Báu vật trong ngôi chùa được ốp bằng chén, đĩa

(PLO) - Chùa Sà Lôn (xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng) từ xa trông “ngồ ngộ”. Đến gần mới bất ngờ khi chùa được ốp hoàn toàn từ chén, đĩa, tạo thành một kiểu trang trí không lẫn vào đâu được. Ngôi chùa vì thế còn được người dân đia phương gọi là chùa Chén Kiểu.
Hàng chục năm ghép chén đĩa xây chùa
Chùa Sà Lôn nằm cách trung tâm thành phố hơn 10 cây số, do phật tử quyên góp xây dựng từ năm 1815. Từ lúc mới hình thành, ngôi chùa đã nổi tiếng vì sự độc đáo. Hàng trăm năm trước, khi tòa chánh điện của chùa còn nhỏ bé, đơn sơ đã được ốp trang trí bằng hàng ngàn chiếc chén, đĩa kiểu. Trải qua năm tháng và chiến tranh, ngôi chùa nhiều lần được dựng lại và xây mới.
Chùa Sà Lôn (xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng)
 Chùa Sà Lôn (xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng)
Năm 1968, sư cả (trụ trì chùa theo cách gọi của người Khmer) Tăng Đuch, trụ trì đời thứ chín quyết định xây dựng lại ngôi chùa một cách hoàn thiện như ngày nay. Toàn bộ công trình bao gồm tòa chánh điện, nhà sala, thư viện, mộ của các đời trụ trì… đều xây dựng lại công phu.
Sau 12 năm miệt mài thi công, những công trình trọng điểm cơ bản đã hoàn thành. Nhưng ngân sách của chùa không đủ cho phần trang trí. Vị sư cả đã kế thừa ý tưởng của người đi trước, quyết định dùng gạch men Nhật cộng thêm hàng chục ngàn mảnh chén, đĩa để ốp tường.
Để có đủ để ốp tường, chùa phải nhờ phật tử khắp nơi ở Sóc Trăng và cách tỉnh lân cận quyên góp. Đây là ý tưởng lợi cả đôi đường khi vừa tạo được nét riêng cho chùa vừa tiết kiệm một phần chi phí, không phải trát tường hay sơn màu.
Với bàn tay tài hoa của các nhà sư người Khmer, hàng ngàn chiếc chén, đĩa được ốp lên tường một cách khéo léo. Gần 10 năm miệt mài lắp ghép hàng tấn chén đĩa, diện mạo chùa Sà Lôn hoàn thành giống như ngày nay.
“Ngày xưa ông nội tôi từng quyên góp chén đĩa để xây dựng chùa Sà Lôn. Tôi nghe kể người dân thời bấy giờ còn nghèo khó nhưng biết chùa cần chén đĩa để hoàn thành thì chẳng ai tiếc”, một người dân xã Đại Tâm cho biết.
Ngôi chùa được trang trí từ hàng tấn chén, đĩa.
 Ngôi chùa được trang trí từ hàng tấn chén, đĩa.
Như hàng trăm ngôi chùa khác của đồng bào Khmer, điểm nhấn của chùa Sà Lôn là tòa chánh điện lộng lẫy. Công trình này được xây dựng theo kiến trúc tam cấp, nghĩa là 3 mái lợp ngói đỏ, nhỏ dần bên trên. Tường bao quanh chánh điện này cũng được trang trí bằng chén đĩa với cách bài trí đẹp mắt.
Điều khiến du khách đến vãn cảnh chùa thích thú hơn là những công trình nghệ thuật này không phải do những người thợ lành nghề tạo nên. Tất cả đều từ đôi bàn tay của những nhà sư trong chùa. Người dân ở đây cho biết, những nhà sư Khmer hầu hết đều là những người khéo tay và có con mắt nghệ thuật. Không riêng chùa Sà Lôn, nhiều ngôi chùa khác của người Khmer đều do các nhà sư xây dựng và trang trí.
