Shark Hưng rót 85.000 USD vào startup gọi thợ sửa chữa nhà trực tuyến

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Áp dụng thu phí mở gian hàng, thu phí thành viên, thu phí trên giao dịch, nền tảng gọi thợ sửa chữa nhà cửa trực tuyến FIVESS được các Shark khuyên nên thay đổi để gia tăng số lượng người dùng.

Nền tảng gọi thợ sửa chữa nhà cửa trực tuyến FIVESS, với đại diện là nhà sáng lập Đỗ Quý Sự, có mặt tại Shark Tank Việt Nam mùa 7 để huy động 85.000 USD cho 3,5% cổ phần của công ty.

Chính thức được Bộ Công Thương cấp phép vào tháng 6/2023, đến thời điểm hiện tại, FIVESS đã có 8.000 người dùng, chủ yếu tập trung ở Đà Nẵng, trong đó có hơn 600 người dùng là nhà cung cấp dịch vụ.

Startup chỉ ra ba thế mạnh gồm: tuyển chọn thợ thầu có pháp lý rõ ràng, chế độ bảo lãnh và lưu trữ chứng từ giao dịch.

Nền tảng áp dụng nhiều hình thức thu phí như phí 3% hoa hồng trên mỗi giao dịch, phí mở gian hàng và phí thành viên từ 2-20 triệu đồng mỗi năm. Tính đến tháng 5/2024, FIVESS ghi nhận tổng giá trị giao dịch 41 tỷ đồng, mang lại doanh thu hơn 600 triệu đồng.

Theo ước tính của nhà sáng lập Đỗ Quý Sự, tiềm năng của thị trường sửa chữa, chăm sóc nhà cửa là rất lớn với quy mô khoảng 237.000 tỷ mỗi năm. Mong muốn chiếm lĩnh thị trường trên toàn quốc và phát triển thêm các tính năng chuyên sâu của app, anh đến Shark Tank Việt Nam mùa 7 kêu gọi đầu tư 85.000 USD cho 3,5% cổ phần.

Shark Thái nhận xét startup đang cố gắng tận thu tất cả mọi thứ. Ông khuyên rằng FIVESS chỉ nên thu phí môi giới cố định cho từng giao dịch thay vì triển khai thêm các tính năng liên quan đến thẩm định tài chính và ngân hàng. Shark Thái cũng từ chối đầu tư vì cho rằng nền tảng chỉ là môi giới và không cần quá phức tạp.

Đồng quan điểm với Shark Thái, Shark Nga cho rằng startup nên tập trung vào giá trị mang đến cho cộng đồng là sự tiện lợi, chi phí rẻ và đa dạng trên nền tảng của mình. Shark Lê Mỹ Nga đưa ra gợi ý để startup có thể đạt được lượng user cao hơn thay vì con số 8.000 như hiện tại và cũng rời khỏi thương vụ.

Shark Minh Beta thì lại bày tỏ sự băn khoăn về việc khách hàng có nhu cầu sửa chữa nhà cửa thường thích gọi thợ quen bởi họ đã hiểu ngôi nhà. Chính vì thế, Chủ tịch Beta Group cũng rời khỏi thương vụ bởi nghi ngại startup khó có lợi thế để phát triển nhanh.

Trong khi đó, Shark Bình cho rằng UI và UX của FIVESS chưa đạt được độ chuyên nghiệp cần thiết. Ông nhận định Đỗ Quý Sự có kinh nghiệm trong ngành thầu nhưng chưa hiểu rõ về việc vận hành một sản phẩm công nghệ và các chỉ số kinh doanh hàng ngày.

Shark Bình cũng nhấn mạnh rằng lĩnh vực này đòi hỏi nguồn vốn cực lớn để tài trợ cung cầu, và ông khó tin rằng startup có thể thành công nếu không có sự chuẩn bị đầy đủ về tài chính.

Shark Hưng thì đánh giá startup đang lúng túng về mô hình thu tiền trong nền tảng và khuyên startup nên xác định thu cái gì là chính, cái gì là phụ.

Sở hữu một học viện về trí tuệ nhân tạo và có thể bổ sung thêm năng lực công nghệ cho startup, Shark Hưng đề nghị đầu tư 85.000 USD cho 20% cổ phần, kèm theo cơ hội kết hợp với hệ sinh thái bất động sản của ông.

Sau một hồi “giằng co”, Đỗ Quý Sự đưa ra con số cổ phần là 10%, còn Shark Hưng nêu ra mức 12,5%. Cuối cùng, Đỗ Quý Sự chấp nhận lời đề nghị đầu tư 85.000 USD đổi lấy 12,5% cổ phần của Shark Hưng, khép lại thương vụ gọi vốn thành công.

Đọc thêm