Hé lộ những 'tuyệt chiêu' tranh cử tổng thống Pháp

(PLO) - Còn 2 tháng nữa, vòng 1 của cuộc bầu cử tổng thống Pháp sẽ diễn ra, nhưng đến nay cuộc bầu cử đã “nóng” lên từng ngày bởi nhiều diễn biến bất ngờ xảy ra, ảnh hưởng đến kết quả của cuộc đua vào điện Elyseé năm nay, khiến cho kết quả cuộc bầu cử tổng thống Pháp năm 2017 trở nên vô cùng khó đoán... 
Bà Marine Le Pen được mệnh danh là “Donald Trump của nước Pháp”
Bà Marine Le Pen được mệnh danh là “Donald Trump của nước Pháp”

Trong bối cảnh đó, cử tri Pháp rất quan tâm đến cương lĩnh tranh cử của các ứng cử viên để làm cơ sở cho quyết định về những lá phiếu của mình. 

Cánh hữu: Ưu tiên cải cách kinh tế

Cựu Thủ tướng François Fillon là đại diện của phe cánh hữu, được đánh giá là người có quan điểm bảo thủ đối với các vấn đề xã hội, bảo vệ các giá trị gia đình và tự do về kinh tế. Ông khẳng định muốn tiến hành các “cải cách triệt để”, trong đó có cả “đường lối cứng rắn” trong phát triển kinh tế. 

Ông Fillon theo đuổi chiến lược cắt giảm ngân sách công, cắt giảm trợ cấp xã hội, tinh giản biên chế trong bộ máy nhà nước như cắt giảm 500.000 viên chức, tăng giờ làm lên 39 giờ/tuần so với 35 giờ/tuần như hiện nay, tăng tuổi nghỉ hưu và bãi bỏ thuế tài sản nhằm xây dựng một nước Pháp công bằng hơn trong tương lai. Chiến lược này được dư luận đánh giá là mang tính triệt để và mạnh mẽ tuy rằng nó được đánh giá là khó thực hiện hơn. 

Ông Fillon nhấn mạnh đến những giá trị của nước Pháp, đó là “Pháp không phải là một quốc gia đa văn hóa”. Do đó, theo ông Fillon, nước Pháp có một lịch sử, một ngôn ngữ và một văn hóa được làm phong phú bởi những đóng góp từ bên ngoài. Bởi vậy, khi một người nước ngoài đến Pháp, họ cần hòa nhập và tôn trọng di sản văn hóa của Pháp. 

Đối với quan hệ Pháp-Nga, ông Fillon cho rằng, mối nguy hiểm thực sự đối với châu Âu không đến từ Nga và các biện pháp trừng phạt Nga thời gian qua đã thất bại. Do đó, theo ông, để chấm dứt cuộc chiến tranh tại Syria, các nước châu Âu cần phải thảo luận với Nga. Ngoài ra, ông Fillon cũng cho rằng cần tiếp tục xây dựng mối quan hệ thẳng thắn và mạnh mẽ với Tổng thống Nga Putin và Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. Các quan điểm này của ông Fillon đã được nhiều cử tri Pháp đánh giá là thể hiện được quan điểm cánh hữu truyền thống, bảo thủ về các giá trị và tự do về kinh tế. 

Cực hữu: Đặt “nước Pháp lên trên hết”

Ứng cử viên của đảng cực hữu Mặt trận dân tộc (FN) Marine Le Pen cũng là một nhân vật đang được đánh giá cao trong cuộc đua vào điện Elyseé năm 2017. Với nhiều phát ngôn gây tranh cãi và chính sách bài ngoại cứng rắn trong cương lĩnh tranh cử, bà Le Pen được mệnh danh là “Donald Trump của nước Pháp” khi chủ trương đặt “nước Pháp lên trên hết”. 

Trở thành thủ lĩnh của FN từ năm 2001, bà Le Pen đã giải quyết được những vấn đề cơ bản của đảng này là thay đổi hình ảnh của FN, thành công trong một thời gian rất ngắn bằng chiêu thức khơi gợi và xoáy vào “tinh thần yêu nước” chứ không phải là dân tộc chủ nghĩa. 

