Bất thường một hợp đồng tín dụng tại Nam Á Bank

(PLVN) - Nghi vấn sử dụng chữ ký giả, khế ước nhận nợ được tẩy xóa, thay đổi… là những dấu hiệu bất thường có thể thấy trong một hợp đồng tín dụng tại Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam Á Bank).

Một điểm giao dịch của  Nam Á Bank tại Hà Nội
Một điểm giao dịch của Nam Á Bank tại Hà Nội

Người vay giả mạo chữ ký  

Theo phản ánh của bà Nguyễn Thị Thơm (SN 1965, Tổ 7, phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), ông Vũ Đình Quang (SN 1985, cháu gọi bà Thơm bằng dì), Phó Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ Vũ Gia (Phố Mạc Thị Bưởi, phường Vĩnh Tuy) đã lừa đảo mang quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất (sổ đỏ) tại số 6, ngõ 29, tổ 7 (phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng) của bà đi thế chấp tại Ngân hàng TMCP Nam Á - Chi nhánh Hà Nội để vay nhiều lần với số tiền lớn.

Bà Thơm nói, bà chỉ đồng ý cho cháu Quang đem “sổ đỏ” tại địa chỉ trên để thế chấp vay tại Nam Á Bank một lần, được thể hiện ở chữ ký ngày 3/10/2010 trong Hợp đồng tín dụng cho vay số 8011000068/2010/HĐTDTL-NHNA để bảo đảm cho Công ty TNHH dịch vụ Vũ Gia vay 2.000.000.000đ (hai tỷ đồng chẵn).

Tuy nhiên, theo bà Thơm, sau lần đồng ý nói trên, người cháu đã giấu bà tự ý làm các thủ tục mang sổ đỏ đi thế chấp, nhiều lần vay tiền tại Ngân hàng TMCP Nam Á - Chi nhánh Hà Nội.

“Để thực hiện được điều này, Quang đã làm giả chữ ký của tôi”, bà Thơm khẳng định.

Theo đó, chủ tài sản nhớ lại, khoảng gần một năm sau khi cho Quang mượn “sổ đỏ”, không thấy Quang đưa cho những bản hợp đồng đã ký. Cảm thấy bất ổn, bà Thơm liên lạc với đại diện Nam Á Bank, Chi nhánh Hà Nội thì được cung cấp một số hợp đồng tín dụng, phụ lục hợp đồng thế chấp, biên bản định giá tài sản phô tô.

“Đọc những hợp đồng ấy, tôi thấy có cả những chữ ký giả mạo chữ ký của tôi. Tôi tá hỏa khi được biết khoản nợ mà Công ty Vũ Gia vay trên cơ sở thế chấp tài sản nhà, đất của tôi không phải là 2 tỷ nữa mà là 4 tỷ đồng”, bà Thơm nhớ lại.

Trước sự việc này, ngày 7/2/2012, bà đã làm đơn đề nghị Nam Á Bank dừng các khoản cho vay khác bằng thế chấp đất và nhà của gia đình.

Ngày 2/8/2017, Nam Á Bank - Chi nhánh Hà Nội gửi thông báo đến gia đình bà Thơm yêu cầu bàn giao tài sản. Theo thông báo này, tính đến ngày 30/6/2017, các khoản nợ gốc của Công ty Gia Vũ đã là hơn 5,4 tỷ đồng; nợ lãi và phạt chậm trả là hơn 10,8 tỷ đồng; tổng nợ là hơn 16,3 tỷ đồng (theo tài liệu, lãi suất nợ quá hạn được Nam Á Bank tính bằng 150% lãi suất cho vay).

Đến ngày 20/7/2018 Nam Á Bank tiếp tục gửi thông báo cho gia đình bà Thơm yêu cầu bàn giao tài sản.

Trách nhiệm của Nam Á Bank đến đâu?

 Sau khi vay nợ, Quang và vợ đã đi ra nước ngoài, đến nay không về, cũng không biết tung tích ở đâu. Cơ quan công an cũng đã có văn bản xác nhận điều này.

Vụ việc cũng được “kéo” ra tòa, tuy nhiên từ năm 2014, Toà án nhân dân TP Hà Nội đã ra phán quyết số 26/2014/QĐST-KDTM về việc đình chỉ giải quyết vụ án kinh doanh thương mại sơ thẩm thụ lý ngày 11/11/2013 về việc tranh chấp hợp đồng tín dụng giữa Ngân hàng TMCP Nam Á và Công ty TNHH Dịch vụ Vũ Gia do Quang không có mặt tại Việt Nam.

Ở đây có thể nhận thấy dấu hiệu một số tài liệu trong hợp đồng tín dụng này đã được sửa đổi để nâng giá trị tài sản bảo đảm lên so với Hợp đồng thế chấp ban đầu.

Đặc biệt, theo Hợp đồng thế chấp số 01170.2010/CCHH/HĐTC, Quyển số 03TP/CC-SCC/HĐGD, thì khoản vay có giá trị tối đa là 2.065.000.000 đồng, nhưng Nam Á Bank – Chi nhánh Hà Nội lại có lần cho vay số tiền lên tới gần 5.000.000.000 đồng.

Đáng nói, trong một số hợp đồng tín dụng ở mục “Chữ ký của các đồng sở hữu tài sản bảo đảm”, không thấy có chữ ký của bà Thơm. Ngoài ra, nhiều tài liệu trong hợp đồng tín dụng có dấu hiệu bị sửa đổi, tẩy xóa, thêm bớt nội dung; chữ kỹ bà Thơm có dấu hiệu bị làm giả.

Theo quy định, định kỳ 12 tháng kể từ lần định giá gần nhất, hai bên sẽ định giá lại tài sản. Tuy nhiên, phía ngân hàng đã định giá trị tài sản không đúng quy định trên. Cụ thể, định giá lần 1 vào ngày 29/7/2010; đến ngày 8/9/2010, tức chỉ sau chưa đầy 2 tháng đã định giá trị tài sản lần 2, và giá trị tài sản tăng lên gấp đôi. Đến ngày 12/2/2011 tiếp tục định giá lại lần 3 với giá trị tài sản lên đến 5,8 tỷ đồng. Đây là cơ sở để làm phụ lục hợp đồng tăng thêm các khoản vay sau này.

Trước những việc làm đầy bất thường của người vay tiền và tổ chức tín dụng, gia đình bà Thơm đến nay không thể biết chủ nợ Quang đã vay của Nam Á Bank bao nhiêu lần, số tiền bao nhiêu và đã trả được bao nhiêu. “Chúng tôi hỏi nhưng đại diện ngân hàng không trả lời”, bà Thơm nghi ngờ,

Xung quanh vấn đề này, PLVN đã nhiều lần liên hệ với Nam Á Bank – Chi nhánh Hà Nội, nhưng đến nay ngân hàng này vẫn im lặng.

Phía bà Thơm nhiều lần khẳng định, bà chỉ cho cháu Quang dùng “sổ đỏ” đi thế chấp vay lần đầu với số tiền 2 tỷ đồng. Vì thế, gia đình bà chỉ đồng ý trả ngân hàng số tiền này. Còn những khoản Quang tự ý vay không có chữ ký của bà và lãi suất phát sinh, gia đình bà không đồng ý trả.

 “Bây giờ, nhà cửa của tôi xuống cấp lắm rồi! Tôi muốn rút “sổ đỏ” từ Nam Á Bank ra để sửa sang lại nhà nhưng ngân hàng không chấp nhận”, bà Thơm bức xúc.

Đọc thêm