Còn nhiều dàn trải
Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XIV, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn TP Hà Nội) cho biết, dường như cụm từ “đầu tư dàn trải” đã rất quen thuộc trong ĐTC của nước ta trong những năm qua. Bà Mai dẫn số liệu: Tổng mức đầu tư sau giai đoạn 2016 - 2020 là 2 triệu tỷ đồng, số dự án 9.620. Nhưng thực tế hiện nay ở rất nhiều địa phương, số lượng các dự án dở dang thiếu vốn rất lớn.
Trước đó, trong giai đoạn 2011-2015, tổng số dự án hoàn thành trên cả nước là 1.789 dự án, nếu tính đến hết năm 2018 số lượng là 6.290 dự án. Nhưng hiện chưa có báo cáo nào khẳng định là tất cả các dự án đều mang lại hiệu quả thiết thực.
Chính vì thế bà Mai cho rằng, trong bối cảnh nguồn lực khó khăn, nợ công vẫn ở mức cao, bội chi lớn, lãi suất ngày một tăng, bắt buộc phải có sự lựa chọn theo hướng tập trung, tránh dàn trải. Cần có một trật tự ưu tiên phù hợp với tính cấp thiết tại từng thời điểm, có lộ trình thích hợp để dần dần hoàn thành bức tranh đầu tư công trên phạm vi toàn quốc.
Hoàn chỉnh sớm bộ tiêu chí về đánh giá hiệu quả đầu ra theo hướng phù hợp với thông lệ quốc tế, ngay từ khi lựa chọn dự án cần làm rõ kết quả đầu ra tương xứng với nguồn lực được đầu tư.
Ngoài ra, cần có cơ chế tăng cường trách nhiệm giải trình trong hoạt động giám sát. Bên cạnh việc giám sát tại cơ sở, địa phương cần tăng cường hơn nữa số lượng các phiên giải trình, từ đó làm rõ những bất cập, khó khăn trong việc thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Đoàn Quảng Bình) kiến nghị, Chính phủ cần phải tiếp tục chỉ đạo, bổ sung vào các báo cáo thanh tra, xử lý các sai phạm thời gian qua đến đâu? bao nhiêu dự án được phục hồi? số lượng kinh phí được thu hồi? bao nhiêu dự án phá sản, mức độ xử lý nghiêm các sai phạm, các tổ chức cá nhân để cảnh báo, răn đe, đồng thời rút kinh nghiệm cho các giải pháp đầu tư công trong thời gian sắp tới.
Đồng thời, Chính phủ phải cho rà soát tổng thể để có giải pháp xử lý cụ thể từng nguyên nhân hạn chế nêu trong báo cáo, như luật pháp còn nhiều điểm chưa hợp lý, thiếu thống nhất, thiếu chi tiết, hướng dẫn chậm, làm phát sinh nhiều thủ tục hành chính, làm khó khăn vướng mắc, chậm tiến độ thực hiện…
Chính vì tầm quan trọng lĩnh vực ĐTC, tại Nghị quyết 69/2018/QH14 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 của Quốc hội nêu rõ: “Tiếp tục cơ cấu lại ĐTC, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn; kiểm soát các chỉ tiêu nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia trong giới hạn theo Nghị quyết số 25/2016/QH14 của Quốc hội về Kế hoạch tài chính năm năm quốc gia giai đoạn 2016-2020”.
Cơ cấu lại đầu tư, trọng tâm là đầu tư công
Để khơi thông thể chế để tăng hiệu quả ĐTC trong thời gian tới, Chính phủ đang trình Quốc hội tiến hành sửa một số điều của Luật đầu tư công. Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, sau ba năm thực hiện Luật ĐTC đã có bước chuyển biến căn bản trong tái cơ cấu đầu tư công, khắc phục phân tán, dàn trải, nhất là nâng cao hiệu quả ĐTC. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, còn có những vướng mắc, yếu kém cần khắc phục.
Phó Thủ tướng cho biết quan điểm sửa Luật, sẽ quản lý chặt chẽ, nâng cao hiệu quả ĐTC gắn với tái cơ cấu, thu chi ngân sách, phân cấp mạnh mẽ thẩm quyền, cố gắng đơn giản nhất quy trình thủ tục, không đẻ ra những quy trình thủ tục mới.
Việc sửa luật cũng nhằm tăng cường kỷ luật, kỷ cương ngân sách, tăng cường hậu kiểm, đảm bảo công khai minh bạch, giám sát chặt chẽ, có chế tài xử lý vi phạm. Ngay cả những khâu buộc phải tiền kiểm, Chính phủ chủ trương quy định rất rõ trách nhiệm, thẩm quyền của các cấp, thời hạn thực hiện, không phải tiền kiểm là tạo điều kiện “ngâm” hồ sơ, nhũng nhiễu làm chậm quá trình này.
Chính vì thế, ngày 1/1/2019, ngày đầu tiên của năm 2019, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2019.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng được Chính phủ đề ra trong nghị quyết đó là, cơ cấu lại đầu tư, trọng tâm là ĐTC; khơi thông thể chế để tăng cường huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn lực xã hội; xây dựng dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Quản lý chặt chẽ, tránh thất thoát, lãng phí, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực đầu tư công… Đề cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu của các bộ, ngành, địa phương, đơn vị trong việc thúc đẩy giải ngân vốn ĐTC; công khai kết quả thực hiện.
Chính phủ cũng yêu cầu tăng cường đặt hàng dịch vụ công, thực hiện nghiêm pháp luật về đấu thầu, đảm bảo thực chất, công khai, minh bạch, phấn đấu đưa tỉ lệ lựa chọn nhà thầu qua mạng bằng hình thực chào hàng cạnh tranh, đấu thầu rộng rãi, tối thiểu 50% về số lượng gói thầu và 15% về tổng giá trị gói thầu.
Thu hút chọn lọc, có hiệu quả nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài trong tình hình mới, ưu tiên dự án công nghệ cao, thân thiện môi trường, tiềm năng đóng góp, lan tỏa, chuyển giao công nghệ, liên kết doanh nghiệp trong nước để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.