Theo tin từ Pháp, phát biểu tại buổi lễ công bố quyết định nói trên, ông Bayrou cho rằng quyết định này cho phép “vượt qua các vách ngăn” giữa các đảng phái, “vượt lên trên các lợi ích cá nhân” và là “câu trả lời đáp ứng các đòi hỏi của nước Pháp vào thời điểm đang phải đối mặt với nhiều rủi ro và thách thức”.
Tạo tương quan mới
Quyết định của Chủ tịch đảng MoDem thực sự đã gây bất ngờ với giới chính trị nước Pháp, và có khả năng sẽ tạo ra một tương quan lực lượng mới giữa các ứng cử viên tổng thống.
Về phần mình, ông Macron cho biết ông chấp nhận liên minh do Chủ tịch MoDem đề xuất. Theo ông, việc này tạo ra “một bước ngoặt trong chiến dịch tranh cử cũng như trong đời sống chính trị” của nước Pháp, các đề xuất của Chủ tịch MoDem phù hợp với ý tưởng và giá trị của phong trào “Tiến bước” do ông lãnh đạo, đồng thời cũng mở rộng khả năng đổi mới và tập hợp sức mạnh.
Theo báo chí Pháp, có sự tương đồng nhất định trong nội dung tranh cử của ông Macron và Chủ tịch đảng MoDem. Cả hai chia sẻ quan điểm ủng hộ hội nhập châu Âu, định hướng tự do về phát triển kinh tế và đều đề xuất xây dựng một nền chính trị vượt qua sự chia rẽ tả-hữu của các đảng phái. Nếu ông Bayrou, 65 tuổi, đại diện cho lớp người có kinh nghiệm, luôn đòi hỏi sự chính xác, xác thực thì ứng cử viên Macron, 39 tuổi, đại diện cho lớp trẻ, hiện thân cho sự đổi mới, có năng lực hoạt động ở tầm quốc tế, có khả năng nắm bắt tương lai và mang đến cho những người ủng hộ cảm giác luôn ở vị trí tiên phong.
Cùng ngày, nguồn tin tư pháp của Pháp cho hay một trợ lí cá nhân của ứng cử viên cực hữu Marine Le Pen đã bị buộc tội dính líu đến bê bối “việc làm giả” tại Nghị viện Châu Âu (EP). Theo đó, bà Catherine Griset, trưởng trợ lí lâu năm của bà Le Pen, đã bị buộc tội lạm dụng tín nhiệm trong vụ điều tra các cáo buộc liên quan đến việc bà Le Pen chiếm dụng khoảng 360.000 USD từ EP. Thông báo trên được đưa ra sau bà Griset và một vệ sĩ của bà Le Pen cùng ngày đã bị cảnh sát thẩm vấn.
Theo kết quả thăm dò mới nhất, bà Le Pen nhiều khả năng sẽ giành chiến thắng trong vòng 1 cuộc bầu cử tổng thống Pháp diễn ra vào tháng 4 tới, song ở vòng 2 mang tính quyết định vào tháng 5, bà Le Pen được cho là sẽ thất bại trước đối thủ có thể là cựu Thủ tướng François Fillon - ứng cử viên cánh hữu, hoặc ứng cử viên trung dung Macron.
Trung dung... được lòng người
Cuộc đua vào Điện Elysée đã trở nên cam go hơn khi ứng cử viên độc lập, cựu Bộ trưởng Kinh tế Emmanuel Macron chấp nhận đề nghị liên minh với Chủ tịch đảng trung hữu Phong trào Dân chủ (MoDem) François Bayrou để giúp ông có thể đánh bại ứng cử viên cực hữu Marine Le Pen.
Theo kết quả các cuộc thăm dò dư luận ngày 23/2, bà Le Pen, Chủ tịch đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia (FN), với quan điểm tranh cử chống nhập cư và chống hội nhập châu Âu, vẫn luôn dẫn trong vòng 1 bầu cử (ngày 23/4) với tỷ lệ ủng hộ là 25-27,5%, tuy nhiên nếu lọt vào vòng 2 (ngày 7/5) bà đều thất bại trước 2 ứng viên tiềm năng Emmanuel Macron hoặc François Fillon.
