Bất chấp hiểm nguy ngăn ’chảy máu’ rừng

Anh em kiểm lâm phải xuyên rừng, lội suối, chịu muỗi, sên, vắt hành hạ… Người nào người nấy da xanh, mắt thâm quầng. Nhưng nguy hiểm hơn vẫn là sự trả thù của lâm tặc. Cuộc chiến giữ rừng ngày càng trở nên cam go, khốc liệt hơn, để ngăn "chảy máu” rừng.

Dạo quanh đường tuần tra của vườn Quốc gia Yok Đôn (Đắk Lắk) trong những ngày gần đây, thỉnh thoảng chúng tôi lại bắt gặp những cây gỗ quý vừa bị lâm tặc đốn hạ. Ruột của Vườn quốc gia ngày càng hổng, các loại gỗ quý hiếm chỉ còn trơ gốc…, nhưng lâm tặc vẫn bất chấp pháp luật, nhảy vào khai phá…

Giám đốc vườn quốc gia Yoc Đôn tường trình về những chiếc xe lâm tặc với PV PLVN
Phó Giám đốc vườn quốc gia Yok Đôn và PV PLVN bên những xe chở gỗ lậu của lâm tặc.

Hết nhóm 1, phá nhóm 2

Ông Hoàng Văn Xuân- Phó Giám đốc vườn - dẫn chúng tôi thăm các chốt, trạm kiểm lâm. Hai bên những con đường tuần tra, chỉ còn lèo tèo vài cây gỗ tạp nhỏ xíu, còn gỗ quý thì không thể nào bói ra. Tại đây, còn có hàng trăm xe máy, xe dạp, xe thồ đủ các chủng loại đang phơi sương nắng.

“Đây là các loại xe đã hư hỏng, cũ nát được lâm tặc sưu tầm rồi về độ lên để đưa vào rừng chở gỗ, nếu có bị bắt thì cũng chẳng tiếc vì xe rẻ tiền. Nhưng dù rẻ thế nào thì chúng tôi vẫn không thanh lý, mà để đến lúc nào chúng mục nát ra thì thôi, chứ bây giờ mà thanh lý thì không khéo những chiếc xe này lại lọt vào tay lâm tặc thì khổ…” - ông Xuân cho hay.

Gắn với hàng trăm chiếc xe đó là số phận của vô vàn cây rừng quý hiếm bị đốn hạ. Khi gỗ nhóm 1 đã cạn kiệt, lâm tặc nhắm vào nhóm 2. Hàng trăm mét khối gỗ hương, gỗ căm xe tập trung ở các trạm cho thấy lâm tặc đã cưa theo nhiều kích cỡ khác nhau, phù hợp với từng sản phẩm nhất định ngoài thị trường, nghĩa là có sự tính toán, đặt hàng trước của các đầu nậu gỗ.     

Trên mỗi chiếc xe, lâm tặc thường thồ theo một vài khúc gỗ có đường kính từ 30 đến 60cm, dài khoảng 2m. Ông Xuân tính nhẩm, nếu một đêm, cứ hai người thồ một xe với khúc gỗ hương thuộc nhóm 2A khoảng 3 tấc là có thể kiếm được 5 -7 triệu đồng; mỗi tháng làm vài lần thì đủ ăn chơi cả tháng. Chính vì siêu lợi nhuận vậy bọn lâm tặc không từ bỏ một thủ đoạn nào để tàn phá tài sản quốc gia…

Với những chiếc xe đạp yếu ớt thế này, lâm tặc vẫn thồ được rất nhiều gỗ quý
Lâm tặc thồ nhiều gỗ quý trên những chiếc xe đạp này.

Điều khiến chúng tôi ngạc nhiên ở vườn Yok Đôn là tại khu vực lõi của vườn lại có khu dân cư sinh sống với gần 100 hộ đồng bào. Lý giải về điều này, ông Xuân nói: Không thể di dời họ được, vì họ sống đây rất lâu rồi.

Đây là buôn Drang Phốk, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn với tập quán sống chủ yếu dựa vào rừng. Để ổn định cuộc sống cho bà con, Nhà nước đã xây một hệ thống kênh mương bê tông kiên cố dài hơn 6km dẫn nước về tưới cho hơn 40ha lúa nước của buôn nhưng bà con vẫn không thích thú với công việc đồng áng nên làm được chăng hay chớ, còn chủ yếu vẫn sống bằng nghề rừng.  

