BCĐ đổi mới và phát triển DN khiến Hai Phong Shipchanco thêm "rối"?

Như PLVN đã phản ánh trong các số báo trước, để Công ty cổ phần cung ứng tàu biển Hải Phòng (Hai Phong Shipchanco) sớm ổn định sản xuất, UBND TP.Hải Phòng đã cương quyết yêu cầu nhóm cổ đông sở hữu 21,38 % cổ phần tại doanh nghiệp này phải dỡ bỏ niêm phong trái luật. Tuy nhiên, các đơn vị được giao nhiệm vụ đã tìm cách thoái thác thực hiện.

Như PLVN đã phản ánh trong các số báo trước, để Công ty cổ phần cung ứng tàu biển Hải Phòng (Hai Phong Shipchanco) sớm ổn định sản xuất, UBND TP.Hải Phòng đã cương quyết yêu cầu nhóm cổ đông sở hữu 21,38 % cổ phần tại doanh nghiệp này phải dỡ bỏ niêm phong trái luật. Tuy nhiên, các đơn vị được giao nhiệm vụ đã tìm cách thoái thác thực hiện.

Thoái thác thực thi nhiệm vụ

Như PLVN đã phản ánh, để ổn định tình hình sản xuất của Hai Phong Shipchanco,  từ hôm 31/8, bằng công văn 5099, UBND TP Hải Phòng đã giao cho Công an Hải Phòng giám sát việc dỡ bỏ niêm phong trái luật tại trụ sở Hai Phong Shipchanco và có biện pháp bảo đảm an ninh trật tự; Thường trực Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển DN được giao chủ trì cùng các ngành đề xuất biện pháp giải quyết dứt điểm tình hình phức tạp tại công ty.

Thực thi chỉ đạo của UBND thành phố, Thường trực Ban chỉ đạo đổi mới & phát triển DN Hải Phòng đã yêu cầu nhóm cổ đông nắm giữ 21,38% phải nghiêm chỉnh thực thi Luật DN, không được dùng luật “rừng”, phải dỡ niêm phong sau 5 ngày kể từ ngày 16/9. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, ngay sau đó, ngày 19/9, bằng văn bản số 32/BC- ĐMDN, cũng chính ban này lại đặt ra một tình huống rất “lạ”: sau khi dỡ niêm phong, sẽ trao lại DN cho ai quản lý (?!) Chưa hết, dường như để “câu giờ” trong việc gỡ niêm phong trái luật, ban chỉ đạo này còn “úp mở” kiến nghị với UBND TP.Hải Phòng cần tham khảo ý kiến của một số cơ quan trung ương có kinh nghiệm trong việc giải quyết những vướng mắc trong Luật DN.

Mặc dù đã xác nhận hàng loạt các hành vi của nhóm cổ đông nắm giữ 21,38% vốn điều lệ là trái pháp luật, ban này vẫn nhận định Hai Phong Shipchanco không có HĐQT hợp pháp,  do vậy, sau khi gỡ bỏ niêm phong, “không biết hướng dẫn ai triệu tâp, ai chủ trì lại đại hội cổ đông”. Sự “lúng túng” trên không khỏi khiến dư luận hoài nghi về năng lực thực sự của ban này.

Mâu thuẫn với chính mình

Như PLVN đã phản ánh, ngày 18/8, ông Nguyễn Văn Tâm, Trưởng phòng nghiệp vụ 1, Chi cục Tài chính doanh nghiệp thuộc Sở Tài chính Hải Phòng - người đại diện cho 38% phần vốn Nhà nước, Trưởng Ban kiểm sát của Haiphong Shipchanco - đã có đơn khởi kiện nhóm cổ đông sở hữu 21,38% vốn điều lệ do ông Nguyễn Đức Thạnh làm người đại diện ra trước TAND TP. Hải Phòng để yêu cầu tòa án hủy bỏ kết quả “đại hội cổ đông” hôm 4/7, bầu “thành viên HĐQT” của nhóm cổ đông này. Nếu chiếu theo nhận định của Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển DN, rằng tại thời điểm này “không có HĐQT hợp pháp”, phải chăng việc UBND TP Hải Phòng yêu cầu người đại diện phần vốn Nhà nước tại DN khởi kiện nhóm cổ đông sở hữu 21,38% vốn ra trước tòa nêu trên sẽ trở thành không cần thiết.

Trong một diễn biến khác của vụ việc, ngày 8/10, nhóm cổ đông nắm giữ 21,38% vốn điều lệ cũng tiến hành khởi kiện tại TAND TP.Hải Phòng, yêu cầu tòa tuyên hủy các nghị quyết của đại hội đồng cổ đông đã thông qua hồi 15/7. Quá trình giải quyết vụ kiện, hai cấp tòa đã xác định  trình tự triệu tập đại hội cổ đông, DN đã chưa gửi đầy đủ giấy mời đến tất cả cổ đông; một số tài liệu phục vụ cho họp, thảo luận, biểu quyết thông qua tại đại hội cổ đông cũng chưa được gửi đầy đủ tới các cổ đông. Căn cứ vào các quy định của Luật DN, hai cấp tòa sơ, phúc thẩm đã tuyên hủy kết quả đại hội cổ đông được thông qua ngày 15/7.

Yêu cầu của tòa án rõ ràng là thế, không hiểu lý do gì, khi bản án phúc thẩm số 156 ngày 15/9 của Tòa phúc thẩm TAND tối cao có hiệu lực pháp luật, Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển DN vẫn chưa “thông”. Ban này lại kiến nghị UBND TP.Hải Phòng cho tổ chức đại hội bất thường để bầu lãnh đạo mới. Chưa hết, để tổ chức đại hội bất thường, ban chỉ đạo còn kiến nghị cử thêm hai đại diện phần vốn nhà nước để tham gia HĐQT. Với kiến nghị này, Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển DN TP. Hải Phòng đã đi quá xa so với quyết định của tòa án.

Rõ ràng, với sự thiếu kiên quyết trong việc yêu cầu nhóm cổ đông sử dụng luật “rừng” phải gỡ bỏ niêm phong, chưa hướng dẫn thật sát sao các quy định của Luật DN, có biểu hiện “thỏa hiệp” với một số yêu sách không đúng đắn của nhóm cổ đông nắm giữ 21,38%, Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển DN TP.Hải Phòng đã khiến tình hình tại Hai Phong Shipchanco ngày càng “rối” thêm.           

Linh Nhâm

Đọc thêm