Dù không mới nhưng loại hình cho vay với lãi suất cắt cổ này đã khiến không ít người nhẹ dạ dính bẫy, lâm cảnh khốn đốn. Đáng nói, sau quá trình đi sâu, tìm hiểu loại hình “hỗ trợ tài chính” này, người viết ghi nhận được không ít câu chuyện quanh mánh lới kiểm soát “con nợ” của các “trùm” tín dụng đen (TDĐ).
Mánh khóe cũ nhưng vẫn hiệu quả
Theo đó, đối tượng mà TDĐ thường nhắm tới là sinh viên, lao động tự do và cả cán bộ, công chức... khi các “thượng đế” này có nhu cầu vay “nóng”, vay 100 ngày, họ chỉ cần dùng thẻ sinh viên, bằng đại học, giấy đăng ký xe, giấy chứng minh nhân dân... kèm theo một cuộc điện thoại gọi tới địa chỉ in trên các tờ rơi quảng cáo, ngay lập tức sẽ được đáp ứng. Thậm chí, để lôi kéo khách, không ít các cơ sở TDĐ còn nhiệt tình đến mức cho người mang tiền đến tận nhà.
Theo tìm hiểu riêng của người viết, để thu hút sinh viên, người lao động thu nhập thấp tìm đến vay nợ, thủ tục “giải ngân” của các cơ sở TDĐ thường được tinh giản tối đa. Chẳng hạn, thay vì phải chứng minh tài chính và mục đích sử dụng nguồn vốn như cách thức các ngân hàng thường áp dụng thì giấy tờ, công sức đi lại của người vay được tối giản. Nghĩa là, họ chỉ cần giao ra một giấy tờ tùy thân như thẻ sinh viên, thậm chí hóa đơn tiền điện cũng có thể có trong tay hàng chục triệu đồng.
Chẳng hạn, khi người viết liên hệ với số điện thoại 0967460XXX trong một tờ rơi “hỗ trợ vốn” thì được đối tượng bên kia đầu dây giải thích: Nếu cầm thẻ sinh viên có thể vay từ 1 - 10 triệu đồng, lãi từ 2.500 – 3.000 đồng/triệu đồng/ngày. Trái lại, vay theo hóa đơn thu tiền điện dưới hình thức “hỗ trợ tài chính” thì phí tính lãi sẽ được “linh động” từ 1.500 - 3.000 đồng/triệu đồng/ngày. Trong giới TDĐ thì kiểu cho vay này gọi là “góp”. Loại vay này phổ biến nhiều trong các khu dân cư, chợ, bến xe… Đối tượng vay chủ yếu là dân lao động nghèo cần tiền gấp để làm vốn buôn bán nhỏ, đóng học phí cho con, chữa bệnh… Số tiền cho vay thường từ vài triệu đến vài chục triệu.
Khi vay, chủ nợ sẽ khống chế thời hạn trả nợ bằng cách cộng cả vốn và lãi vào rồi chia đều cho số ngày để con nợ trả góp từng ngày một đến khi dứt nợ. Khác với vay “góp”, vay “đứng” là kiểu cho vay mà vốn thì “đứng yên” một chỗ còn con nợ phải è cổ ra đóng lãi hàng tháng với mức từ 10% trở lên. Hay nói cách khác, sau khoảng thời gian giao hẹn trả nợ, nếu người vay không thể thanh toán đúng kỳ hẹn sẽ bị các chủ TDĐ “phạt” bằng mức lãi cao ngất ngưởng. Cụ thể, lãi suất từ 1.500 đồng/triệu đồng/ngày có thể tăng lên 10.000 đồng/triệu đồng/ngày, thậm chí 20.000 đồng/triệu đồng/ngày.
Kể về hệ lụy từ TDĐ gây ra, đến thời điểm này N.T.H (35 tuổi, Ứng Hòa, Hà Nội) vẫn không khỏi bàng hoàng. Theo lời H, năm 2013 do nhu cầu vay vốn để cứu lỗ cho cửa hàng gạo và cũng để trang trải nợ nần do chồng mê bài bạc H phải vay của một tổ chức TDĐ địa phương 200 triệu. Thế nhưng, trên thực tế khi nhận tiền H chỉ được 160 triệu, số còn lại được gọi là tiền “cắt phế”, được xem như tiền lãi. Đáng nói, dù được “cắt phế” nhưng tiền lãi H phải gánh nhanh chóng “đẻ ra” bằng số vốn ban đầu.
