Hội thảo thu hút sự tham gia của hơn 200 đại biểu đại diện các cơ quan nghiên cứu của Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch, Hội Di sản văn hóa Việt Nam, Hội Khoa học Lịch sử, Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam, Trung tâm Lưu trữ quốc gia; và các đại biểu quốc tế đến từ các Trung tâm nghiên cứu, các Trường Đại học ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp...
Có hơn 30 tham luận được gửi đến và trình bày tại hội thảo, tập trung vào 5 di sản liên quan đến triều Nguyễn đã được UNESCO công nhận và một số di sản khác, bao gồm: Quần thể di tích cố đô Huế được công nhận là Di sản văn hóa thế giới (1993), Âm nhạc cung đình Việt Nam - Nhã nhạc (triều Nguyễn) được vinh danh là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của Nhân loại (2003), Mộc bản triều Nguyễn (2009), Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế (2016)…
Tiến sỹ Phan Thanh Hải, Giám đốc TTBTDT Cố đô Huế phát biểu tại hội thảo |
Theo TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm BTDT Cố đô Huế, triều Nguyễn là triều đại quân chủ cuối cùng tại Việt Nam, với gần 400 năm tồn tại (1558-1945), các chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn đã để lại cho dân tộc những di sản văn hóa vô cùng phong phú và mang giá trị đặc biệt. Trong những năm qua, cùng với sự đổi mới và phát triển của đất nước, sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa cung đình thời Nguyễn đã đạt được nhiều thành quả to lớn, góp phần quan trọng xây dựng cố đô Huế trở thành một trung tâm văn hóa du lịch của đất nước. Đặc biệt là các hoạt động nhằm nghiên cứu, đánh giá về các di sản văn hóa cung đình thời Nguyễn tại Cố đô Huế, qua đó tăng cường quảng bá hình ảnh di sản văn hóa Huế, thúc đẩy sự phát triển du lịch tại tỉnh Thừa Thiên- Huế.
Trong bài tham luận của GS.TSKH Lưu Trần Tiêu (Hội đồng Di sản Văn hóa Việt Nam) đánh giá Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế là mô hình tổ chức quản lý thành công nhất so với các Di sản Thế giới khác ở Việt Nam, phù hợp với thực tiễn Việt Nam và yêu cầu của UNESCO đối với di sản được ghi danh là Di sản Thế giới. Ngoài ra, Trung tâm còn xây dựng Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, quản lý trên 11.500 hiện vật ghi dấu về cuộc sống và văn hoá của vương triều Nguyễn và Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế. Hoạt động hợp tác quốc tế về bảo tồn di tích Cố đô Huế cũng đã mang lại những kết quả tốt đẹp. Ngoài Huế, chưa có Di sản Thế giới nào ở Việt Nam lại thu hút được nhiều tổ chức quốc tế và nhiều nước cùng chung tay góp sức như vậy. Sắp tới, trung tâm cần tăng cường hơn nữa hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đào tạo đội ngũ cán bộ thông qua các dự án tu bổ, phục hồi di tích; đồng thời cần hình thành một Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn di tích kiến trúc gỗ khu vực Đông Nam Á tại Huế.
Theo PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam khẳng định, Huế đã có những nỗ lực thiết lập và duy trì sự hài hòa, cân bằng giữa bảo tồn và phát triển bền vững theo tinh thần Công ước của UNESCO về di sản cũng như quy ước quốc tế có liên quan tới di sản thế giới của LHQ. Thực hiện nghiêm túc các khuyến nghị của UNESCO, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã chỉ đạo việc xây dựng và phê duyệt kế hoạch Quản lý quần thể di tích Cố đô Huế giai đoạn 2015-2020.
Hội thảo kết thúc vào lúc 17h cùng ngày.