Bất chấp dịch COVID-19, thị trường chứng khoán Việt Nam tăng trưởng mạnh thứ 2 trên thế giới

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Dù đại dịch COVID-19 tiếp tục ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt kinh tế - xã hội, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam 6 tháng đầu năm 2021 vẫn có sự phát triển ấn tượng, trở thành thị trường tăng mạnh thứ hai thế giới.
Hội nghị Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2021 của UBCKNN
Hội nghị Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2021 của UBCKNN

Thông tin được đưa ra tại Hội nghị Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2021 của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) tổ chức hôm 9/7.

Theo lãnh đạo UBCKNN, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tiếp tục ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt kinh tế - xã hội thế giới và Việt Nam, TTCK đã trải qua 6 tháng đầu năm 2021 với nhiều biến động mạnh, gặp không ít khó khăn và thử thách.

Tuy nhiên, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và sự chung sức, đồng lòng, nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân vừa tập trung phòng chống dịch bệnh, vừa duy trì, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Việt Nam vẫn tiếp tục được đánh là một điểm sáng trong bức tranh kinh tế toàn cầu. WB dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam dự kiến đạt 6,6% trong năm 2021 và khẳng định đây là mức tăng trưởng cao nhất được dự báo cho các nước trong khu vực ASEAN.

Trên thị trường cổ phiếu, chỉ số liên tiếp lập đỉnh cao mới, đưa TTCK Việt Nam trở thành thị trường tăng mạnh thứ 2 trên thế giới. Tính đến ngày 30/6/2021, chỉ số VNIndex đạt 1408,55 điểm, tăng 27,6% so với cuối năm 2020. Thanh khoản trên thị trường cổ phiếu tiếp tục bùng nổ, cán mốc trên 1 tỷ USD/phiên nhờ dòng tiền của các nhà đầu tư (NĐT) trong nước dẫn dắt thị trường. Số lượng tài khoản NĐT trong nước mở mới đạt mức cao kỷ lục. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2021, tổng số lượng tài khoản NĐT trong nước mở mới đã tăng 58% so với cả năm 2020.

Thị trường trái phiếu duy trì ổn định với thanh khoản đạt 11.765 tỷ đồng/phiên, tăng 13,2%. Tổng mức huy động vốn thực tế trên TTCK ước đạt 176.745 tỷ đồng, tăng 65% so với cùng kỳ năm trước.

TTCK phái sinh tiếp tục là công cụ phòng ngừa rủi ro hiệu quả với khối lượng giao dịch bình quân đạt 188.865 hợp đồng/phiên, tăng 20% so với năm trước. TTCK phái sinh đã có thêm sản phẩm mới là hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm. Sản phẩm này được chính thức đưa vào giao dịch vào ngày 28/6/2021. Cùng với đó, sản phẩm chứng quyền có bảo đảm ngày càng thu hút đông đảo công chúng đầu tư.

Cùng với sự tăng trưởng mạnh mẽ về chỉ số, mức vốn hóa thị trường cổ phiếu cũng tăng mạnh. Tính đến ngày 30/6, Mức vốn hóa thị trường đạt 6.838 nghìn tỷ đồng, tăng 29,2% so với cuối năm 2020, tương đương 108,7% GDP. Quy mô niêm yết, đăng ký giao dịch của thị trường tính đến cuối đạt 1.580 nghìn tỷ đồng, tăng 4% với cuối năm 2020 với 753 cổ phiếu, chứng chỉ quỹ niêm yết trên 2 Sở Giao dịch chứng khoán và 907 cổ phiếu đăng ký giao dịch trên UPCoM.

