Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng - trách nhiệm không của riêng ai

(PLVN) - Kể từ ngày 1/7/2024, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng số 19/2023/QH15 chính thức có hiệu lực thi hành, thay thế cho Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ban hành năm 2010.

Theo đó, Luật đã chú trọng đề cao quyền của người tiêu dùng và tăng cường trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức liên quan trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Có thể nói, khung pháp lý mới này sẽ tạo nên hành lang chặt chẽ hơn để người tiêu dùng chủ động bảo vệ quyền lợi của chính mình và cũng là “phễu lọc” cần thiết giúp xây dựng thị trường lành mạnh hơn.

Trao quyền cho người tiêu dùng

Luật mới bổ sung một số quyền của người tiêu dùng như quyền được tạo điều kiện lựa chọn môi trường tiêu dùng lành mạnh và bền vững; Quyền được đảm bảo an toàn tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, bảo vệ thông tin, quyền, lợi ích hợp pháp khác khi tham gia giao dịch, sử dụng sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh cung cấp;

Được cung cấp hoá đơn, chứng từ, tài liệu liên quan đến giao dịch, thông tin kịp thời, chính xác, đầy đủ về sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ, nội dung giao dịch, nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ và về tổ chức, cá nhân kinh doanh; Được góp ý với tổ chức, cá nhân kinh doanh về giá, chất lượng sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ, phong cách phục vụ, phương thức giao dịch và nội dung liên quan giao dịch giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh;

Yêu cầu tổ chức, cá nhân kinh doanh bồi thường thiệt hại khi sản phẩm, hàng hoá có khuyết tật, sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ không phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, không bảo đảm an toàn, đo lường, số lượng, khối lượng, chất lượng, công dụng, giá, nội dung khách theo quy định của pháp luật hoặc không đúng đăng ký, thông báo, công bố, niêm yết, quảng cáo, giới thiệu, giao kết, cam kết của tổ chức, cá nhân kinh doanh. Người tiêu dùng cũng có quyền yêu cầu tổ chức hoặc hỗ trợ thương lượng để giải quyết tranh chấp phát sinh.

Mặt khác, Luật bổ sung một số nghĩa vụ tuân thủ quy định về kiểm định, bảo vệ môi trường, tiêu dùng bền vững theo quy định của pháp luật; Chịu trách nhiệm về việc cung cấp không chính xác hoặc không đầy đủ về thông tin liên quan đến giao dịch giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh theo quy định của pháp luật. Đáng lưu ý, bổ sung quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với đối tượng người tiêu dùng dễ bị tổn thương và nhiều quyền khác theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, Luật cũng mở rộng phạm vi các cơ quan, tổ chức tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và hoàn thiện quy định về thủ tục rút gọn áp dụng để giải quyết vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Doanh nghiệp cần chủ động

Có thể nói, với việc Luật bảo vệ người tiêu dùng mới chính thức có hiệu lực, các doanh nghiệp sẽ buộc phải tuân thủ những quy trình cũng như ràng buộc trách nhiệm chặt chẽ, rõ ràng hơn. Đối với các đơn vị đã làm tốt, đây là cơ hội để doanh nghiệp khẳng định mình, vươn lên trên thị trường. Đối với các cơ sở làm chưa đúng, Luật cũng sẽ đóng vai trò như khung pháp lý cần thiết, giúp định hướng lại doanh nghiệp và dần loại bỏ những yếu tố tác động xấu đến thị trường.

Ảnh minh họa

Nói về quan hệ giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng, Bà Nguyễn Thị Thu Liên - Uỷ viên BCH Hiệp hội Thực phẩm Minh bạch nhận định: “Doanh nghiệp cần hiểu được rằng người tiêu dùng là nguồn nuôi dưỡng, giúp doanh nghiệp tồn tại. Ở bình diện cao hơn, người tiêu dùng là đối tượng “chỉ đạo” hoạt động kinh doanh sản xuất. Tức là phải có cầu mới có cung. Số lượng, quy mô và tính bền vững của sản phẩm hay doanh nghiệp đều phụ thuộc trực tiếp vào sự hưởng ứng của khách hàng.