Cũng theo kết quả thăm dò do Ifop tiến hành trong 3 ngày qua và phản ứng dư luận sau khi hai ông Bayrou và Macron tuyên bố liên minh ngày 23/3, tỷ lệ ủng hộ ứng cử viên Macron đã tăng 3,5 điểm lên 22,5% tại vòng 1, trong khi đó tỷ lệ ủng hộ ứng cử viên đại diện cánh hữu, cựu Thủ tướng François Fillon là 20,5%. Kết quả cho thấy với sự ủng hộ của khoảng 5% cử tri Pháp, ông Bayrou đang tạo thời cơ thuận lợi cho ứng cử viên Macron trong cuộc bầu cử sắp tới.
Trong khi đó, tỷ lệ ủng hộ đại diện đảng Xã hội - cựu Bộ trưởng Giáo dục Benoît Hamon, luôn đứng thứ 4 trong các cuộc thăm dò dư luận, cũng tăng nhẹ sau khi ứng viên đảng Xanh Yannick Jadot rút khỏi cuộc đua và ủng hộ ông Hamon. Mặc dù ông Jadot thường chỉ nhận được tỷ lệ ủng hộ rất khiêm tốn 1-2%, song đây cũng là tín hiệu tốt cho ứng cử viên Hamon khi mà ông này gần như đã thất bại trong việc kêu gọi lãnh đạo phong trào cực tả “Nước Pháp bất khuất”, Jean-Luc Mélenchon, luôn giành được 10% lá phiếu ủng hộ, liên minh để thêm cơ hội cho cánh tả.
Kết quả trên cho thấy tỷ lệ ủng hộ ứng cử viên Macron đã tăng mạnh sau quyết định liên minh với ông Bayrou và đang trở thành ứng viên sáng giá trong bầu cử tổng thống Pháp sắp tới. Trong khi đó, những bê bối tài chính đang khiến uy tín của 2 đối thủ tiềm năng bà Le Pen và ông Fillon sụt giảm mạnh.
Tranh luận trực tiếp
Theo lịch trình, 5 ứng cử viên dẫn đầu các cuộc thăm dò trong cuộc đua vào Điện Elysée sẽ tranh luận trực tiếp trên Kênh truyền hình tư nhân Pháp TF1 vào ngày 20/3 tới.
Các ứng cử viên này gồm: cựu Thủ tướng François Fillon- đại diện cánh hữu; cựu Bộ trưởng Giáo dục Benoît Hamon- đại diện cánh tả; bà Marine Le Pen - Chủ tịch đảng cực hữu “Mặt trận Quốc gia”; ứng cử viên trung dung- cựu Bộ trưởng Kinh tế Emmanuel Macron và Nhà lãnh đạo phong trào cực tả “Nước Pháp bất khuất” Jean-Luc Mélenchon.
Lãnh đạo TF1 cho biết, hình thức cuộc tranh luận sẽ khác với các cuộc tranh luận trong khuôn khổ vòng bầu cử sơ bộ của cánh hữu và cánh tả diễn ra trước đây. Trong khi đó, Kênh truyền hình quốc gia Pháp France Télévisions sẽ tổ chức tranh luận vào ngày 20/4, 3 ngày trước bầu cử tổng thống vòng 1.
Trước đó, Kênh truyền hình quốc gia Pháp France Télévisions đã đề nghị TF1 phối hợp tổ chức cuộc tranh luận nói trên vào ngày 23/3, nhưng lãnh đạo TF1 từ chối. Điều này cho thấy không chỉ các ứng cử viên tổng thống tăng tốc trong cuộc đua, mà các kênh truyền hình cũng cạnh tranh nhau tổ chức các sự kiện quan trọng, nhằm thu hút sự quan tâm của cử tri.
Theo Luật Hiện đại hóa các cuộc bầu cử được thông qua tháng 4/2016, cùng các hướng dẫn cụ thể của Hội đồng cấp cao Pháp về nghe nhìn (CSA), trong 2 tuần cuối trước bầu cử, quy định về “bình đẳng” thời gian phát biểu cho các ứng cử viên không còn hiệu lực, mà các kênh truyền hình có thể dành nhiều thời gian hơn cho ứng cử viên “nặng ký” để họ có thêm cơ hội thuyết phục cử tri về chương trình tranh cử của mình. Thời gian phát biểu sẽ tỉ lệ với “ảnh hưởng và sức nặng chính trị” mà ứng cử viên đó có được, thể hiện qua các cuộc khảo sát và thăm dò.