Bà Le Pen chủ trương hạn chế lượng nhập cảnh hợp pháp vào lãnh thổ Pháp ở mức 10.000 lượt người mỗi năm (hiện con số người nhập cảnh vào Pháp đang ở mức khoảng 200.000 từ 10 năm trở lại đây). Bà Le Pen cũng khẳng định không có ý định xóa bỏ chế độ tuần làm việc 35 giờ. Nếu đắc cử, bà sẽ thực hiện nhiều đề xuất gây sốc như Pháp rời khỏi Liên minh Châu Âu (EU), yêu cầu tổ chức một hội nghị thượng đỉnh châu Âu nhằm đàm phán lại các hiệp ước châu Âu và tìm kiếm các không gian hành động, đặc biệt liên quan tới đồng EUR; giảm độ tuổi nghỉ hưu xuống còn 60 tuổi; ưu tiên cấp nhà ở xã hội cho người dân Pháp; đánh thuế cao đối với hàng nhập khẩu và các hợp đồng lao động của người nước ngoài, áp dụng việc dán nhãn mới bắt buộc đối với các sản phẩm “sản xuất tại Pháp”; giảm thuế cho tầng lớp trung lưu, doanh nghiệp vừa và nhỏ; không khôi phục án tử hình; áp dụng thuế cho tất cả mọi đối tượng…

Cánh tả: Nhiều ý tưởng mới

Ứng cử viên của phe cánh tả là ông Benoit Hamon, vốn ít được ưa chuộng, nhưng sau lại giành được chiến thắng ở vòng bầu cử sơ bộ của cánh tả. Cương lĩnh của cựu Bộ trưởng Giáo dục này được cho là chủ yếu nhằm “cho phép người Pháp nắm lại số phận của mình” và “tạo ra một xã hội mà ở đó sự nghiệp không phải là ở việc làm”… Ông Hamon hứa hẹn sẽ nâng cao thu nhập cơ bản của người dân cũng như thúc đẩy các biện pháp mới về bảo vệ môi trường, hủy bỏ Luật Lao động, đánh thuế robot. Vị cựu Bộ trưởng Giáo dục này còn đề xuất nên chỉ có một nhiệm kỳ 7 năm duy nhất cho tổng thống và tổng thống sẽ phải chịu trách nhiệm trước nghị viện…

Ngoài ông Benoit Hamon là đại diện của phe cánh tả, cuộc đua vào điện Elyseé lần này còn lộ diện một ứng cử viên độc lập là cựu Bộ trưởng Kinh tế Emmanuel Macron, 39 tuổi, thuộc phe cánh tả. Ông Macron tự ra ứng cử và thu hút ngày càng nhiều cử tri không chỉ của bên cánh tả, mà cả bên cánh trung và cánh hữu. Với phong trào “En marche” (Tiến bước) của mình, cựu Bộ trưởng Kinh tế Emmanuel Macron sẽ giới thiệu chính thức cương lĩnh tranh cử vào ngày 3/3/2017 tới. Tuy chưa đưa ra chương trình của mình nhưng ông Macron đã phác thảo những đường hướng lớn, theo đó muốn ưu tiên “con đường thứ ba”, trong đó “không phải bảo vệ việc làm mà là bảo vệ người lao động”. 

Chính sách kinh tế sẽ quyết định chung cuộc

Các nhà phân tích nhận định, về cơ bản, mối quan tâm lớn nhất của cử tri Pháp hiện nay vẫn là vấn đề kinh tế. Làm sao tạo thêm công ăn việc làm, lấy lại tăng trưởng cho nước Pháp… là chủ đề được cử tri Pháp quan tâm nhất, sau đó mới đến chuyện an ninh, khủng bố, người nhập cư, hay quan hệ với Liên minh Châu Âu (EU)… Vì thế, ứng cử viên nào có một chương trình tranh cử thuyết phục về các chính sách kinh tế thì ứng cử viên đó sẽ có cơ hội bứt phá.

Chính vì lí do này nên nhiều nhà phân tích chính trị Pháp nhận định, cơ hội cho ông Francois Fillon trở lại vị trí dẫn đầu vẫn còn, bất chấp vụ bê bối liên quan đến vợ và con của ông những ngày qua. Các nhà phân tích đánh giá, ông Fillon vẫn là người đã đưa ra các đề xuất cải cách kinh tế có tính khả thi và lập luận chặt chẽ nhất. Trong khi đó, bà Marine Le Pen tuy đã công bố chương trình hành động khá cứng rắn song các quyết sách kinh tế của bà lại bị đánh giá thấp bởi ít khả thi và mang nhiều rủi ro.

Ẩn số lớn nhất lúc này là ứng cử viên Emmanuel Macron. Ông Macron bản thân là một nhà kinh tế xuất sắc, là cựu Bộ trưởng kinh tế nên lĩnh vực kinh tế được coi là thế mạnh nổi trội của ông Macron so với các đối thủ khác. Tuy nhiên, đến lúc này thì ông Macron vẫn chưa công bố chương trình hành động kinh tế cụ thể của mình để thuyết phục cử tri.

Các nhà phân tích cho rằng, trong thời gian nước rút sắp tới, ngoại trừ những biến cố ngoài dự đoán, thì ứng cử viên nào có chương trình hành động kinh tế thuyết phục nhất thì sẽ có khả năng lôi kéo được nhiều cử tri Pháp nhất. 

Đọc thêm