Ảnh minh họa |
Mở từ từ?
Khi Thông tư 11/2011/TT-NHNN được ban hành và có hiệu lực từ 1/5/2011, đã có quá nhiều giấy mực để phân tích sự không hợp lý của quy định này. Các ngân hàng (NH) “khóc dở mếu dở” với lượng vàng không “chửa”, không “đẻ”, cũng không quy đổi ra VND được trong khi huy động VND ngày càng khó khăn do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) siết chặt trần lãi suất huy động VND.
Thông tư 32//2011/TT-NHNN ban hành ngày 6/10/2011 sửa đổi bổ sung một số diều của Thông tư 11/2011/TT-NHNN ngày 26/4/2011 có hiệu lực ngay trong ngày đã mở ra một lối thoát khi quy định: Căn cứ vào tình hình thị trường vàng, NHNN xem xét cho phép NH thương mại đáp ứng đủ các đìều kiện được chuyển đổi lượng vàng huy động và giữ hộ tồn quỹ và mở tài khoản vàng ở nước ngoài để bảo hiểm rủi ro biến động giá vàng.
5 NH đầu tiên được thực hiện nhiệm vụ bán vàng bình ổn là: Sacombank, Techcombank, Eximbank, DongABank và ACB cùng TCty vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) ( Nhóm 5+1).
Thực tế thì sau động thái này, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới đã rút ngắn lại, từ 3- 4 triệu đồng/lượng xuống còn 2 triệu, 1,7 triệu rồi 1,5 triệu đồng/ lượng, 1 triệu đồng/ lượng. Thậm chí có những thời điểm, giá vàng trong nước còn diễn biến ngược với gía vàng thế giới khi giá vàng thế giới tăng. Tuy chưa xuống được mức như kỳ vọng của NHNN (400 nghìn/lượng) song kết quả này cũng đủ để lạc quan…
Mất công bằng và cuộc đua lãi suất huy động vàng...
Khoảng cách chênh lệch khoảng 1 triệu động/ lượng đã bất ngờ tăng trở lại 1,5 triệu đồng/lượng hôm 11/10 và cũng là lý do thêm 2 NH nữa là Phương Nam và Việt Á được tham gia bán vàng bình ổn. Đây được xem là một nỗ lực tiếp theo của nhà chức trách nhằm đưa giá vàng trong nước về mức hợp lý so với giá thế giới.
Mặc dù chưa có công bố chính thức về lượng vàng các NH bán ra để bình ổn giá vàng song theo ước đoán của các NH và SJC thì con số này khoảng 10 tấn vàng. Tuy nhiên, có nhiều dấu hiệu cho thấy khoảng cách giữa giá vàng trong nước với giá vàng thế giới đang có xu hướng tăng trở lại, nhất là khi giá thế giới mấy ngày nay đang tăng cùng với sức mua trong nước tăng lên. Cũng như “liều thuốc” cho nhập vàng trước đây, “căn bệnh” chênh lệch giá vàng lại bắt đầu nhờn thuốc?
Trong khi đó, các NH may mắn được NHNN “chọn mặt bán vàng” không những giải phóng được lượng vàng lớn nằm không trong kho còn thu được bội tiền nhờ chênh lệch khi mua với giá thấp bán với giá cao, chưa kể hút được lượng tiền mặt nhờ bán vàng trong bối cảnh huy động VND ngày càng khó khăn. Cũng không phải không có ý kiến tỏ ra nghi ngờ khả năng liên kết để giữ chệnh lệch giá của các NH được giao trọng trách bán vàng bình ổn, bởi thực chất NH cũng là DN.
Theo tính toán của các chuyên gia, chỉ tính riêng phiên đầu tiên được phép bán vàng ngày 6/10, với 6 tấn vàng (tương đương 160.000 lượng) mà nhóm 5+1 đã tung ra thị trường, độ chênh giữa vàng trong nước và thế giới phiên này từ 1,3 - 1,5 triệu đồng/lượng, số lời mà các đơn vị này thu về khoảng 200 tỷ đồng.
Vì thế các NH chưa được lọt vào danh sách bán vàng bình ổn “nhấp nhổm không yên” cũng là điều dễ hiểu. Ngay sau khi NHNN cho phép một số đơn vị bán vàng ra thị trường, nhiều NH đã chính thức lao vào cuộc đua lãi suất huy động vàng. Từ mức 0,5% - 1%/năm, lãi suất huy động vàng ở nhiều NH đã được đẩy lên mức 1,5%; 2%, trong đó có cả các NH không nằm trong danh sách 7 NH được bán vàng bình ổn. Đây là sự “đi trước đón đầu” hay lại một chiêu “lách” quy định mà các NH nhà ta có thừa kinh nghiệm?
Một quy định về trần lãi suất huy động vàng được cho sớm muộn cũng sẽ được ban hành. Và nếu trần này được đưa ra thì đồng nhĩa với việc các NH được NHNN “chọn mặt bán vàng” đã lợi “nay càng lợi hơn”.
“Dẫu sao thì đây cũng chỉ là giải pháp tình thế. Một khi thiếu sự công bằng thì dẫu có bán vàng bình ổn thì thị trường cũng khó mà ổn định định được. Đã đến lúc thị trường vàng cần có giải pháp tổng thể, căn cơ hơn…”, một chuyên gia đề nghị.
Hôm qua, 13/10, giá vàng vẫn tiếp tục xu hướng tăng. Giá vàng SJC đã vượt ngưỡng 44 triệu đồng/ lượng (vàng SJC Hà Nội mua vào 43.850 đồng/lượng- bán ra 44.170 đồng/lượng). Nếu tính theo tỷ giá USD bán ra của NH ở mức 20.885 đồng/USD thì giá vàng trong nước vẫn cao hơn giá thế giới khoảng 1,5 triệu đồng/lượng, tính theo giá vàng tự do 21.500 đồng/USD thì khoảng chênh lệch này còn lớn hơn…. |
Hiểu My