Về tác động gián tiếp, khách hàng hoàn toàn có quyền yêu cầu nhà cung ứng chứng minh nguồn gốc sản phẩm, quy trình hay chứng nhận tiêu chuẩn từ bên thứ ba để thay đổi phương thức sản xuất - hoạt động của doanh nghiệp. Do đó, đây là mối quan hệ biện chứng và vai trò của người tiêu dùng là rất quan trọng”.

Có thể thấy, để luật thực sự đi vào đời sống, cần sự nỗ lực từ các hai chiều - doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng. Đối với các doanh nghiệp, cần nghiên cứu kỹ luật để hiểu quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp tới đâu, từ đó, tránh những hành vi vi phạm pháp luật và gây tổn hại tới người tiêu dùng, đặc biệt là những điểm mới trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Về phía người tiêu dùng, khách hàng cần hiểu và tận dụng tối đa quyền lợi để bảo vệ lợi ích của mình, từ đó, góp phần thanh lọc và xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh.

* Bà Nguyễn Thị Thu Liên - Uỷ viên BCH Hiệp hội Thực phẩm Minh bạch:

Thực tế, đối với các doanh nghiệp sản xuất minh bạch, con đường luôn dài và khó khăn hơn. Bởi để đạt được yếu tố “minh bạch” không hề đơn giản, doanh nghiệp mất rất nhiều thời gian để tìm nguồn nguyên liệu đạt chuẩn, xin chứng nhận về quy trình, giấy phép phát hành sản phẩm, tốn kém nhiều chi phí khiến giá thành cao,… Tuy nhiên, tôi tin rằng, những gì được làm đúng và làm chuẩn ngay từ đầu đều sẽ bền vững hơn. Và các quy chuẩn pháp luật đang dần chặt chẽ hơn, người tiêu dùng đang ngày càng thông thái, do đó, chỉ có những sản phẩm chất lượng mới có thể được công nhận và nhận được sự yêu mến, trung thành của khách hàng. Đặc biệt, Luật bảo vệ người tiêu dùng mới yêu cầu doanh nghiệp phải ghi đủ 10 chỉ tiêu thông số về sp lên bao bì, để tăng cường độ minh bạch thông tin về sản phẩm, giúp người tiêu dùng biết rõ hơn về sản phẩm mà mình tiêu dùng, quyết định chọn sản phẩm nào đủ sự minh bạch thông tin. Đó cũng là cách để bảo vệ nhà sản xuất chân chính, trung thực.

Bà Nguyễn Thị Thu Liên

Vào năm 2023 vừa qua, Quyết định số 300/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm minh bạch, trách nhiệm và bền vững ở Việt Nam đến năm 2030” đã được ban hành. Trong thời gian tới, các doanh nghiệp minh bạch đang rất mong ngóng sự hỗ trợ từ Chính phủ.

Nói về luật pháp, quy định, Việt Nam đã làm rất tốt. Nhiều chuyên gia nước ngoài đánh giá khung pháp chế của nước ta đã gần như “tiệm cận” với các nước phát triển. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở việc thực thi. Đặc biệt, phần lớn người tiêu dùng Việt Nam đang khá “dễ tính”, chưa có ý thức bảo vệ bản thân với tâm lý “ngại” va chạm, khiếu nại, “ngại kiện”, vô tình đã đánh mất quyền giám sát của mình, dung túng cho các doanh nghiệp kém chất lượng. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cần được tuyên truyền, giáo dục để có thể hiểu và chủ động chọn lựa được các sản phẩm chất lượng thông qua việc đọc chứng nhận, thông số, thành phần,… trên bao bì sản phẩm.

Tôi cho rằng, nền kinh tế nước ta đã phát triển rất nhanh và mở cửa rộng, do vậy, tình trạng “hỗn mang” thời gian đầu là không thể tránh khỏi. Đó là giai đoạn tất yếu của mọi quốc gia trong thời kỳ chuyển đổi. Tuy nhiên, để bình ổn thị trường cần sự tác động từ cả 2 phía: thắt chặt về chính sách, luật pháp từ Chính phủ và ý thức tự bảo vệ của người tiêu dùng. Chính sự phản ánh cũng như áp lực từ khách hàng là động lực để doanh nghiệp dần cải thiện và nâng tầm thị trường chung.