Tương tự như trường hợp H, ông Vũ Duy H (56 tuổi, trú tại Nghi Tàm, Hà Nội) vay 200 triệu, chủ đường dây TDĐ này tính lãi suất 1,2%/tháng. Sau khi tin tưởng cầm cố sổ đỏ, mỗi tháng đều đặng ông H mang 2,4 triệu đi nộp lãi. Đáng nói, được 10 tháng ngôi nhà mà gia đình ông H sinh sống bỗng bị ngân hàng phát mãi. Đến thời điểm này, ông H và những người trong gia đình vẫn không khỏi hoang mang khi “bỗng dưng mất nhà” chỉ vì lãi suất 1,2%/tháng như vậy.
|
Ông Vũ Duy H (56 tuổi, trú tại Nghi Tàm, Hà Nội) là nạn nhân của “bẫy” "tín dụng đen". |
1.001 mánh lới kiểm soát con nợ
Để có thể kiểm soát được con nợ, các tổ chức TDĐ đã bày ra không ít chiêu trò để moi tiền người vay. Theo lời N.T.H, khi H chưa kịp trả nợ đã “dính” phải không ít chiêu trò đe dọa oái oăm. Ngoài các trò dọa dẫm, đánh đập, bị các tay anh chị hành xử thậm tệ, giờ đây các chủ TDĐ còn sử dụng “nghệ thuật” khủng bố bằng cách quẳng hỗn hợp phân, chất lỏng vào cửa nhà con nợ.
Sau đôi bận bị hành xử như vậy, H sợ hãi, tìm lên Sơn La để trốn tránh. H trốn, các chủ nợ vẫn chưa buông tha, chúng tìm đến bố mẹ H yêu cầu phải “gánh” lãi thay con, nếu không hễ gặp H sẽ cắt gân tay chân... Trên thực tế đã từng xảy ra không ít vụ đánh người, giữ người, cưỡng đoạt tài sản trái pháp luật của các chủ TDĐ.
Chẳng hạn ngày 21/4, Công an quận 3, TP.HCM đã bắt giữ một nhóm người đòi nợ thuê của Trần Thị Kim Oanh (ngụ phường 10, quận Gò Vấp) vì đã chặn đường con nợ rồi ngang nhiên cưỡng đoạt chiếc xe gắn máy. Theo tìm hiểu, nhóm tín dụng của Kim Oanh cho “nạn nhân” vay trên 400 triệu đồng, với lãi suất “cắt cổ” 20%/tháng. Ở cơ quan điều tra, đối tượng khai nhận rằng do nhận thấy con nợ không có khả năng chi trả nên mới cưỡng đoạt tài sản như vậy.
Khách quan nhìn nhận, cho vay lãi nặng là hành vi có thể bị truy tố hình sự nên đa số dân cho vay TDĐ thường đội lốt khác. Nghĩa là, thay vì viết giấy vay nợ, họ sử dụng giấy đặt cọc mua nhà, xe hơi và thời hạn giao nhà, giao xe chính là thời hạn đáo hạn nợ.
Trước vấn nạn TDĐ, các lực lượng chức năng vấp phải không ít khó khăn khi thiếu chế tài kiểm soát, xử lý. Cụ thể, do TDĐ là tín dụng “ngầm” ở thị trường phi chính thức nên cả người đi vay và cho vay đều không xuất hiện nên việc phát hiện xử lý rất khó khăn. Hơn nữa, theo Điều 163 Bộ luật Hình sự, hành vi cho vay lãi nặng phải thỏa mãn hai yếu tố: Lãi suất gấp 10 lần lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định và có tính chất chuyên bóc lột (tức là người sống bằng nghề cho vay lãi nặng và dùng nhiều thủ đoạn để ép buộc cho vay và trả nợ). Với hai điều kiện này, cơ quan công an không dễ gì chứng minh và xác định được.
Thiết nghĩ, ngoài công tác tuyên truyền để người dân hiểu và tránh sa bẫy TDĐ, các cơ quan chức năng muốn xoá sổ nó, cách tối ưu nhất không phải là cấm và hình sự hóa. Nên chăng, cần một sự minh bạch hóa TDĐ, nghĩa là ai muốn cho vay lãi nặng phải đăng ký kinh doanh, có đóng thuế và tuân thủ các khoản vay theo đúng quy định của pháp luật. Việc minh bạch hóa các tồn tại trong TDĐ chính là phương pháp kiểm soát, đề phòng tối đa các rủi ro xã hội phát sinh từ loại hình “vay nợ ngầm” này./.