần được các thế hệ cha anh sáng tạo, đúc kết lên bằng mồ hôi, máu và nước mắt, đã tạo nên bản sắc, truyền thống của dân tộc, tạo sức mạnh để dân tộc vượt qua những sóng gió, thực hiện thành công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Tiếp tục xây dựng, giữ gìn, chấn hưng nền văn hóa Việt Nam

Đi cà kheo múa sư tử - một trò chơi dân gian ở huyện Hải Hậu, Nam Định. ( Ảnh: Reatimes).

Đi cà kheo múa sư tử - một trò chơi dân gian ở huyện Hải Hậu, Nam Định. ( Ảnh: Reatimes).

Văn hóa Việt Nam là sự hòa quyện bản sắc văn hóa của 54 dân tộc với nhiều tôn giáo lớn nhỏ cùng song song hoạt động. Điều này cho thấy sự đa dạng, phong phú của nền văn hóa Việt. Tuy nhiên, đó cũng yếu tố để các thế lực thù địch lợi dụng thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, “bạo loạn lật đổ”. Chúng lợi dụng sự thiếu hiểu biết của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số để tiến hành lôi kéo, kích động, dụ dỗ chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chia rẽ giữa các dân tộc, tôn giáo với nhau hoặc chia rẽ các dân tộc, tôn giáo với sự lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối về mọi mặt của Đảng, Nhà nước ta.

Các thế lực thù địch tiến hành xâm lăng văn hóa hướng đến các tầng lớp Nhân dân, trước hết là giới trẻ đang trong quá trình phát triển và hoàn thiện nhân cách, dễ bị tác động bởi các yếu tố mới lạ, khác biệt.

Đồng thời, các phần tử phản động truyền bá những văn hóa phẩm, đồi trụy làm yếu mềm Nhân dân ta, mất tinh thần chiến đấu và đặc biệt nguy hiểm hơn là làm cho một bộ phận cán bộ, đảng viên xa rời chân lý cách mạng, xa rời chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tiến tới sa sút về ý chí, phai nhạt lý tưởng cách mạng, suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Nghị quyết số 28/NQ-TW ngày 25/10/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới” xác định: “Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc phải đi đôi với việc kiên quyết ngăn chặn sự xâm lăng văn hóa, xâm nhập các sản phẩm văn hóa xấu độc, ngoại lai và thông tin độc hại”.

Điều đó thể hiện rất rõ quan điểm của Đảng về vấn đề văn hóa là phải kết hợp giữa “xây” và “chống”. “Xây” là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược, lâu dài. “Chống” là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách nhằm giữ gìn và phát triển nền văn hóa Việt Nam trước xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, qua đó góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.

Về đặc trưng, mục tiêu xây dựng nền văn hóa dân tộc trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, Tổng Bí thư khẳng định: “Nền văn hóa mà chúng ta xây dựng là nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, một nền văn hóa thống nhất trong đa dạng, dựa trên các giá trị tiến bộ, nhân văn; chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh giữ vai trò chủ đạo trong đời sống tinh thần xã hội; kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của tất cả các dân tộc trong nước, tiếp thu những thành tựu, tinh hoa văn hóa nhân loại”.

Khi xây dựng, phát triển nền văn hóa dân tộc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng: cần phải xử lý và giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa “phát triển văn hóa đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ, công bằng xã hội”, đó là “một định hướng căn bản của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”. Cần tập trung ưu tiên thực hiện thắng lợi đồng bộ các nhiệm vụ chính trị: “Phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên”. Như vậy, trong mối quan hệ với kinh tế, xã hội, chính trị, quốc phòng, an ninh, văn hóa được xác định là một trụ cột quan trọng, bảo đảm quá trình phát triển bền vững đất nước trong giai đoạn mới.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Văn hóa còn thì dân tộc còn”. Đại hội XIII nhấn mạnh một trong những quan điểm chỉ đạo cốt lõi và xuyên suốt là: “Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của nền văn hóa và con người Việt Nam”; đồng thời “bảo vệ nền văn hóa, lợi ích quốc gia - dân tộc; kiên quyết đấu tranh, loại bỏ các sản phẩm, thông tin xấu độc, các văn hóa phẩm ngoại lai, độc hại, ảnh hưởng xấu đến ổn định chính trị - xã hội, thuần phong mỹ tục”.

Văn hóa có liên quan mật thiết sự tồn vong, thịnh suy, phát triển, trường tồn của dân tộc, đất nước. Trong quá trình phát triển phải tiếp tục xây dựng, giữ gìn, chấn hưng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực sự là “nền tảng tinh thần”, “động lực phát triển” và “soi đường cho quốc dân đi”.

Chủ động bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc, kiên quyết ngăn chặn, phòng, chống xâm lăng văn hóa cũng là một trong những giải pháp căn cơ để bảo vệ vững chắc Tổ quốc từ sớm, từ xa trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay.

Đọc thêm