Chung cư “hạ nhiệt” nhưng đất nền tăng giá do sáp nhập tỉnh
Bộ Xây dựng vừa công bố thông tin về tình hình nhà ở và thị trường bất động sản trong quý I/2025, cho thấy nhiều tín hiệu tích cực trở lại sau thời gian trầm lắng.
Về hoạt động phát triển nhà ở thương mại, cả nước có 14 dự án đã hoàn thành với tổng quy mô khoảng 3.813 căn hộ, tăng 40% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, khu vực miền Bắc chiếm 8 dự án, miền Nam có 6 dự án. Số lượng dự án được cấp phép mới cũng có sự gia tăng mạnh mẽ. Trong quý đầu năm 2025, có 26 dự án nhà ở thương mại được cấp phép với quy mô khoảng 15.780 căn, tăng 44% so với quý IV/2024 và tăng 36% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, có 59 dự án với tổng quy mô khoảng 19.760 căn hộ đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai, tăng hơn 55% so với cùng kỳ năm trước. Miền Bắc tiếp tục dẫn đầu với 38 dự án, miền Trung có 14 dự án và miền Nam có 7 dự án. Tính đến hết quý I/2025, trên cả nước có 994 dự án đang triển khai xây dựng, cung cấp tiềm năng khoảng 399.873 căn hộ ra thị trường trong thời gian tới.
Theo thống kê, quý I/2025, có 33.585 giao dịch thành công đối với căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ, tăng 32% so với quý trước. Giao dịch đất nền tăng đáng kể, đạt 101.049 lượt, tăng 16,4% so với quý IV/2024.
Ông Vương Duy Dũng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) thông tin: Trong quý I/2025, “Giá giao dịch nhà ở và đất nền trong quý I/2025 tại các địa phương có nhiều biến động hơn so với quý trước, do thông tin sáp nhập các tỉnh, thành. Đặc biệt thời điểm này đã xuất hiện đất nền có tình trạng tăng nhanh cục bộ ở một số địa phương như: Bắc Giang, Phú Thọ, Ninh Bình, Thái Bình, Hưng Yên, Hải Phòng, Đồng Nai... báo sự tăng về giá và lượng này có yếu tố do giao dịch đầu cơ và tiềm ẩn nhiều rủi ro cho thị trường”.
Dưới góc độ cơ quan quản lý nhà nước, một số giải pháp được đề xuất như: Các Bộ, ngành, cơ quan trung ương tiếp tục rà soát, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản...; trong đó, tập trung chủ động giải quyết, hướng dẫn các vấn đề liên quan đến sắp xếp đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp bảo đảm đi vào hoạt động thông suốt, không gián đoạn. Cùng đó là thực hiện tuyên truyền, phổ biến pháp luật và tổ chức triển khai thi hành các chính sách, pháp luật liên quan đến thị trường bất động sản mới được ban hành như: Luật Đất đai năm 2024, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023, Luật Nhà ở năm 2023, Luật Đấu thầu năm 2023, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024, Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn năm 2024.
Về phía Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với Ban Chỉ đạo số 751/QĐ-TTg ngày 11/4/2025 của Thủ tướng Chính phủ để giải quyết các vấn đề, dự án bất động sản tồn đọng. Trong đó sẽ đề nghị Bộ Nông nghiệp và Môi trường tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong xác định giá đất, tính tiền sử dụng đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, chuyển mục đích sử dụng.
Đầu cơ dạng “tát nước theo mưa nhất thời” và rủi ro chực chờ
Trao đổi với Báo Pháp luật Việt Nam, ông Lê Văn Bình - Phó Cục trưởng Cục Quản lý đất đai (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho biết: Việc giới đầu tư lợi dụng thông tin sáp nhập tỉnh, thành để “thổi giá” đất trong thời gian qua chỉ có tính nhất thời và sẽ không dễ để “hút” được các nhà đầu tư. Các nhà đầu tư hiện nay có đầy đủ khả năng nắm được đâu là thông tin chính thức. Còn một số người dân thiếu thông tin “té nước theo mưa”, hay “cò” đất, môi giới bất động sản đẩy giá theo kiểu đầu cơ kiếm chênh lệch sẽ không tồn tại lâu.
![]() |
Bộ Xây dựng thông tin: Bất động sản quý I/2025, chung cư “hạ nhiệt” nhưng đất nền tăng giá do sáp nhập. (Ảnh minh họa) |
Phân tích thêm, ông Bình cho biết, trước đây, người dân thường có quan niệm trụ sở cơ quan hành chính đặt ở đâu thì trung tâm ở đó và hạ tầng sẽ được đầu tư tốt hơn. Vì vậy, giá đất các khu vực quanh trung tâm luôn cao hơn các nơi khác. Tuy nhiên, hiện nay, ông Bình lưu ý rằng theo chủ trương của Nhà nước, 3 tới 5 hoặc có thể hơn xã sáp nhập lại, trụ sở chính xã đặt ở vị trí nào thì trung tâm sẽ ở đó. Các xã không được lấy làm trung tâm thì giá đất có thể sẽ giảm. Tương tự, việc sáp nhập địa giới hành chính các tỉnh, thành cũng vậy.
Phó Cục trưởng Bình nhận định, sau sáp nhập, giá đất tăng hay giảm phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, kế hoạch phát triển kinh tế của địa phương, chính sách thu hút đầu tư của địa phương đó…
Ông Vương Duy Dũng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) thông tin: Tính đến 28/2/2025, dư nợ tín dụng đối với bất động sản đạt 1.488.332 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ và 2% so với quý IV/2024. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt và hiệu quả, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các chính sách tài khóa và các chính sách khác trong việc cấp tín dụng cho lĩnh vực bất động sản. Việc chú trọng kiểm soát rủi ro tín dụng và yêu cầu các tổ chức tín dụng phải thận trọng, bảo đảm an toàn tài chính và tránh để xảy ra tình trạng “bong bóng” trong lĩnh vực bất động sản là rất cần thiết.