Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) vừa có đề xuất các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp BĐS và người mua nhà vượt qua khó khăn trong đại dịch Covid-19 và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tái khởi động thị trường BĐS sau đại dịch.
Đầu tư cho giới trẻ rất ít bị rủi ro?
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, cho biết, tác động của dịch Covid-19 là vô cùng lớn.
Về gói tín dụng cho nhà ở xã hội, HoREA cho biết Hiệp hội rất hoan nghênh Chính phủ đã chỉ đạo Bộ KH&ĐT cân đối thêm 3.000 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước, trong đó, 1.000 tỷ đồng cho NH Chính sách xã hội và 2.000 tỷ đồng cho Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank, để hỗ trợ cho vay nhà ở xã hội.
Hiệp hội đề nghị Thủ tướng chủ trì Hội nghị phát triển nhà ở xã hội đảm bảo an sinh xã hội, sau khi đại dịch Covid-19 qua đi, để tạo cú huých phát triển nhà ở xã hội và nhà ở thương mại có giá vừa túi tiền, đáp ứng nhu cầu nhà ở thực của cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, công nhân, lao động, người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị, người nhập cư…
Tuy nhiên, tại Thông tư 01/2020 của NHNN chưa xác định BĐS cũng là lĩnh vực cũng chịu nhiều tác động tiêu cực do đại dịch Covid-19, nên chưa được hưởng chính sách hỗ trợ tín dụng.
Trong hai tháng qua, hầu như các DN BĐS vẫn chưa thể đàm phán với các NH thương mại về cơ cấu lại nợ, giảm lãi vay, giãn tiến độ trả lãi vay, trả nợ gốc, không chuyển nhóm nợ xấu hơn khi đáo hạn...
Đồng thời người vay mua nhà cũng chưa thể đàm phán với các NH thương mại về cơ cấu lại nợ, giảm lãi vay, giãn tiến độ trả lãi vay, trả nợ gốc, để vượt qua khó khăn do đại dịch.
Do vậy, Hiệp hội đề nghị NHNN xem xét, chỉ đạo các NH thương mại xem xét cho các DN BĐS được cơ cấu lại nợ, giảm khoảng 30% lãi vay trong thời hạn 12 tháng, giãn tiến độ trả lãi vay, trả nợ gốc, không chuyển nhóm nợ xấu hơn khi đáo hạn theo tinh thần Thông tư 01.
Đồng thời đề nghị các NH thương mại xem xét cho người vay mua nhà ở thương mại được giảm lãi vay, giãn tiến độ trả lãi vay, trả nợ gốc, để vượt qua khó khăn do đại dịch theo tinh thần Thông tư 01.
Đáng chú ý, ông Châu cũng đưa ra kiến nghị về hỗ trợ “tín dụng tạo lập căn nhà đầu tiên” cho giới trẻ.
Ông Châu cho biết hiện nay, giới trẻ mới lập gia đình, mới lập nghiệp đang có xu thế sống tự lập, có nhu cầu tạo lập “căn hộ nhỏ”.
Kết quả nghiên cứu đã cho thấy, cứ sau mỗi 10 năm thì đa phần giới trẻ có thu nhập tăng lên khoảng gấp đôi.
Do vậy, đầu tư cho giới trẻ gần như rất ít bị rủi ro. Nhiều nước trên thế giới cho giới trẻ vay tín dụng theo phương thức tín chấp để mua nhà, để đóng học phí…
Việc giới trẻ có nhà riêng sẽ còn kéo theo nhu cầu gia tăng về trang thiết bị, hàng hóa và nhiều loại dịch vụ khác, kích thích nền kinh tế phát triển. Từ “căn hộ nhỏ” ban đầu, sẽ chuyển đổi qua các căn nhà lớn hơn trong vòng đời, trong quá trình thu nhập tăng thêm.
Do vậy, Hiệp hội đề nghị Chính phủ, NHNN xem xét ban hành chính sách “tín dụng tạo lập căn nhà đầu tiên” cho giới trẻ theo phương thức tín chấp, để mua nhà. Ông Châu lấy dẫn chứng, NH Grameen Bank của Bangladesh cho người nghèo vay không thế chấp để làm ăn, nhưng tỷ lệ nợ xấu dưới 1%.
Đề xuất cho giãn tiến độ nộp tiền sử dụng đất dự án
Cũng theo ông Châu, Nghị định 41/2020/NĐ-CP “Gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất”, nhưng chưa quy định việc giãn tiến độ nộp tiền sử dụng đất.
