Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng: Cần lá chắn gia đình

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Ngày 01/6 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 830/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Mới đây, chia sẻ tại tọa đàm trực tuyến “SNET – Online chuẩn, Mùa hè vui” do Cục Trẻ em - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) và Mạng lưới Quản trị Quyền Trẻ em (CRG) thực hiện, ông Hoàng Minh Tiến - Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, đây là lần đầu tiên Việt Nam có một chương trình hành động quốc gia để bảo vệ trẻ em trên môi trường Internet. Chương trình có một số điểm đặc biệt.

Đầu tiên là chương trình liên ngành, đa ngành với sự tham gia của tất cả các bên liên quan tới trẻ em từ chính phủ, các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức xã hội, gia đình, nhà trường… Có thể nói đây là nỗ lực chung tay của cả hệ thống để hỗ trợ và bảo vệ trẻ em. Thứ hai, chương trình chú trọng lấy trẻ em làm trung tâm với mong muốn cung cấp cho trẻ em bộ kỹ năng số - một bộ miễn dịch số giúp trẻ em có thể tương tác lành mạnh và được bảo vệ trên môi trường mạng.

Về vấn đề nhiều nội dung độc hại đang tràn lan trên Internet hiện nay, ông Tiến cho biết: “Chúng tôi ước tính đến 99% các nội dung đều được kiểm duyệt trước khi đưa lên các kênh mạng. Tuy nhiên, việc kiểm duyệt nội dung còn là sự phối hợp giữa nền tảng và các cơ quan chức năng. Ngoài ra, chúng ta cũng có trách nhiệm nâng cao nhận thức và đạo đức cho người sử dụng và trẻ em trên môi trường mạng. Người sản xuất nội dung phải chú ý nội dung phải phù hợp với tâm, sinh lý của trẻ, phù hợp thuần phong mỹ tục của Việt Nam. Điều trên hết tôi cũng nhấn mạnh, đó là vai trò của gia đình làm lá chắn cho trẻ”.

Chia sẻ về việc áp dụng chương trình quốc gia trong thực tiễn bảo vệ trẻ em, bà Nguyễn Thị Nga – Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ trẻ em thông tin, gần đây Cục Trẻ em đã nhận được khá nhiều các thắc mắc, đặc biệt trong riêng tháng 5 có tới 40 cuộc gọi liên quan tới vấn đề xâm hại trẻ em trên môi trường mạng. Đồng thời đã có hơn 30 cuộc gọi để phản ánh về những kênh, các clip có nội dung không phù hợp với trẻ em trên mạng. Những thông tin này đã nhanh chóng được Tổng đài 111 chuyển đến các cơ quan chức năng để ngay lập tức xử lý.

Cũng theo bà Nga, với việc Chương trình quốc gia được phê duyệt, chắc chắn sự phối hợp giữa các bên liên quan, đặc biệt của một mạng lưới ứng cứu, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng sẽ hiệu quả, nhanh chóng, quyết liệt hơn, không chỉ dựa vào nỗ lực của các cơ quan quản lý nhà nước mà còn cả các tổ chức xã hội, trung tâm công tác xã hội, doanh nghiệp, cộng đồng, gia đình và nhà trường. Rất nhiều kênh, tổ chức và cá nhân khác nhau, dù chưa có tên trong mạng lưới, nếu có những kiến nghị hay bắt gặp những nội dung không phù hợp, đều có trách nhiệm báo cáo, phản ánh để góp phần nỗ lực chung tay bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.

Theo bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng MSD, để chương trình quốc gia thành công, vai trò của trẻ em và gia đình là rất lớn. Trước hết, phụ huynh cần biết tôn trọng quyền sử dụng Internet của trẻ. Đúng theo tinh thần của Chương trình quốc gia, gia đình đóng vai trò đồng hành cùng trẻ để trẻ em có thể tương tác sáng tạo, lành mạnh trên môi trường mạng.

Thay vì việc chỉ trông chờ các cơ quan quản lý nhà nước “thanh lọc” môi trường mạng, trẻ em và gia đình có thể chủ động trong việc học hỏi và xây dựng các kiến thức, kỹ năng, tạo sức đề kháng cho bản thân trước các thông tin xấu độc, chương trình không phù hợp, sai lệch hay các lừa đảo trên mạng. Ngoài ra, gia đình có thể sử dụng quyền lực mềm của mình để báo cáo các kênh, chương trình không phù hợp để đào thải các chương trình này, không có cầu ắt sẽ giảm cung.

“Nếu ta muốn loại bỏ những chương trình không phù hợp, thay vì ồ ạt chỉ trích, sẽ dẫn đến việc các phần mềm AI - trí tuệ nhân tạo của các nền tảng nhầm là chúng ta quan tâm chủ đề này và sẽ hiển thị nhiều hơn thì chúng ta nên nói nhiều đến những thứ tốt đẹp, tích cực trên môi trường mạng, giúp nội dung này được ưa chuộng - đó là cách “thanh lọc” tự nhiên của người dùng” – bà Linh lưu ý.

Đọc thêm