Bất động sản công nghiệp Việt Nam có "lực hút" mạnh với các nhà đầu tư nước ngoài

(PLVN) - Tính từ đầu năm 2023 đến ngày 20/3 (tức là chưa đầy 3 tháng), các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 17 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Riêng, ngành kinh doanh bất động sản công nghiệp đang đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư gần 766 triệu USD.
Hình ảnh minh hoa.

Cục Đầu Tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) mới có Báo cáo về tình hình thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2023. Theo đó, Cục Đầu Tư nước ngoài cho biết, tổng vốn đăng ký cấp mới, bất động sản vẫn là ngành đứng thứ 2 trong số các ngành có lượng đầu tư FDI lớn nhất với tổng vốn đầu tư trong 3 tháng đầu năm đạt 766 triệu USD, chiếm gần 14,1% tổng vốn đầu tư đăng ký và giảm 71,6% so với cùng kỳ.

Các ngành bán buôn, bán lẻ; vận tải kho bãi thu hút vốn đầu tư tăng hơn so với cùng kỳ, xếp thứ 3 và 4 với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt là gần 276 triệu USD (tăng gấp 2 lần cùng kỳ) và gần 151 triệu USD (tăng 37%).

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, đã có 67 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam trong 03 tháng đầu 2023. Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư gần 1,69 tỷ USD, chiếm gần 31% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, giảm 26,3% so với cùng kỳ 2022; trung Quốc đứng thứ hai với gần 552 triệu USD, chiếm 10,1% tổng vốn đầu tư, giảm 38,3% so với cùng kỳ;

Đài Loan đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 477 triệu USD, chiếm gần 8,8% tổng vốn đầu tư, tăng 47,5% so với cùng kỳ. Tiếp theo là Hàn Quốc, Hồng Kông, Hà Lan,..

"Xét về số dự án, Hàn Quốc dẫn đầu cả về số dự án mới (chiếm 15,5%), số lượt điều chỉnh vốn (chiếm 26,9%) và GVMCP (chiếm 28,4%)", Cục Đầu tư nước ngoài tổng hợp.

Theo số liệu thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 44 tỉnh, thành phố trên cả nước, trong 03 tháng đầu năm 2023;

Bắc Giang dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 1,1 tỷ USD, chiếm gần 20,3% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng gấp 5,2 lần so với cùng kỳ năm 2021[1]. Đồng Nai xếp thứ hai với 18 dự án mới, tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 607 triệu USD, chiếm hơn 11,1% tổng vốn đầu tư cả nước, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ. Tiếp theo lần lượt là Bắc Ninh, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng,…

Theo nhận định của Cục Đầu tư nước ngoài, nếu xét về số dự án, TP Hồ Chí Minh vẫn là địa bàn dẫn đầu cả nước cả về số dự án mới (41,4%), số lượt dự án điều chỉnh (15,8%) và GVMCP (66,6%);

Vốn đầu tư của Bắc Giang tăng mạnh do có tới 03 dự án đầu tư lớn, có vốn đầu tư trên 100 triệu USD. Các dự án này đã chiếm tới 97% tổng vốn đầu tư của Bắc Giang trong 3 tháng.

Dựa trên kết quả tổng hợp, Cục Đầu tư nước ngoài đánh giá, số dự án đầu tư mới tiếp tục tăng so với cùng kỳ và tăng mạnh so với 02 tháng đầu năm. Điều đó cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài quy mô vừa và nhỏ tiếp tục quan tâm, tin tưởng vào môi trường đầu tư của Việt Nam;

Các dự án đầu tư mới vẫn tập trung vào các tỉnh, thành phố có nhiều lợi thế trong thu hút ĐTNN (cơ sở hạ tầng tốt, nguồn nhân lực ổn định, nỗ lực cải cách thủ tục hành chính và năng động trong công tác xúc tác đầu tư,…) như Bắc Giang, Đồng Nai, Bắc Ninh, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng,…

Trong bối cảnh hiện nay thị trường bất động sản nhà, đất đang từng bước được tháo gỡ khó khăn, một số chuyên gia cho rằng, thị trường bất động sản công nghiệp của Việt Nam tiếp tục "lên ngôi" và sẽ phát triển đa dạng hơn các sản phẩm, như trung tâm dữ liệu, kho lạnh và logistics.

Ngoài ra, dịch vụ xây dựng nhà xưởng theo yêu cầu (built - to - suit) nhằm đáp ứng các yêu cầu đặc biệt về kỹ thuật cũng là điểm thu hút các nhà đầu tư.

Theo các chuyên gia, để thu hút nhiều hơn nữa các nhà đầu tư quốc tế vào bất động sản công nghiệp tại Việt Nam, thì việc hoàn thiện khung pháp lý, chính sách đầu tư tốt là "lực hút" mạnh. Ngoài ra, các chủ đầu tư các khu công nghiệp cần chú trọng tới việc xây dựng các khu công nghiệp xanh, hạ tầng giao thông đồng bộ, môi trường sạch và đa tiện ích.

Đọc thêm