Vắng vẻ
Nằm sau khu du lịch Tản Đà, đường vào Công ty TNHH Phát triển nông nghiệp công nghệ cao Sơn Thái (gọi tắt là Cty Sơn Thái – 100% vốn Đài Loan) đi qua con đập tràn rỉ rả nước. Cổng vào doanh nghiệp này là hai khối bê tông, mốc meo và cũ kỹ với vài nhân viên bảo vệ đảm bảo an ninh cho hơn 46,3 ha đất mà đơn vị này thuê của Nhà nước.
Những tấm nhà lưới ngay từ đường vào có vẻ khẳng định hoạt động sản xuất sôi nổi của nhân công, trước dãy nhà văn phòng điều hành cấp bốn rêu mốc.
Thế nhưng, vào trong khu nhà lưới, nơi trồng một ít hoa hồng môn không hề có bóng nhân công. Hơi nước phả ra từ quạt gió cũng không làm dịu đi cái nóng mùa hè làm nhiều lá cây hồng môn khô và rời rạc.
Sau 9 năm được cấp phép đầu tư, doanh nghiệp này đã xây dựng vỏn vẹn 10 khu nhà lưới, diện tích từ 1.200 đến 1.500m2/nhà, trong đó mới chỉ có hai nhà có hệ thống phun sương. Tuy nhiên, nhiều hệ thống nhà lưới được doanh nghiệp xây lên nhưng mới chỉ định hình bằng cọc bê tông, phía dưới vẫn là nền đất đỏ, chưa thấy ươm cây giống, rau sạch, và dĩ nhiên, chưa thấy thứ trái cây “hiện đại” nào…
Sau khu văn phòng, chiếc xe bò nằm đơn côi, dường như lâu lắm rồi công nhân không còn đụng đến. Rác rưởi, bao bì đựng phân hoá học nằm vung vãi, vài téc nước bằng nhựa to kềnh càng nằm dọc lối đi vào khu đất. Suốt đoạn đường dài đằng đẵng, phóng viên chỉ gặp duy nhất một công nhân nam đi ra. Đi sâu vào khu đất 46,3ha, thêm một nhà lưới khác xuất hiện được che đậy bằng loại lưới màu đen hấp nhiệt, nóng đến chảy mồ hôi. Đầu giờ sáng, chỉ duy nhất chỉ một công nhân nữ “trực” ở khu nhà này. Có vẻ, chị đã hoàn thành xong công việc và đang thu dọn đồ ra về. Người của đơn vị này không giới thiệu gì nhiều, nhưng đoán chừng họ rất tự hào về thành phẩm là một số cây hoa trạng nguyên đang nằm trong giai đoạn “mở rộng”.
Phía xa xa, hồ nước vẫn tĩnh lặng để cùng hoà điệu với những bãi đất cỏ mọc um tùm, toả vài cơn gió nhẹ lên nhiều hàng keo tai tượng vươn mình trên đất tốt. Những chiếc cọc xi măng được dựng lên trên khu đất không làm cho hoạt động sản xuất kinh doanh ở đây có phần hồi sinh so với lớp đất màu mỡ.
“Ẩn số”
Tiếp phóng viên trong căn phòng nhỏ có treo dăm bức ảnh về các loại quả đu đủ chín, xoài, ổi… với bức tường cũ kỹ, nằm cạnh khu nhà để vật tư nhiều phân bón và một số xe máy của người làm công, bà Nguyễn Thị Huyên, trợ lý Tổng giám đốc Cty Thái Sơn chỉ tiết lộ một số thông tin cơ bản.
Bà Huyên nói rằng, hiện tại cán bộ công nhân viên của công ty có 44 người, trong đó, 22 người là công nhân sản xuất trực tiếp với 5 “chuyên gia nước ngoài”.
Vốn pháp định của doanh nghiệp, theo bà Huyên là 544.000 USD, vốn đầu tư đăng ký 1.770.067 USD, vốn thực hiện là 664.560 USD.
Cũng theo bà Huyên, từ 2002 đến nay (tính từ thời điểm cấp phép đầu tư) ở đây mới trải qua quá trình trồng thử nghiệm để “chọn lọc giống tốt”. Theo đó, bà Huyên nói đã có một số kết quả “đáng kể” bằng việc chọn lựa được một số sản phẩm như hoa trạng nguyên, hoa hồng môn, lan vũ nữ và một vài loài cây công viên.
Bà Nguyễn Thị Thu, kế toán của doanh nghiệp này nói rằng chế độ chính sách cho cán bộ, công nhân viên ở đây được đảm bảo tuyệt đối. Tuy nhiên, bà Thu không công bố thu nhập bình quân, mà chỉ nói chung rằng doanh thu năm 2010 của công ty là “ít chứ không nhiều”.
Cả bà Huyên và bà Thu không tiết lộ “doanh thu và khoản nợ hiện tại” của doanh nghiệp.
Cán bộ Chi cục thuế Ba Vì, ông Lương Hữu Nghiên, cho biết, đơn vị không nắm được doanh thu hàng năm cũng như các loại thuế khác. Tuy nhiên, tài liệu mà cán bộ này cung cấp, thể hiện, trong năm 2010, Cty Thái Sơn đã nộp 170 triệu tiền thuế thuê đất. “Đó là tính cả tiền nợ thuế đất 3 tháng của năm 2009 cộng lại”, ông Nghiên cho hay.
Chưa có gì xuất khẩu!
Theo giấy phép đầu tư, mục tiêu của doanh nghiệp là “xây dựng trang trại nông nghiệp hiện đại để sản xuẩt hoa, quả, rau và cây giống bằng cách sử dụng các tiến bộ kỹ thuật”… Trong đó, quy định phải có 30% sản phẩm được xuất khẩu, phần còn lại tiêu thụ ở thị trường Việt Nam.
Bà Huyên khẳng định rằng, đến thời điểm này, chưa hề có sản phẩm nào của công ty được xuất khẩu theo như quy định của giấy phép.
Thông tin Cty Sơn Thái chuyển nhượng dự án không làm nhiều người dân địa phương (xã Vân Hòa, huyện Ba Vì, Hà Nội) bất ngờ. Được cấp phép đầu tư từ năm 2002 với viễn cảnh xây dựng một trang trại nông nghiệp kiểu mẫu, không phải đến nay dấu hỏi về năng lực của chủ đầu tư mới được đặt ra.
Sơn Hưng