UBCKNN đã rà soát để xử lý, tiến hành chuyển 01 công ty chứng khoán từ diện kiểm soát sang kiểm soát đặc biệt; tăng vốn điều lệ cho 03 công ty; chấp thuận rút nghiệp vụ 01 công ty; chấp thuận bổ sung nghiệp vụ cho 04 công ty. Kết quả hoạt động kinh doanh của các công ty chứng khoán trong Quý I có sự tăng trưởng mạnh, tăng 57% về doanh thu và 92% về lợi nhuận so với cùng kỳ năm 2020. Hoạt động của các công ty quản lý quỹ về cơ bản vẫn duy trì được sự ổn định và có sự tăng trưởng tốt với tổng giá trị tài sản quản lý tăng 20% so với cuối năm 2020. Trong 6 tháng đầu năm, UBCKNN đã cấp phép thành lập, chào bán cho 04 quỹ đầu tư mới, nâng tổng số quỹ đầu tư lên 58 quỹ. Tổng giá trị tài sản ròng của các quỹ tăng 36% so với cuối năm 2020

Trong 6 tháng đầu năm, tổng mức huy động vốn thực tế trên TTCK ước đạt 176.745 tỷ đồng, tăng 65% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Huy động vốn qua phát hành cổ phiếu và cổ phần hóa ước đạt 26.857 tỷ đồng, tăng 197%; Huy động vốn qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng ước đạt 8.394 tỷ đồng, giảm 23%; Huy động vốn cho ngân sách nhà nước thông qua đấu thầu trái phiếu chính phủ tăng 63% với giá trị đạt 141.493 tỷ đồng.

Về hoạt động cổ phần hóa và thoái vốn, từ đầu năm đến nay, 2 Sở đã tổ chức 05 phiên cổ phần hóa, 1 phiên thoái vốn và 02 phiên đấu giá khác với tổng giá trị đạt hơn 1.419 tỷ đồng.

Mặc dù tình hình dịch bệnh gây ít nhiều khó khăn, nhưng UBCKNN luôn sát sao trong công tác giám sát TTCK và đã triển khai 07 đoàn kiểm tra đột xuất giao dịch của NĐT đối với 07 mã cổ phiếu. Trong 06 tháng đầu năm 2021, UBCKNN đã ban hành tổng cộng 190 quyết định xử phạt hành chính đối với 156 cá nhân và 34 tổ chức với tổng số tiền phạt là 5,66 tỷ đồng…

Triển khai Luật Chứng khoán để thúc đẩy thị trường phát triển bền vững

Thứ trưởng Huỳnh Quang Hải phát biểu tại cuộc hop

Thứ trưởng Huỳnh Quang Hải phát biểu tại cuộc hop

Báo cáo của UBCKNN cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2021, UBCKNN đã cơ bản hoàn thành các mục tiêu đề ra. Về xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý, UBCKNN tích cực triển khai xây dựng 01 Nghị định, 01 Quyết định của Thủ tướng và 09 Thông tư hướng dẫn.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải đề nghị trong thời gian tới, UBCKNN tập trung, nỗ lực tận dụng thời cơ để đưa các quy định, chính sách mới của Luật Chứng khoán 2019 và các văn bản hướng dẫn vào thực tiễn, tạo động lực thúc đẩy TTCK Việt Nam phát triển bền vững, thúc đẩy nền kinh tế quốc gia phục hồi và phát triển mạnh mẽ.

Đồng thời hoàn thành xây dựng, trình Bộ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành chiến lược phát triển TTCK giai đoạn 2021 – 2030 để định hình mục tiêu, giải pháp về lộ trình phát triển TTCK – thị trường vốn về dài hạn.

Cùng với đó, hoàn thành dự án hiện đại hóa công nghệ thông tin KRX phục vụ cho hoạt động giao dịch, thanh toán nhằm triển khai các sản phẩm tài chính mới, đáp ứng nhu cầu phát triển mạnh mẽ của thị trường.

Đặc biệt, Thứ trưởng đề nghị tăng cường năng lực giám sát, quản lý và cưỡng chế thực thi của cơ quan quản lý nhà nước đối với TTCK theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế. Trong đó, ưu tiên thiết lập các cơ chế giám sát, cảnh báo sớm, có kịch bản phòng ngừa khủng hoảng, đảm bảo hoạt động ổn định của khu vực tài chính quốc gia. Siết chặt kỷ cương kỷ luật của thị trường. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Đọc thêm