Dư luận trái chiều trước phiên xử Bầu Kiên

(PLO) -Có cần hoãn phiên toà để bổ sung chứng cứ quan trọng hay phải đợi kết quả xử phúc thẩm vụ án Huyền Như mới có thể xử vụ bầu Kiên hay cứ xử bầu Kiên mà không phải "đợi" Huyền Như, dư luận đang "nóng" dần trước phiên xử bầu Kiên khi hàng loạt ý kiến trái chiều xuất hiện...

Hoãn phiên toà hay không?

Cho rằng trong hồ sơ vụ án không có văn bản số 350/NHHH-TTGSNH.m ngày 17/5/2012 của Ngân hàng Nhà nước như Kết luận điều tra vụ án đã nêu nên một nhóm luật sư đề nghị Tòa án TP Hà Nội hoãn phiên tòa nếu không bổ sung được cho các luật sư để thẩm tra công khai tại phiên tòa và phải triệu tập người ký công văn trên cùng đại diện Ngân hàng Nhà nước để trả lời về nội dung công văn và trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước.

Tuy nhiên, ở góc độ khác, nhiều ý kiến lại cho rằng xem lại bản Kết luận điều tra, tại trang 21 có dẫn về văn bản số 350/NHHH-TTGSNH.m (xác nhận v/v ACB đã thực hiện nghiệp vụ ủy thác khi chưa có hướng dẫn của NHNN là sai quy định tại điều 13 và điều 106 Luật các TCTD năm 2010). Đáng lưu ý ở chỗ cơ quan điều tra chỉ xem đây là một trong các chứng cứ chứng minh về sai phạm của ACB (từ trang 18 – 22). Theo thủ tục tố tụng, mỗi cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền độc lập và không buộc phải “tuân theo” quan điểm sử dụng chứng cứ của cơ quan khác, có quyền chọn “chứng cứ” trong các “nguồn chứng cứ”.

Điều 64 BLTTHS quy định: “Chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định mà Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Toà án dùng làm căn cứ để xác định …”. Có lẽ có nhiều căn cứ khác để quy buộc nên Cáo trạng của Viện kiểm sát đã không dẫn đến văn bản số 350/NHHH-TTGSNH.m làm “căn cứ truy tố”, và nếu tại phiên tòa mà công tố viên cũng không sử dụng đến văn bản này (mà vẫn buộc được tội), không có ai đưa ra thì hiển nhiên HĐXX sẽ không sử dụng làm căn cứ để giải quyết vụ án.

Theo Điều 205 BLTTHS (Giải quyết những yêu cầu về xem xét chứng cứ và hoãn phiên tòa khi có người vắng mặt) thì những người tham gia tố tụng có quyền yêu cầu HĐXX triệu tập thêm “người làm chứng” hoặc yêu cầu đưa thêm vật chứng và tài liệu ra xem xét để HĐXX xem xét. Như vậy, không chỉ văn bản số 350/NHHH-TTGSNH.m mà với cả tài liệu khác, nếu có, đều có thể được các bên đưa ra cho HĐXX xem xét, thẩm tra. Và với đề nghị triệu tập thêm người thì người ký văn bản số 350/NHHH-TTGSNH.m và người đại diện NHNN phải ra tòa với tư cách gì khi mà 2 người này không thể lấy tư cách thực thi công vụ để ra tòa làm chứng với tên gọi là “người làm chứng”?

