Startup tái chế LAGOM mang đến Shark Tank Việt Nam mùa 7 những chiếc móc áo tái chế 100% từ vỏ sữa giấy, sản phẩm từng đạt giải thưởng tại một cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo ở Đức. LAGOM muốn kêu gọi đầu tư 43 tỷ đồng cho 30% cổ phần, trong đó 39 tỷ sẽ dùng để xây dựng nhà máy.
Sau khi tốt nghiệp Đại học, Lê Trung Thông - kỹ sư điện tử - tự động hóa của Đại học Bách khoa Hà Nội cùng Trần Văn Hiếu - kỹ sư Đại học Xây dựng đã thành lập một doanh nghiệp làm về cầu đường và khá thành công với doanh nghiệp này.
Nhận thấy mình cần làm điều gì đó khác, anh từng đi làm từ thiện, đi nhặt rác, thu gom vỏ hộp sữa theo lời kêu gọi trên mạng. Khi tới nơi, Lê Trung Thông mới nhận thấy những cơ sở đó gặp rất nhiều khó khăn để có thể duy trì, vận hành nên anh nảy ra ý tưởng bước chân vào ngành tái chế.
Sau khi đến thăm các mô hình tại Indonesia, Ấn Độ, Dubai, Lê Trung Thông nhận thấy các quốc gia này có công nghệ tái chế nhưng lại không thể vận hành được mô hình. Lý do là bởi họ không có tổ chức thu gom và phân loại từ nguồn.
Lê Trung Thông cùng các cộng sự bàn bạc và xác định bắt đầu từ việc giáo dục, thu gom nguyên vật liệu rồi mới bắt đầu sản xuất.
Định hướng sản xuất sản phẩm từ các nguyên liệu khó tái chế như giấy, nhôm, nhựa, một trong bài toán lớn mà LAGOM phải quyết là làm sao gom đủ sản lượng mà không tăng chi phí. Chính vì thế, 5 năm qua, startup đã dành thời gian giáo dục nhận thức cho các học sinh cũng như các hộ gia đình. Đến thời điểm hiện tại, LAGOM đang tiến hành thu gom nguyên vật liệu từ 2.000 trường học.
Song song đó, startup cũng tiến hành R&D (nghiên cứu và phát triển sản phẩm) và đã làm ra những sản phẩm tái chế phục vụ cho ngành ngoại thất, nội thất, ngành hàng thời trang.
Một trong những sản phẩm nổi bật của LAGOM là móc áo ECO HANGER, được tái chế 100% từ vỏ hộp sữa giấy. Sản phẩm có giá bán gần 0,5 USD, cạnh tranh hơn nhiều so với các sản phẩm tương tự trên thị trường châu Âu (thường có giá khoảng 2 USD). Mục tiêu của LAGOM không chỉ là sản xuất các sản phẩm tái chế mà còn xây dựng một hệ sinh thái tái chế khép kín, từ việc thu gom nguyên liệu đến quy trình sản xuất.
Trong 5 năm hoạt động, mặc dù chưa tập trung vào việc bán hàng, LAGOM đã đạt doanh thu khoảng 3 tỷ đồng nhưng vẫn lỗ lũy kế gần 5 tỷ đồng. Với vốn điều lệ 6,6 tỷ đồng đã góp đủ, LAGOM vẫn duy trì được hoạt động nhờ sự đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu và phát triển công nghệ tái chế.
Từ năm 2022, LAGOM đã hoàn thiện quy trình sản xuất công nghiệp và đặt mục tiêu xây dựng một nhà máy với công suất tái chế 2.000 tấn mỗi năm, dự kiến mang lại doanh thu 50 tỷ đồng trong năm đầu tiên và lợi nhuận 12,5 tỷ đồng. Công ty đặt mục tiêu tăng trưởng 30% mỗi năm và mở rộng công suất lên 10.000 tấn trong vòng 4 năm tới.
Nhận định startup kêu gọi số vốn lớn khi mọi thứ đang ở giai đoạn “con gà – quả trứng”, rất khó cho nhà đầu tư tham gia nên Shark Hưng quyết định từ chối thương vụ. Shark Hưng cho biết ông sẽ đồng hành cùng startup xây dựng phương án gọi vốn. Bên cạnh đó, ông gợi ý thay vì làm từ A đến Z, LAGOM nên làm tốt một công đoạn, ví dụ như thu gom.
Shark Lê Mỹ Nga cũng từ chối đầu tư nhưng bà cho biết sẽ hỗ trợ startup kết nối không lấy phí với các quỹ NGO - quỹ phi chính phủ, phi lợi nhuận của quốc tế chuyên đầu tư cho các dự án có tính chất bảo vệ môi trường, tác động đến xã hội.
Bày tỏ sự trân trọng và ngưỡng mộ những gì LAGOM đã làm được nhưng dưới góc nhìn của một nhà đầu tư với một thương vụ có quy mô lớn mà doanh thu của doanh nghiệp còn rất ít, Shark Minh Beta cũng quyết định không đầu tư.
Shark Thái cũng không ra deal nhưng ông khuyên startup nên cân nhắc về việc đầu tư nhà máy lớn bởi có thể hiệu quả sẽ kém.
Khâm phục, ngưỡng mộ sứ mệnh startup đang theo đuổi nhưng bởi không đủ kiến thức, kinh nghiệm về ngành tái chế nên Shark Bình cũng từ chối đầu tư.
Dù không ra deal nhưng cả 5 Shark đều cho biết sẵn sàng làm cố vấn, trở thành mentor cho startup. Trước thiện chí này, Lê Trung Thông bày tỏ “Em nghĩ đó là số vốn lớn nhất đấy ạ”, khép lại thương vụ gọi vốn chưa thành công nhưng startup lại có được sự đồng hành của cả 5 Shark.