Để mở rộng quy mô chùa, năm 2013, trụ trì hiện tại của chùa là sư cả Lâm Chanh đã cho xây thêm một ngôi chánh diện tương đương với chánh điện cũ. Mục đích để có thêm phòng học cho các thiếu niên trong tỉnh đến tu học. Để hoàn thành việc trang trí công trình này, sư Lâm Chanh cho biết phải sử dụng đến 10 tấn chén đĩa.
Cặp giường “điều hòa thông minh”
Chùa Sà Lôn là một trong 3 ngôi chùa (cùng chùa Dơi và chùa Đất Sét) của người Khmer nổi tiếng về lịch sử cũng như văn hóa ở Sóc Trăng nói riêng và khu vực miền Tây nói chung. Điểm thu hút của chùa Sà Lôn không chỉ là cách trang trí độc đáo mà còn vì những vật quý mà chùa sở hữu: Hai chiếc giường “thần kỳ” được cho là có nguồn gốc từ gia đình công tử Bạc Liêu.
Sư cả Lâm Chanh cho biết, năm 1947, gia đình công tử Bạc Liêu gặp biến cố phải di cư. Những đồ vật quý hiếm cũng thất lạc ít nhiều. Trong đó, cặp giường nóng lạnh theo mùa là đáng giá nhất cũng bị thất lạc.
Chiếc giường nóng “điều hòa thông minh” trong mùa đông.
Chiếc giường nóng “điều hòa thông minh” trong mùa đông.
Chiếc giường lạnh mùa hè nằm rất mát, không cần gia nhân quạt hầu. Chiếc giường nóng ngược lại, mùa đông nằm ấm áp. Chiếc giường lạnh rơi vào tay thực dân Pháp, đến năm 1956, trụ trì chùa Sà Lôn lúc  ấy vô tình phát hiện và kiên trì mua về chùa. Thời ấy để đưa được chiếc giường này phải tốn hết 6000 đồng, tương ứng với hơn 2000 giạ lúa. Nhưng sư cả vẫn quyết tâm vì biết được sự quý giá của chiếc giường và không muốn vật quý rơi vào tay thực dân.
Bốn năm sau, chiếc giường nóng cũng được một phật tử khá giả mua về cúng chùa với giá tương đương. Tuy là vật quý hiếm nhưng sư cả cho biết, đây là tài sản chung của chùa nên mọi người đều có thể sử dụng và đều cẩn thận giữ gìn.
Sau gần nửa thế kỷ về chùa, trải qua 3 đời trụ trì, cặp giường quý vẫn được nâng niu, hiện được chùa trưng bày cho du khách tham quan tại tòa nhà Phước Xá (còn gọi nhà Xanh). Sư cả cho biết, cặp giường này làm từ gỗ sưa, dài 2,5m, rộng 2m, màu nâu bóng. Điều đặc biệt, mỗi chiếc giường đều được cẩn xà cừ với số lượng lớn và tinh xảo. Nhiều họa tiết được điêu khắc tỉ mỉ đến mức độ hoàn hảo.
Sư Lâm Chanh, trụ trì chùa Sà Lôn.
Sư Lâm Chanh, trụ trì chùa Sà Lôn.
Về “công nghệ điều hòa” ở hai chiếc giường này, sư thầy cho biết “nguyên tắc” hoạt động vô cùng đơn giản.  Ở chiếc giường nóng để dành nằm trong mùa lạnh, bề mặt của giường được làm bằng gỗ giáng hương. Vì là gỗ nên giữ hơi ấm rất tốt, mùa đông nằm không cảm thấy lạnh.
Còn chiếc giường còn lại, bề mặt được làm bằng đá cẩm thạch, mùa hè nằm mát vô cùng. “Mới nghe tưởng hai chiếc giường thần kỳ lắm, nhưng đây chỉ là một ý tưởng thông minh thôi”, sư cả chùa Sà Lôn giải thích. Nhiều người đến chùa bày tỏ mong muốn trả tiền sở hữu đôi giường nhưng nhà chùa cương quyết chối từ.

Đọc thêm