Bà con trong buôn, người thì tham gia phá rừng, người trở thành tay chân cho bọn lâm tặc bên ngoài vào. Trên tay mỗi đứa trẻ gầy gò, đen đủi đang chăn đàn bò cũng luôn cầm chiếc điện thoại, khi thấy xe tuần tra, người lạ là báo động ngay. Hỏi ra mới biết rằng đó là những chiếc điện thoại của lâm tặc trang bị cho các em để làm cảnh giới cho chúng.

Thấy kiểm lâm là… đánh (?!)

Vì lợi nhuận, lâm tặc nơi đây đã dùng nhiều phương thức tàn độc để chống lại người bảo vệ rừng. Theo thống kê của vườn, trong 8 tháng đầu năm nay đã có 9 vụ lâm tặc tấn công, truy sát kiểm lâm với tính chất và mức độ ngày càng nguy hiểm. Có những vụ, trong những tình huống khẩn cấp để bảo vệ tính mạng mình trước sự điên cuồng của chúng, kiểm lâm đành phải nổ súng bắn hạ.

Hàng trăm chiếc xe của lâm tặc bị kiểm lâm Vường Quốc gia bắt giữ
Nhiều chiếc xe của lâm tặc bị kiểm lâm Vườn Quốc gia bắt giữ

Với diện tích vườn rộng trên 115.000 ha, kéo dài ở nhiều địa phương nhưng do lực lượng mỏng, nên anh em kiểm lâm nơi đây vô cùng vất vả. Các anh kể, giờ có đi tuần thì phải đi từng người một ra sau bìa rừng khuất lấp rồi mới mang đồng phục vào; còn nếu đã mang đồng phục, đi đông người là có bọn cảnh giới báo ngay.

Các anh chỉ vào những chiếc xe máy của mấy chị em phụ nữ có đèo một vài đứa con nít cứ lượn đi lượn lại quanh trạm: “Đó, tay chân của lâm tặc cả đó, mình biết là vậy nhưng không có bằng chứng nên cũng không làm được gì chúng cả”.

Để rình bắt được hàng trăm chiếc xe trên, anh em kiểm lâm phải xuyên rừng, lội suối, phải ngủ trong rừng, trời mưa thì co ro chịu rét, nhất là lũ muỗi, sên, vắt hành hạ… Nhìn người nào người nấy da xanh, mắt thâm quầng mới thấu hiểu được sự gian truân của anh em, nhưng nguy hiểm hơn vẫn là sự chống trả, trả thù của lâm tặc.

Rạng sáng 13/4/2010, tổ công tác liên trạm tiến hành mật phục một nhóm đối tượng đang khai thác, vận chuyển gỗ hương trái phép. Khi phát hiện, tổ công tác đã ra hiệu lệnh dừng xe, nhưng lâm tặc  vứt xe bỏ chạy. Sau đó, bọn chúng đã huy động thêm lực lượng để quay lại tấn công dữ dội lực lượng kiểm lâm bằng đá, gậy, mã tấu và dao.

Trước tình thế cấp thiết, lực lượng kiểm lâm đã dùng súng bắn chỉ thiên cảnh cáo nhưng bọn chúng vẫn tiếp tục lao vào tấn công. Để bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản Nhà nước, lực lượng kiểm lâm buộc phải dùng súng bắn chết một lâm tặc là Đinh Văn Bằng, quê Bình Định.

Hay như sáng 30/7, hai người trong đội kiểm lâm cơ động trên đường đi sang Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia Yok Don để bàn giao hồ sơ và phương tiện vi phạm, bất ngờ có một tốp thanh niên phục kích lao ra đánh tới tấp làm nhiều người bị thương.

Vào ngày 10/8/2010, khi các anh em ở trạm kiểm lâm số 3 qua sông đi chợ thì thấy một nhóm thanh niên mang theo dao, gậy gồm 5 người đi 2 xe máy rượt đuổi, rất may là anh em chạy thoát. Nhưng khoảng 5 phút sau, bọn chúng quay lại dùng dao, gậy, đá lao vào đánh chém làm nhiều anh em kiểm lâm trọng thương…

Cuộc chiến giữ rừng đang ngày càng trở nên cam go, khốc liệt hơn, “máu” rừng vẫn chảy... Mong sao sớm có những biện pháp hỗ trợ, can thiệp kịp thời để bảo vệ kiểm lâm, bảo vệ nguồn tài nguyên quý báu của đất nước.

Ngọc Quý

Đọc thêm