Bất ngờ tại "Hoa hậu Việt Nam 2018": Nhiều thí sinh nói ngoại ngữ như gió

(PLO) - Điểm nổi bật được chú ý tới tại cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2018 là chất lượng thí sinh dự thi năm nay được đánh giá khá đồng đều về ngoại hình cũng như trình độ học vấn.
25 thí sinh xuất sắc nhất đi tiếp vào vòng chung kết
25 thí sinh xuất sắc nhất đi tiếp vào vòng chung kết

Ban giám khảo Chung khảo phía Bắc Hoa hậu Việt Nam 2018 cũng là những gương mặt uy tín. Ngoài những tiêu chí cụ thể về chiều cao, nhan sắc, kỹ năng trình diễn, phong thái và biểu cảm, Ban giám khảo còn đặc biệt chú trọng tới trình độ học vấn và tri thức của các thí sinh.

Trong top 25 gương mặt thí sinh xuất sắc nhất đi tiếp vào vòng chung kết diễn ra vào tháng 8 sắp tới, xuất hiện những gương mặt tiêu biểu “tài sắc vẹn toàn”, đến từ các trường đại học lớn của Hà Nội, không những có thành tích học tập tốt, còn thông thạo ngoại ngữ như Anh, Pháp, Nhật, Trung, nói ngọai ngữ như gió... 

Được chú ý nhiều là những thí sinh: Vũ Thị Tuyết Trang (cựu sinh viên Đại học Ngoại Thương, thông thạo 2 ngoại ngữ là tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha, hiện đang là biên tập viên tiếng Anh tại Đài Truyền hình Việt Nam), “cô gái tặng hoa cho Tổng thống Donald Trump” Phạm Ngọc Hà My (sinh viên Đại học Ngoại giao, thông thạo tiếng Anh và Pháp), Á khôi 1 Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội 2013 - Hà Thanh Vân, Hoa khôi Đại học Kinh tế Quốc dân - Bùi Phương Nga, Hoa khôi Học viện Báo chí và Tuyên truyền - Nguyễn Hoài Phương Anh, Á khôi Học viện Báo chí và Tuyên truyền 2018 - Trần Ngọc Lâm… Ngoài ra, dư luận cũng đặc biệt chú ý tới, trong top 25, có 4 gương mặt sinh năm 2000, vừa tốt nghiệp THPT.

Trên thực tế, từ năm 2011, rất nhiều cuộc thi hoa hậu, hoa khôi, người đẹp khác có nội dung và hình thức tương tự cũng được cấp phép tổ chức ở Việt Nam (từ cấp quốc gia đến cấp tỉnh/thành phố) với rất nhiều danh hiệu “hoa hậu, hoa khôi, người đẹp” khiến công chúng trở nên nhàm chán và ít quan tâm, bản thân những danh hiệu hoa hậu cũng bị “mất giá”. 

Bản thân Cuộc thi Hoa hậu Việt Nam cũng vướng phải nhiều vụ bê bối về tư cách đạo đức hoặc trình độ học vấn của thí sinh, khuyến khích trào lưu khoe thân phô bày cơ thể, chạy theo danh lợi của giới trẻ, hoặc những tố cáo về sự dàn xếp kết quả, nhằm đánh bóng tên tuổi...

Ngay sau khi đăng quang ngôi vị cao nhất, nhiều cô gái nhanh chóng bị dư luận tẩy chay bởi thành tích học tập không thuyết phục. Ví như, “Hoa hậu Thùy Dung đăng quang khi chưa tốt nghiệp”, “Diễm Hương, Huyền My lộ bảng điểm khiêm tốn”, “Đặng Thu Thảo bị nghi khai gian trình độ học vấn” đều dấy lên những làn sóng bất bình của dư luận.

Vì vậy, tiêu chí tuyển chọn của Hoa hậu Việt Nam năm 2018 dường như đã khắt khe hơn những năm vừa qua, khi chú trọng và đề cao yếu tố học thức và hiểu biết văn hóa đất nước với tất cả thí sinh tham gia cuộc thi. Đây cũng là năm đầu tiên Hoa hậu Việt Nam tập trung tổ chức quảng bá và tuyển sinh tại các trường đại học trên khắp cả nước.

Trong tình trạng “bội thực” các cuộc thi sắc đẹp như hiện nay, phải chăng, chúng ta đang dần quên rằng: danh hiệu Hoa hậu danh giá từng là để tôn vinh vẻ đẹp nhân văn, nhân ái của người phụ nữ, và hơn nữa, là để thực hiện sứ mệnh cao cả với cộng đồng, quảng bá nét đẹp văn hóa Việt Nam ra thế giới? Để làm điều đó, quả thật chỉ có sắc đẹp thôi vẫn chưa đủ.