Ấn F5 để tiếp tục cập nhật
11h10: HĐXX tuyên bố tạm nghỉ, 14h chiều nay, phiên tòa sẽ tiếp tục.
Trước đó, Chủ tọa hỏi bị cáo Kiên về sự tham gia bào chữa của các luật sư, bị cáo trả lời vẫn muốn giữ nguyên nguyện vọng mời 4 luật sư để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình.
|
Bị cáo Nguyễn Đức Kiên |
11h: Sau khi hội ý, HĐXX cho rằng đã triệu tập đại diện Ngân hàng Công Thương. Mặc dù không có mặt nhưng ngân hàng này cũng có đại diện luật sư nên không nhất thiết phải triệu tập
Về ý kiến của các luật sư đề nghị triệu tập đại diện các cơ quan liên quan khác, toà sẽ xem xét và quyết định trong quá trình xét xử.
Do đó, HĐXX quyết định tiếp tục phiên tòa.
10h25: Sau khi các luật sư và bị cáo đưa ra ý kiến, HĐXX xin tạm nghỉ để vào hội ý.
10h10 Vì bị cáo Trần Xuân Giá không có tại phiên xử hôm nay nên một số luật sư bày tỏ quan điểm hoãn phiên toà. Vì cho rằng với tư cách là chủ tịch HĐQT, là người có những quyết định liên quan đến sai phạm xảy ra tại ACB, ông Giá không thể vắng mặt trong quá trình xét xử.
Luật sư Lưu Tiến Dũng (bào chữa cho bị cáo Giá) cũng xin toà hoãn xử vì tình trạng sức khoẻ hiện tại của bị cáo không được tốt và cần có thời gian để chữa trị.
Một luật sư cũng đưa ra ý kiến: Lưu Chí Dung là một trong 19 nhân viên ACB gửi tiền vào vietinbank cũng chưa nhận được giấy triệu tập từ Toà. Do đó cần thiết phải hoãn phiên tòa.
Sau khi nghe ý kiến của đại diện VKS và các Luật sư, bị cáo Kiên xin có ý kiến: Ngược lại với quan điểm hoãn phiên tòa của luật sư, bị cáo Kiên đề nghị phiên tòa tiếp tục.
"Tôi cho rằng tôi không liên quan đến vụ án Huyền Như nên toà xét xử trước 3 tội danh mà không liên quan đến Trần Xuân Giá. Việc vắng mặt của ông Trần Xuân Giá không ảnh hưởng đến 3 tội danh khác mà VKSND tối cao truy tố. Đề nghị VKS cho tiến hành phiên toà. Có thể chờ ông Giá ở phần sau vì đây là phiên toà kéo dài. Đề nghị HĐXX cho xét xử trước 3 tội danh không liên quan đến các hành vi ở ACB và sự ắng mặt của ông Trần Xuân Giá không ảnh hưởng tới các tội danh khác của tôi". - ông nói
Bị cáo Kiên cũng phát biểu: Tôi bị buộc tội 4 tội danh trong khi cá nhân tôi trong 20 tháng qua đã có nhiều đơn, nhiều lần trả lời bản cung cơ quan điều tra, tôi cho rằng tôi không có tội, tôi bị oan. Do đó, tôi mong muốn phiên toà xét xử sớm, công khai cho mọi người biết, dư luận xã hội biết, thực chất của vụ án này là gì!
Bị cáo Kiên tiếp tục kiến nghị: Tôi bị buộc tội trốn thuế trên cơ sở văn bản yêu cầu của Tổng cục thuế nên yêu cầu người ký văn bản hoặc đại diện có thẩm quyền của Tổng Cục thuế có mặt."
9h50 Sau khi thẩm tra căn cước các nạn nhân, HĐXX hỏi VKS ý kiến về việc vắng mặt của bị cáo Trần Xuân Giá sẽ được quyết định như thế nào?
Đại diện VKS giữ quyền công tố tại toá cho rằng, đối với sự vắng mặt của bị cáo Trần Xuân Giá cần xác minh sự vắng mặt của bị cáo. Sau đó trên cơ sở kết quả xác minh sẽ quyết định theo luật. Phiên toà này là phiên toà kéo dài, đề nghị HĐXX tiếp tục xét xử và triệu tập các cá nhân, đại diện tham gia phiên toà.
Với tư cách người có nghĩa vụ quyền lợi liên quan, Huỳnh Thị Huyền Như cũng xuất hiện tại phiên xử
Trước đó Tòa sơ thẩm TP HCM đã xét xử sơ thẩm và tuyên phạt chung thân với bị cáo này tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, phải bồi thường cho ACB 718 tỷ đồng.
|
Huỳnh Thị Huyền Như tham gia phiên xử với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan |
Đúng 8h "Bầu" Kiên cùng các đồng phạm được đưa vào phòng xử. Phiên toà do thẩm phán Nguyễn Hữu Chính (Phó chánh an TAND Hà Nội) làm chủ toạ.
Trước đó 6h30 lực lượng cảnh sát có mặt, kiểm soát an ninh quanh khu vực cổng tòa. 5 phút sau đoàn xe chở Nguyễn Đức Kiên vào cổng.
