Theo AFP, ông Grenell được bổ nhiệm làm quyền Giám đốc tình báo quốc gia. Tình trạng tạm thời có nghĩa là ông sẽ không phải đối mặt với quá trình chuẩn thuận của Thượng viện Mỹ trừ khi ông Trump đề cử ông vào vị trí giám đốc tình báo quốc gia lâu dài.
Như vậy, ông Grenell sẽ tiếp quản vị trí của ông Joseph Maguire - một đô đốc đã nghỉ hưu, người cũng đang giữ chức quyền Giám đốc tình báo quốc gia. Việc bổ nhiệm ông Maguire vào vị trí tạm thời này sẽ hết hiệu lực vào tháng 3 tới.
Vị trí giám đốc cơ quan tình báo quốc gia của Mỹ, thường được gọi là DNI, được thành lập sau các vụ tấn công khủng bố nhằm vào nước Mỹ ngày 11/9/2001.
Người đảm nhận vị trí này sẽ chịu trách nhiệm giám sát bộ máy gián điệp và tình báo với 17 cơ quan quân sự và dân sự của Mỹ, trong đó có CIA. Giám đốc tình báo quốc gia của Mỹ cũng được báo cáo trực tiếp với tổng thống.
Ông Trump trong một tuyên bố trên mạng xã hội cho rằng ông Grenell “đã đại diện cho đất nước” rất tốt và bày tỏ mong được làm việc với ông này.
Ông Grenell - một đại sứ nổi tiếng vì sự thẳng thắn ở Đức - sẽ là thành viên đồng tính công khai đầu tiên trong nội các của ông Trump.
Đáng chú ý, ông này đã gây xôn xao trong thời gian phục vụ trong phái đoàn ngoại giao của Mỹ, đóng vai trò là người thực thi các chính sách của ông Trump với Iran, Trung Quốc và các vấn đề khác.
Hồi năm ngoái, ông đã phải đối mặt với những lời kêu gọi trục xuất ngay sau khi đảm nhiệm chức vụ tại Đức, khi lên tiếng ủng hộ các chính trị gia cánh hữu ở châu Âu.
Tuy nhiên, ông Trump xem ông Grenell là một người trung thành, có thể giúp ông tái khẳng định chính mình sau khi được tha bổng trong phiên tòa luận tội lịch sử tại Quốc hội Mỹ và trước cuộc bầu cử tổng thống tháng 11 tới.
Bà Samantha Powers - đại sứ của Mỹ tại Liên hợp quốc dưới thời Tổng thống Barack Obama - cho rằng việc bổ nhiệm một người nào đó thường công khai về chính trị cho vị trí tình báo “sẽ là một trò hề”.