Hà Nội, TP Hồ Chí Minh giảm sâu các dự án mới
Trước tình trạng các DA BĐS trầm lắng, ít được cấp phép đầu tư, mới đây, Hiệp hội BĐS TP HCM (HoREA) đã gửi thư lên Thủ tướng Chính phủ kiến nghị một số giải pháp nhằm cải thiện môi trường kinh doanh trong lĩnh vực BĐS.
Theo HoREA, thị trường BĐS thành phố lớn nhất Việt Nam trong 9 tháng năm 2019 chứng kiến xu thế sụt giảm và giảm ngày một mạnh. Theo đó, trong thời gian trên, thành phố này chỉ có 32 DA nhà ở hình thành trong tương lai đủ điều kiện huy động vốn, với 19.662 căn nhà, giảm 58,44% số lượng DA và giảm 30,56% số lượng căn nhà so với năm 2018.
Điều đáng nói, trong số này, có đến 31 DA nhà ở quy mô vừa và nhỏ, 1 DA đại đô thị tại quận 9 với tổng số 10.007 căn hộ, chiếm tỷ lệ áp đảo trong số các DA được huy động vốn. Về DA được chấp thuận đầu tư, thành phố này chỉ có 12 DA, tức giảm khoảng 72%; chỉ có 24 DA được cấp phép xây dựng, giảm 38% so với cùng kỳ năm 2018.
Đi đôi với việc các DN BĐS có ít các DA mới thì các nhà thầu xây dựng cũng giảm số lượng hợp đồng nhận thầu xây dựng. Riêng tại TP HCM, trong 9 tháng năm 2019, các nhà thầu giảm từ 30-50% số hợp đồng xây lắp. Tình hình tại Hà Nội cũng không sáng sủa hơn.
Theo Hiệp hội BĐS Việt Nam (VNREA), từ quý I/2019 đến quý III/2019, BĐS Hà Nội đều có xu hướng giảm mạnh. Ở phân khúc căn hộ, quý III/2019, tổng số sản phẩm mới được chào bán ra thị trường giảm hơn 4.000 căn so với cùng kỳ năm 2018. Đối với phân khúc nhà ở thấp tầng, tổng số nguồn cung mới đủ điều kiện do Sở Xây dựng Hà Nội cấp được chào bán chỉ có gần 600 sản phẩm.
Trước đó, theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội trong 6 tháng đầu năm, trên địa bàn chỉ có 26 DA BĐS đủ điều kiện mở bán, với tổng số lượng hơn 17.400 sản phẩm cả chung cư và nhà thấp tầng. Đặc biệt, trong số các DA đủ điều kiện mở bán chỉ có 5 DA mới xuất hiện từ đầu năm.
Còn theo thống kê của Hội Môi giới BĐS Việt Nam, thị trường BĐS Hà Nội quý III/2019 sụt giảm cả về lượng cung và giao dịch so với quý II và cùng kỳ năm 2018; tỷ lệ hấp thụ ở mức thấp nhất trong vòng 3 năm qua.
Nhà chung cư có thể tăng giá
Theo tìm hiểu của PLVN, nguyên nhân có ít các DA được phê duyệt, triển khai xây dựng là do thời gian gần đây các DN BĐS vướng mắc về mặt thủ tục pháp lý, quy trình phê duyệt đất đai và giấy phép xây dựng bị kéo dài. Ngoài ra, hệ thống ngân hàng thương mại đang siết chặt điều kiện vốn vay cho các DA BĐS cũng là nguyên nhân khiến các DA ít được triển khai.
Trước tình hình hiện nay, theo đánh giá của VNREA, nhiều DN đang kêu khó vì thiếu công trình, người lao động thiếu việc làm; có những DN có nguy cơ phá sản. Để tránh khó khăn, một số DN có những ngách đi mới như việc đi “giải cứu” các DA đắp chiếu lâu năm do chủ đầu tư thiếu vốn, mặc dù những DA đã được cấp phép.
Theo đánh giá của GS Đặng Hùng Võ, năm 2019 là năm điển hình của việc cung ít hơn nhiều so với các năm trước. Do nguồn cung giảm trong khi nhu cầu thực tiễn vẫn cao nên trong tương lai gần, giá BĐS trong đó có chung cư sẽ tăng, thậm chí tăng cao. “Khi nhu cầu tăng, cung không đủ thì lừa đảo BĐS có thể nhiều hơn”, ông Đặng Hùng Võ chia sẻ.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Tổng Thư ký VNREA cho rằng, trong những tháng cuối năm, nhiều sản phẩm đã được hình thành từ thời điểm trước sẽ được các chủ đầu tư bán ra thị trường, tỷ lệ hấp thụ sẽ ở mức cao hơn và việc tăng giá là điều không thể tránh khỏi. Trước nguy cơ giá BĐS, giá nhà chung cư có thể tăng mạnh trong thời gian tới nếu việc cấp phép cho các DA mới tiếp tục gặp khó khăn.
Trao đổi với PV, ông Tạ Quang Vinh, Chánh Văn phòng Bộ Xây dựng thừa nhận nguồn cung thị trường BĐS đang giảm hơn so với những năm trước. “Đây là vấn đề vĩ mô, Bộ sẽ tiếp tục theo dõi tình hình, đồng thời nghiên cứu để có biện pháp can thiệp hợp lý”, Chánh Văn phòng Bộ Xây dựng nói.