Đúng như thông tin PLVN đã đưa, bị cáo Trần Xuân Giá vắng mặt vì lý do sức khỏe. Các bị cáo còn lại đã có mặt đầy đủ. Chủ tọa phiên tòa tiến hành thẩm tra thông tin về các bị cáo.
|
H ĐXX sơ thẩm vụ án "Bầu" Kiên và đồng bọn |
Theo cáo trạng Bị cáo Nguyễn Đức Kiên (SN 1964, trú ở phường Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội) bị VKSND Tối cao truy tố về 4 tội danh: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, Trốn thuế và Kinh doanh trái phép.
Hai bị cáo: Trần Ngọc Thanh (Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư ACB Hà Nội), Nguyễn Thị Hải Yến (Kế toán trưởng Công ty cổ phần đầu tư ACB Hà Nội) bị truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Các bị cáo: Trần Xuân Giá (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB), Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang (đều nguyên là Phó Chủ tịch Ngân hàng ACB), Lý Xuân Hải (nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng ACB), Phạm Trung Cang (nguyên Phó Chủ tịch HĐQT ACB), Huỳnh Quang Tuấn (nguyên thành viên thường trực HĐQT ngân hàng ACB) cùng bị truy tố về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Cáo trạng cáo buộc ông Nguyễn Đức Kiên lợi dụng vai trò chỉ đạo, chi phối toàn bộ hoạt động quản trị, điều hành ngân hàng ACB, thông qua 6 công ty, thực hiện hàng loạt các hành vi phạm tội, trong đó có hành vi kinh doanh vàng, tài chính trái phép và trốn thuế.
Cùng với các đồng phạm, Nguyễn Đức kiên đã gây ra thiệt hại gần 1.700 tỷ đồng.
Trước đó, vào tháng 12/2013, sau khi tiếp nhận hồ sơ vụ án, TAND TP Hà Nội đã yêu cầu điều tra, bổ sung thêm một số chứng cứ, tài liệu, tình tiết liên quan tới việc xác định tính chất, mức độ hành vi vi phạm của các bị can và một số người liên quan, nhằm đảm bảo căn cứ cho quá trình giải quyết vụ án được đúng đắn, khách quan, toàn diện và đầy đủ, tránh bỏ lọt tội phạm và không làm oan người vô tội.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cũng đã có công văn đề nghị Ngân hàng nhà nước chỉ đạo HĐQT Ngân hàng ACB có hình thức xử lý hành chính đối với 3 ông gồm: Nguyễn Văn Hòa, kế toán trưởng Ngân hàng ACB; Đỗ Minh Toàn, Tổng Giám đốc Ngân hàng ACB, thành viên Hội đồng thành viên Công ty TNHH chứng khoán ACB (Công ty ACBS) và Nguyễn Ngọc Chung, quyền Tổng Giám đốc Công ty ACBS.
Cơ quan điều tra cũng đề nghị điều tra hành vi nhận tiền gửi vượt trần từ nhân viên ACB của 22 ngân hàng tổng cộng hơn 28.000 tỷ đồng và tách vụ án hình sự để xử lý theo quy định của pháp luật.
Như thông tin PLVN đã đưa, chiều hôm qua, bị cáo
Trần Xuân Giá đã phải nhập viện. Cán bộ Tòa án đã đến đề nghị ông viết đơn xin xét xử vắng mặt nhưng ông không đồng ý.
Thông tin trước phiên tòa cũng cho biết, có ít nhất 6 luật sư đã gửi văn bản đề nghị hoãn tòa mà một trong các lý do chính là chờ kết quả phiên xử phúc thẩm vụ án Huyền Như để xác định thiệt hại của Ngân hàng ACB cũng như xác định tội danh cố ý làm trái quy định cùng trách nhiệm dân sự của ông Kiên và người liên quan.
Theo kế hoạch, Chủ tọa phiên tòa là thẩm phán Nguyễn Hữu Chính, Phó Chánh án TAND TP Hà Nội. Thẩm phán, Thẩm phán thứ 2 ông Nguyễn Quốc Thành, Phó Chánh tòa hình sự. Hội thẩm nhân dân gồm: ông Nguyễn Thanh Hà, Bùi Đăng Hiếu và Đinh Hoài Nam. Thư ký ghi biên bản gồm 2 người là Đinh Quốc Trí và Lê Anh Tuấn (cán bộ TAND TP Hà Nội).
Giữ quyền công tố tại tòa là ông Đào Văn Cường, Phó Viện trưởng VKSND TP Hà Nội và bà Nguyễn Thị Thu Yến.
Tham gia bào chữa cho 9 bị cáo trong vụ án có 20 vị luật sư, trong đó bị cáo Nguyễn Đức Kiên có 4 luật sư bào chữa, bị cáo Lý Xuân Hải và Huỳnh Quang Tuấn đều có 3 luật sư bào chữa.
Dự kiến, phiên tòa sẽ diễn ra trong hai tuần, kết thúc vào cuối tháng 4 này.
PLVN sẽ tiếp tục cập nhật thông tin về phiên sơ thẩm.