Từ ngày 1/1/2015, theo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, người dân nếu muốn mua bảo hiểm y tế tự nguyện riêng lẻ sẽ không được giải quyết. Thay vào đó cả hộ gia đình cùng phải tham gia. Quy định này đẩy mạnh việc tham gia bảo hiểm y tế trong toàn dân, tuy nhiên đã “vấp” phải khá nhiều khó khăn khi thực hiện.
“Tôi cả đời chả ốm đau gì sao lại bắt tôi mua bảo hiểm y tế!”
Bà Nguyễn Thanh Thủy (ở Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội) đã bị người chồng làm nghề xe ôm của mình quát như vậy khi biết bà dự định mua bảo hiểm y tế (BHYT) cho cả nhà. Bà Thủy bị bệnh suy tim nên tần suất bà đi bệnh viện nhiều hơn ở nhà. Gia đình bà có 5 người bao gồm vợ chồng bà, mẹ chồng gần 70 tuổi và hai đứa con đã sớm nghỉ học đi bán hàng.
Vì bà ốm yếu nên cả nhà chỉ có mỗi bà mua BHYT theo diện tự nguyện. Nhưng theo quy định mới, kể từ ngày 1/1/2015 nhu cầu mua BHYT tự nguyện riêng lẻ của bà Thủy đã không được giải quyết. Thay vào đó, nếu bà Thủy muốn tiếp tục có BHYT thì tất cả các thành viên trong gia đình phải tham gia BHYT, trừ những người đã tham gia BHYT theo hình thức khác.
“Khi gia đình tôi mua thẻ BHYT theo hộ gia đình, sẽ phải mất chi phí gần 2 triệu đồng. Đối với gia đình toàn người làm nghề tự do như gia đình tôi đây quả là số tiền không nhỏ. Hơn nữa, chúng tôi chỉ có nguyện vọng mua BHYT cho tôi và cho mẹ chồng tôi, còn chồng và hai con tôi đều kiên quyết nói rằng họ khỏe mạnh không cần mua BHYT.
Thời gian gần đây, thời tiết thay đổi liên tục khiến bệnh tim của tôi trở nặng hơn, tôi không thể không đến viện. Nhưng mỗi lần đi khám không có BHYT tốn rất nhiều tiền, trong khi kinh tế gia đình tôi không khá giả gì. Hãy giúp tôi mua được BHYT để đỡ gánh nặng chi phí chữa bệnh.” – bà Thủy khẩn thiết.
Vướng mắc với chuyện mua BHYT theo hộ gia đình không phải chỉ mình bà Thủy gặp. Mới đây, khi đoàn công tác của Bộ Y tế và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến dẫn đầu khảo sát tình hình thực tế, tại phường 14, quận Bình Thạnh, TP.HCM, bà Nguyễn Thị Thủy- Chủ tịch UBND phường 14 cho biết: phường hiện có 2.320 hộ gồm 14.022 nhân khẩu. Sau hơn 2 tháng triển khai bắt buộc tham gia BHYT theo hộ gia đình, phường mới chỉ có 318 hộ gia đình tham gia BHYT.
Nguyên nhân tỉ lệ hộ gia đình tham gia BHYT còn quá ít là do mới triển khai vận động bán BHYT bắt buộc theo hộ gia đình nên nhiều người dân chưa nắm rõ quy định mới.
Ngoài ra, còn có những khó khăn do thủ tục, người dân muốn tham gia BHYT nhưng không thể chứng minh tình trạng tham gia BHYT của tất cả các thành viên trong gia đình nên ảnh hưởng đến việc tham gia BHYT.
Một cán bộ bảo hiểm xã hội tỉnh Nam Định cho biết, nhiều năm nay tỉnh này huy động cả Hội Nông dân, Hội Phụ nữ cùng UBND xã đi vận động từng gia đình nhưng cũng chỉ được 10% số đối tượng tham gia, do các gia đình khó khăn về kinh tế.
Đa số người dân đều nghĩ rằng khi mua một lần cho tất cả thành viên trong gia đình thì số tiền phải trả tăng, gây tâm lý e ngại cho chủ hộ…
Thương người ốm, lo cả người không ốm
Từ ngày 1/1/2015, khi Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT có hiệu lực, đã có rất nhiều người dân gửi thư đến mục trả lời công dân của các cơ quan báo, đài để bày tỏ lo ngại cá nhân họ vẫn có nhu cầu mua BHYT nhưng không thể mua được nữa, mà thuyết phục cả gia đình cùng mua thì thật là khó khăn về kinh tế, rắc rối về thủ tục.
Trả lời những kiến nghị này thông qua Cổng thông tin Chính phủ, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết hiện còn khoảng 30% dân số (tức hơn 30 triệu người) chưa có thẻ BHYT, phải tự chi trả viện phí khi đi khám, chữa bệnh.
Luật BHYT vừa được Quốc hội thông qua nhằm mục tiêu lớn là tiến tới BHYT toàn dân. Mục tiêu đó nhằm giúp người dân tiếp cận với các dịch vụ y tế chất lượng cao, giảm mức chi trả từ tiền túi của người dân, chia sẻ rủi ro, bảo đảm an sinh xã hội…
Từ trước đến nay, đa số người dân đều đến lúc ốm hoặc ốm nặng mới đi mua BHYT. Sở dĩ phải luật hóa việc tham gia BHYT theo hộ gia đình là để khắc phục tình trạng nhiều gia đình chỉ chọn mua BHYT cho những người ốm, người bị bệnh mạn tính, chưa có ý thức mua cho toàn bộ thành viên trong gia đình đề phòng khi ốm đau và chia sẻ rủi ro cho người thân khác.
Cũng theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, số tiền đóng giảm dần nhằm khuyến khích hộ gia đình cùng tham gia. Người thứ hai trong hộ gia đình mua BHYT tự nguyện chỉ bằng 70% số tiền người thứ nhất đóng, còn người thứ ba, thứ tư lần lượt có mức đóng là 60% và 50% so với mức đóng của người thứ nhất.
Bên cạnh đó, Nhà nước đã có các phương án để hỗ trợ gia đình nghèo, khó khăn, chia thành nhiều nhóm đối tượng để hỗ trợ tiền mua thẻ BHYT.
Hiện có tới 13 nhóm đối tượng được cấp thẻ miễn phí như: trẻ em dưới 6 tuổi, người nghèo, thân nhân người có công, cán bộ xã, phường nghỉ hưu…
Ngoài ra còn có 3 nhóm đối tượng được hỗ trợ một phần như người cận nghèo được hỗ trợ 70% tiền mua thẻ, thậm chí nhiều tỉnh còn chi thêm ngân sách để hỗ trợ thêm 10-30% còn lại; hỗ trợ 50% cho đối tượng học sinh, sinh viên; 30% cho hộ nông, ngư, diêm dân có mức thu nhập trung bình./.