“Đối với DN, tiền sử dụng đất chiếm tỷ lệ lớn trong dự án nhà ở. Nếu phải nộp tiền sử dụng đất tại thời điểm hiện nay, trong lúc bị sụt giảm mạnh doanh thu hoặc không có doanh thu thì DN càng thêm khó khăn”, lãnh đạo HoREA cho biết.
Còn đối với các cá nhân, hộ gia đình, trước đây khi được chuyển mục đích sử dụng đất; được cấp Giấy chứng nhận phải nộp tiền sử dụng đất và hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao đất tái định cư mà có khó khăn về tài chính sẽ được ghi nợ tiền sử dụng đất.
Nhưng kể từ ngày 10/12/2019, khoản 1 Điều 1 Nghị định 79/2019/NĐ-CP quy định chỉ có các hộ gia đình, cá nhân là người có công với cách mạng; hộ nghèo; hộ gia đình, cá nhân là đồng bào dân tộc thiểu số; hộ gia đình, cá nhân có hộ khẩu thường trú tại địa bàn cấp xã được công nhận là địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, được ghi nợ tiền sử dụng đất trong trường hợp được giao đất tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.
“Hiện nay, nếu cá nhân, hộ gia đình phải nộp tiền sử dụng đất để hợp pháp hóa quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở, thì khoản tiền này có giá trị rất lớn, trong lúc hầu hết các cá nhân, hộ gia đình đều khó khăn và đang phải vất vả đối phó với đại dịch”, lãnh đạo HoREA nhấn mạnh.
Do vậy, Hiệp hội đề nghị Chính phủ xem xét, chấp thuận cho giãn tiến độ nộp tiền sử dụng đất dự án đối với doanh nghiệp có số nợ tiền sử dụng đất phải nộp phát sinh trong các tháng 3-6/2020 (sau 90 ngày kể từ ngày có Thông báo nộp tiền sử dụng đất) được giãn tiến độ 5 tháng, tương tự quy định giãn thuế của Nghị định 41/2020/NĐ-CP.
Đề nghị xem xét, chấp thuận cho cá nhân, hộ gia đình cũng được giãn tiến độ nộp tiền sử dụng đất 12 tháng, khi hợp pháp hóa quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở.
Về tình hình thị trường BĐS quý I/2020, ông Châu cho biết, cả nước có khoảng 53.000 sản phẩm BĐS được chào bán ra thị trường (bao gồm sản phẩm mới và hàng tồn kho), nhưng tỷ lệ tiêu thụ được chỉ đạt khoảng 14%, thấp nhất trong vòng 4 năm qua. Đã có 800 sàn giao dịch BĐS trong tổng số khoảng 1.000 sàn giao dịch trong cả nước phải ngừng hoạt động.
Theo thông tin nghiên cứu của TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện đào tạo và Nghiên cứu BIDV thì số DN BĐS tạm ngừng hoạt động tăng cao nhất, tăng 94,1%; đồng thời số DN BĐS thành lập mới giảm đến 12% (đứng thứ 2) trong quý I/2020 so với cùng kỳ năm trước.
Nguồn vốn FDI vào lĩnh vực BĐS sụt giảm mạnh, chỉ có 264 triệu USD, chiếm 3,08% tổng nguồn vốn FDI, tụt xuống vị trí thứ 4. Tại TP HCM, ngành xây dựng BĐS chỉ thu hút được 35 triệu USD, chiếm 11,3%, đứng vị trí thứ 2.
Thị trường BĐS TP HCM quý I/2020 chỉ có 10 dự án được phê duyệt bán nhà ở hình thành trong tương lai với 2.800 căn, bao gồm 2.700 căn hộ chung cư và 80 nhà thấp tầng, giảm 22% so với cùng kỳ 2019 và giảm gần 70% so với quý trước.
Ông Châu nhận xét: “Nhìn tổng thể, thị trường BĐS quý I/2020 trầm lắng. Trong đó, tháng 3 và nửa đầu tháng 4/2020 gần như bị đóng băng, giao dịch mua bán nhà sụt giảm khoảng 70%; doanh thu sụt giảm trên dưới 80% dẫn đến tình trạng thiếu hụt tiền mặt và thanh khoản”.
“Các DN BĐS và người mua nhà đều gặp khó khăn rất lớn. Tỷ lệ người mua nhà gặp khó khăn tài chính, do bị giảm thu nhập, không trả được lãi vay ngân hàng, nên phải xin thanh lý hợp đồng mua nhà chiếm trên dưới 10%, càng tạo thêm áp lực lớn đối với các DN BĐS”.