Bất ngờ “góc nhìn” của TGĐ Petrolimex về minh bạch giá xăng dầu

Cho rằng chuyện minh bạch thị trường xăng dầu đã “tốn không biết bao nhiêu giấy mực của phóng viên, làm lao tâm khổ tứ không biết bao nhiêu chuyên gia kinh tế cùng các nhà quản lý”, bằng bài viết của mình, Tổng giám đốc (TGĐ) Petrolimex Trần Văn Thịnh “trải lòng” với “5 vấn đề” mà ông “thiết nghĩ” cần lưu ý.

Cho rằng chuyện minh bạch thị trường xăng dầu đã “tốn không biết bao nhiêu giấy mực của phóng viên, làm lao tâm khổ tứ không biết bao nhiêu chuyên gia kinh tế cùng các nhà quản lý”, ngày 28/5, bằng bài viết của mình, Tổng giám đốc (TGĐ) Petrolimex Trần Văn Thịnh “trải lòng” với “5 vấn đề” mà ông “thiết nghĩ” cần lưu ý.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Với tựa đề “Minh bạch xăng dầu: 5 vấn đề từ góc nhìn doanh nghiệp”, vấn đề đầu tiên mà  ông Thịnh lưu ý là thiết chế cần phải minh bạch. Bản thân Nghị định 84 và các thông tư, văn bản hướng dẫn thi hành phải được thiết kế theo đúng kỹ thuật lập pháp.

Thứ hai, việc vận hành, theo “góc nhìn doanh nghiệp” của ông Thịnh là “vận hành phải toàn bộ”. Điều này, ông Thịnh cho rằng “rất quan trọng”. Chỉ khi vận hành đầy đủ thì mới có thực tiễn để đánh giá một cách toàn diện, khoa học và khách quan.

Tiếp đó, TGĐ tập đoàn này cũng lưu ý “công khai phải có địa chỉ”. Theo đó, ai quan tâm đến thông tin nào thì vào đúng địa chỉ của nguồn tin đó để xem thì sẽ chính xác.

Thứ tư, từ quan niệm “Ai cũng mong người khác hiểu mình. Nhưng nếu tự mình không nói ra thì cũng không nên trách người khác không/chưa hiểu mình”, ông Thịnh rút ra là  “Truyền thông phải chủ động”.

Và “vấn đề thứ năm”, theo vị này là “đánh giá cái gì cũng phải công tâm, khách quan”. Theo ông Thịnh, thái độ này rất cần ở tất cả mọi người “khi nghe và khi tham gia vào câu chuyện kinh doanh xăng dầu tại Việt Nam”.

Đúng sau một ngày ông TGĐ đề ra “5 vấn đề từ góc nhìn doanh nghiệp” để minh bạch thị trường xăng dầu, trong đó có lưu ý về sự “công tâm, khách quan”, ngày 29/5/2012 cấp dưới của ông Thịnh là Phó Tổng Giám đốc Trần Ngọc Năm đã ký Văn bản số 0693 gửi các cơ quan quản lý, với mục đích chỉ đạo một số tờ báo “có hình thức cải chính thích hợp”.

Lý do yêu cầu cải chính bởi trước đó, nhiều tờ báo đã đăng tải các bài viết với những tựa đề, như: “Lỗ và nợ của tập đoàn, tổng công ty như thế nào”, “Petrolimex lộ sai phạm trong việc tính giá xăng dầu”, “Năm 2011, Petrolimex lỗ 1.671 tỷ”, “Petrolimex ăn gian trong cách tính giá xăng”… 

Thông tin các bài viết này được trích dẫn từ báo cáo kiểm toán báo cáo tài chính năm 2011 đã được Kiểm toán Nhà nước phát hành ngày 15/10/2012. Theo Petrolimex, những thông tin này đã gây ra “dư luận không đúng” bởi “chưa tiếp cận được đầy đủ thông tin về bản chất vấn đề”.

Trước đó, liên quan đến “vấn đề thứ 3 - công khai phải có địa chỉ” trong “lập ngôn” nêu trên, còn nhớ, ngày 22/11/2012, Pháp luật Việt Nam có đăng tải bài viết “Tình hình làm ăn của những “đứa con” cổ phần hóa của Petrolimex”, ngoài việc cung cấp thông tin về số vốn mà Tập đoàn này đầu tư vào, bài viết còn phản ánh số nợ của các doanh nghiệp cổ phần theo đúng như báo cáo tài chính được công bố.

Cũng tại bài viết này, con số thu nhập khủng của lãnh đạo Tập đoàn cũng được đưa ra.

Gần như ngay sau đó, ngày 26/11, TGĐ Trần Văn Thịnh đã ký Công văn số1829 gửi Báo Pháp luật Việt Nam phản hồi những thông tin mà bài báo nêu ra.

Tuy nhiên, mặc dù “câu hỏi đặt ra rất đúng địa chỉ” theo như “góc nhìn doanh nghiệp” mà ông Thịnh giãi bày, nhưng rất tiếc công văn do TGĐ Petrolimex ký lại không đề cập đến tình hình thu nhập tại Tập đoàn này theo như kết quả kiểm toán được công bố trước đó - cho thấy lương bình quân tính chung toàn Tập đoàn này là hơn 6 triệu đồng, còn Chủ tịch là 58 triệu đồng, Ủy viên Hội đồng quản trị 42 triệu, Ủy viên là Trưởng ban Kiểm sát 41 triệu, Phó Tổng Giám đốc 40 triệu.                    

Việt Hưng

Đọc thêm