Quyền lợi của các bị cáo trong vụ bầu Kiên có liên quan đến vụ án Huyền Như, nhưng bầu Kiên và các cá nhân nguyên Thường trực HĐQT ACB đã không được tham gia phiên tòa vụ Huyền Như?
 Quyền lợi của các bị cáo trong vụ bầu Kiên có liên quan đến vụ án Huyền Như, nhưng bầu Kiên và các cá nhân nguyên Thường trực HĐQT ACB đã không được tham gia phiên tòa vụ Huyền Như?
Huyền Như chiếm đoạt của ACB bao nhiêu tiền?
Xuất phát những quan điểm chủ trương sai trái cả trong điều hành tổ chức thực hiện chủ trương ủy thác, cùng với những sai sót chết người của chính ACB trong quá trình triển khai, ACB đã bị Huỳnh Thị Huyền Như, trong cơn khát tiền bởi quyền lực tín dụng đen,lợi dụng để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt số tiền 718 tỷ đồng. Dùng “tiền để nhử tiền”, Huyền Như trích trả ngay hơn 10 tỷ đồng, được Như gọi là tiền lãi ngoài hợp đồng, để “hạ gục” lòng tham lãi suất của những người bất chấp rủi ro, sẵn sàng “lách luật”.
Bản án sơ thẩm của TAND TP HCM đã xác định Huyền Như phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản của ACB và phải bồi thường 718,905 tỷ đồng (trong đó Trần Thị Tố Quyên liên đới bồi thường 50 tỷ); bản án đồng thời tuyên Vietinbank chuyển trả lại số tiền 24 tỷ đồng trong 19 tài khoản tại Vietinbank.
Tuy nhiên, một số luật sư lại cho rằng bản án sơ thẩm vụ Huyền Như chưa xác định được chính xác số tiền Huyền Như chiếm đoạt là bao nhiêu (718 tỷ đồng hay phải trừ đi 24 tỷ)? Thực tế, trong phần nhận định của bản án đã nêu: “tiếp tục tạm giữ, kê biên các tài sản sau: … số tiền 24.078.087.815đ trong 19 tài khoản tại NHCT…” (trang 123 – 124), đồng thời khi tuyên “Vietinbank chuyển trả lại số tiền 24 tỷ đồng trong 19 tài khoản tại Vietinbank” bản án cũng “mở ngoặc” ngay tại đó “(khoản tiền này được trừ vào khoản tiền phải bồi thường cho ACB)”.
Như vậy, trong số tiền 718 tỷ Huyền Như chiếm đoạt của ACB, có số tiền 24 tỷ chưa sử dụng hết còn nằm trên 19 tài khoản tại NHCT và để bảo đảm thi hành án (thu hồi từ 19 tài khoản tại NHCT để trả cho ACB) bản án sơ thẩm đã tuyên phải tiếp tục tạm giữ, kê biên. Nếu theo logic này thì vụ bầu Kiên sẽ không phải "đợi" Huyền Như?
Trong khi đó, khi đề nghị hoãn phiên tòa để chờ vụ Huyền Như, các luật sư nêu nếu Ngân hàng Công thương phải trả tiền cho ACB, thì hậu quả không xảy ra, tội cố ý làm trái không cấu thành. Trách nhiệm hình sự của bầu Kiên cùng các cá nhân tại ACB trong việc gửi tiền chỉ phát sinh khi Ngân hàng Công thương không chịu trách nhiệm trả tiền. Theo quan điểm này, bắt buộc phải đợi kết quả xử phúc thẩm vụ án Huyền Như mới có thể xử vụ bầu Kiên.
Trường hợp Tòa không đợi xét xử phúc thẩm vụ Huyền Như, thì sẽ phải xác định thiệt hại xảy ra 718 tỷ của ACB bị Huyền Như chiếm đoạt từ Ngân hàng Công thương không phụ thuộc vào việc Ngân hàng Công thương có chịu trách nhiệm trả tiền cho ACB hay không. 

Theo Cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Nguyễn Đức Kiên, nguyên Phó Chủ tịch HĐQT, Phó Chủ tịch Hội đồng sáng lập ACB bị truy tố 4 tội danh: Kinh doanh trái phép, Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Trốn thuế và Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Các bị can Trần Xuân Giá, nguyên Chủ tịch HĐQT ACB; Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang, Phạm Trung Cang, đều nguyên Phó Chủ tịch HĐQT ACB; Lý Xuân Hải, nguyên TGĐ ACB; Huỳnh Quang Tuấn, nguyên là thành viên TT HĐQT ACB bị truy tố về tội “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".

Đọc thêm