* Bà Trần Thị Thu Hương - Đại diện phân phối sản phẩm Công ty TNHH KHCN Vĩnh Hoà:

Tôi thấy rằng, hiện nay, nhiều doanh nghiệp muốn làm đúng, làm sạch nhưng không thể vì họ vẫn phải chạy theo nhu cầu thị trường, buộc họ đôi khi phải làm theo hướng công nghiệp hoặc cắt giảm chi phí để giá thành đủ cạnh tranh. Bởi khách hàng vẫn chưa có đủ thông tin và dường như bị rối bởi quá nhiều quảng cáo nên khó có thể phân biệt sự khác nhau của các sản phẩm. Đó quả thực là một “bài toán khó” mà tôi mong rằng thời gian tới sẽ có thay đổi.

Bà Trần Thị Thu Hương

Một điểm nữa tôi hy vọng các cơ quan quan tâm đó là việc thắt chặt hơn các chứng nhận. Hiện nay, nhiều chứng nhận đang được trao dưới tên công ty và họ đưa thông tin đó lên toàn bộ sản phẩm của công ty trong khi thực tế, chứng nhận chất lượng đó chỉ đáp ứng cho một sản phẩm. Bởi vậy, nếu các cơ quan chức năng có thể cấp chứng nhận cụ thể hơn, đích danh tên sản phẩm và công ty thì người tiêu dùng sẽ dễ nhận biết và lựa chọn hơn.

* Bà Mai Thị Ngọc Ngà - Giám đốc điều hành thương hiệu bánh dinh dưỡng ZCake:

Trong khi một đơn vị sản xuất thực phẩm, nếu bỏ qua các quy trình xin chứng nhận, giấy tờ pháp lý, hoàn toàn có thể liên tục cho ra mắt các sản phẩm mới trong thời gian ngắn. Nhưng với doanh nghiệp chọn hướng đi minh bạch, việc đưa một sản phẩm ra thị trường mất tới vài tháng để hoàn thành tất cả thủ tục, đó là chưa kể thời gian nghiên cứu và tìm đầu mối nguyên liệu. Bên cạnh đó, các đơn vị xuất thân từ sản xuất thường không có kinh nghiệm làm truyền thông tốt, trong khi ngược lại, việc tiếp cận khách hàng hiện nay thông qua mạng xã hội là rất cần thiết. Ngoài ra, phần lớn người tiêu dùng vẫn chưa thực sự hiểu ý nghĩa của các chứng nhận, chỉ số, thành phần trên bao bì sản phẩm.

Bà Mai Thị Ngọc Ngà

Trong hoàn cảnh đó, tôi cho rằng, việc tăng cường thông tin từ Chính phủ và các kênh chính thống là rất cần thiết. Qua đó, khách hàng có thể hiểu, nắm bắt thông tin, tự biết cách chọn lựa sản phẩm chất lượng. Ngoài ra, sự hỗ trợ của các cơ quan, đơn vị báo chí, truyền thông cũng vô cùng quý báu đối với các doanh nghiệp đi theo hướng minh bạch.

* Bà Trần Thị Phúc - Giám đốc Công ty TNHH NP Nam Phương:

Theo tôi thấy hiện nay, các thủ tục hướng dẫn doanh nghiệp sản xuất theo hướng minh bạch còn khá chung chung, chưa được quy định cụ thể, lợi ích của doanh nghiệp khi sản xuất theo hướng minh bạch như thế nào cũng chưa được thể hiện rõ hoặc chưa áp dụng vào thực tế hiệu quả.

Bà Trần Thị Phúc

Do đó, tôi mong rằng, thời gian tới sẽ có nhiều quy định, chính sách tạo điều kiện hơn cho nhóm doanh nghiệp này. Bên cạnh đó, việc tăng cường sàng lọc, hạn chế hàng giả, nhái, kém chất lượng từ cả phía cơ quan chức năng cũng như người tiêu dùng là hết sức cần thiết. Đồng thời, để các doanh nghiệp cảm nhận được lợi ích rõ ràng của việc kinh doanh minh bạch, Nhà nước cũng nên có giải pháp hiệu quả hơn nhằm tìm đầu ra cho các doanh nghiệp, hợp tác xã đã có chứng nhận do chính cơ quan Nhà nước cấp. Đây là phần thưởng hiệu quả nhất để khuyến khích động viên các doanh nghiệp sản xuất theo hướng minh bạch.

Đọc thêm