'Báu vật sống' của nhã nhạc cung đình Huế qua đời

(PLO) - Ngày 15/9, cụ Lữ Hữu Thi, thành viên duy nhất còn lại của ban nhạc Hòa Thanh (ban nhạc chơi trong cung đình Huế) đã qua đời tại nhà riêng, đường Đặng Tất – TP Huế, hưởng thượng thọ 106 tuổi.
Cụ Lữ Hữu Thi “báu vật sống”của âm nhạc cung đình Huế .
Cụ Lữ Hữu Thi “báu vật sống”của âm nhạc cung đình Huế .

Tuổi già sức yếu cùng với bệnh tật nên sau một thời gian chữa trị cụ Lữ Hữu Thi đã qua đời ở cái tuổi “xưa nay hiếm” hưởng thượng thọ 106 tuổi. Cụ Thi qua đời nhưng những giá trị về âm nhạc cung đình Huế do cụ dày công vun đắp và đào tạo các thế hệ nghệ nhân thì vẫn còn nguyên vẹn. Âm nhạc cung đình Huế giờ đây mất đi một “cây đại thụ”, mất đi người một người truyền lửa cho các thế hệ trẻ.

106 tuổi đời, gần 90 năm gắn bó với nhã nhạc, vinh quang hay tuổi hờn nào với nghề này cụ Thi cũng từng trải qua.

Sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống về nhã nhạc nên cụ Thi đã nhanh chóng tiếp thu với âm nhạc cung đình Huế. Năm 16 tuổi, cụ đã sử dụng thành thạo các loại nhạc cụ và vinh dự được vào triều chơi nhạc cho vua.

Đại gia đình của cụ Thi chơi nhạc cung đình (ảnh tư liệu)
Đại gia đình của cụ Thi chơi nhạc cung đình (ảnh tư liệu)

Năm 1945, cách mạng Tháng 8 thành công, Vua Bảo Đại thoái vị. Ban nhạc Hòa Thanh bị giải tán ngay sau đó, những người trong đội nhạc trở lại công việc trước đây của mình, hoặc về quê hương làm nông dân như trước. Cụ Thi và con trai cả của mình tiếp tục theo đuổi nhã nhạc, cha con ông chơi nhạc tại các đền thờ và nơi công cộng để sống qua ngày, và quan trọng hơn, lưu giữ nhã nhạc bằng cách cha truyền con nối.

Đến năm 1990, khi Nhà nước bắt đầu khôi phục và bảo tồn văn hóa -nghệ thuật truyền thống của dân tộc thì nhã nhạc lại có cơ hội để “khoe mình”, chấm dứt gần 50 năm mai một và có nguy cơ thất truyền.

Năm 2003, sau khi nhã nhạc được Unesco (Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp quốc) công nhận là “Kiệt tác phi vật thể truyền khẩu của nhân loại”, cụ Thi ra sức phục dựng lại những bản nhã nhạc có nguy cơ bị thất truyền. Với sự cố gắng của mình cụ đã tìm ra và phục dựng thành công các bản nhạc cổ như: Nam ai, nam bằng, Long ngâm, xướng tán Nam Giao...

Năm 2010, do tuổi già sức yếu, cụ đã không tham gia công tác nghiên cứu về nhã nhạc, thay vào đó cụ giao lại cho các con tiếp tục sự nghiệp của mình. Riêng về phần mình, cụ về làm việc tại nhà hát Duyệt Thị Đường để tiếp tục đào tạo nhạc công cho nhã nhạc Huế và là cố vấn cho các chương trình biểu diễn nhã nhạc tại nhà hát Duyệt Thị Đường. Tiếp tục đào tạo nhạc công, tính tới thời điểm hiện tại cụ đã đào tạo hàng trăm nhạc công cho âm nhạc cung đình Huế.

Với những đóng góp không  ngừng nghỉ của mình cho nền âm nhạc dân tộc, cụ đã được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tặng Bằng khen và vinh danh vào các năm 2014, 2015.

Tiếp nối truyền thống của cha ông, bốn con trai của cụ vẫn đang theo đuổi nhã nhạc, và hiện đang công tác tại đội nhã nhạc cung đình Huế.