Bình Dương quy hoạch Bàu Bàng thành vùng lõi của đô thị sáng tạo

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Huyện Bàu Bàng được định hướng phát triển thành vùng động lực phát triển của tỉnh Bình Dương, trong tương lai trở thành "Trung tâm đổi mới sáng tạo - công nghiệp" phía Bắc của tỉnh này.

“Trung tâm đổi mới sáng tạo – công nghiệp phía Bắc”

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh mới ký quyết định phê duyệt Đồ án quy hoạch xây dựng vùng Bàu Bàng (huyện Bàu Bàng) đến năm 2040. Trong đó xác định sẽ xây dựng vùng lõi đô thị dựa trên sự phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, tập trung phát triển mô hình công nghiệp - đô thị - dịch vụ thế hệ mới. Vùng lõi sẽ là vùng động lực phát triển của tỉnh, với hạt nhân là hình thành khu công nghiệp (KCN), công nghệ thông tin tập trung. Trong đó, vùng lõi trung tâm của Bình Dương được xác định là các thành phố gồm Thủ Dầu Một, Tân Uyên, Bến Cát và huyện Bàu Bàng.

Mục tiêu phê duyệt điều chỉnh nhiệm vụ quy hoạch là cụ thể hóa quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang triển khai; cụ thể hóa các định hướng phát triển kinh tế - xã hội huyện Bàu Bàng, cụ thể hóa mục tiêu xây dựng các huyện nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Trong đó, định hướng huyện Bàu Bàng hoàn thành tiêu chí huyện nông thôn mới làm tiền đề phấn đấu các giai đoạn tiếp theo đạt các chỉ tiêu đô thị loại III, trở thành thị xã thuộc tỉnh.

Bình Dương quy hoạch Bàu Bàng thành vùng lõi của đô thị sáng tạo ảnh 1

Nút giao QL 13 với đường Tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng hướng vào KCN Bàu Bàng, cửa ngõ giao thương của khu vực Đông Nam Bộ và Tây Nguyên.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Minh, Bình Dương định hướng Bàu Bàng là huyện phát triển theo hướng công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp, ưu tiên phát triển công nghiệp dịch vụ, trong tương lai trở thành "Trung tâm đổi mới sáng tạo - công nghiệp" phía Bắc của tỉnh Bình Dương; là huyện cửa ngõ phía Bắc của tỉnh Bình Dương, kết nối với tỉnh Bình Phước và khu vực Tây Nguyên thông qua tuyến Quốc lộ 13. Huyện Bàu Bàng đóng vai trò vùng Kinh tế phía Bắc của tỉnh Bình Dương, có sự tác động tương hỗ và gắn kết với không gian kinh tế của huyện Dầu Tiếng và huyện Phú Giáo, thành phố Bến Cát; là khu vực phát triển công nghiệp (đa ngành, chế biến nông lâm sản), phát triển khu phức hợp Văn hóa - Thể thao, Y tế, Giáo dục đào tạo cấp vùng, trung tâm dịch vụ - thương mại cấp vùng, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa lịch sử.

Huyện Bàu Bàng hiện có 4 KCN đã hoạt động và 2 KCN quy mô lớn đang xây dựng, thu hút đầu tư công nghiệp xanh. Các KCN tại huyện Bàu Bàng có hạ tầng đồng bộ, hiện đại, có vị trí thuận lợi, liền kề các trục giao thông quan trọng như: Quốc lộ 13, đường tạo lực Mỹ Phước Tân Vạn, đường tạo lực Bắc Tân Uyên – Phú Giáo – Bàu Bàng, đã kết nối hoàn chỉnh, thông suốt đến TP HCM, Đồng Nai, Long An, các tỉnh lân cận và Tây Nguyên.

Dấu ấn 10 năm đổi mới

Được thành lập từ năm 2014, đến nay, Bàu Bàng đã trải qua chặng đường 10 năm nỗ lực để phát triển và hoàn thiện. Mặc dù “đi sau” nhưng tốc độ và thành quả mà huyện đạt được khiến nhiều người phải bất ngờ. Đáp ứng kỳ vọng của tỉnh Bình Dương là đưa nơi đây trở thành một trong những hạt nhân phát triển công nghiệp đầy năng động và là vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Bình Dương quy hoạch Bàu Bàng thành vùng lõi của đô thị sáng tạo ảnh 2

Định hướng trong tương lai huyện Bàu Bàng trở thành " Trung tâm đổi mới sáng tạo - công nghiệp" phía Bắc của tỉnh Bình Dương.

Trong phương án quy hoạch, lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương nhận định Bàu Bàng là địa phương giàu nội lực, có đòn bẩy tốt và hoàn toàn tiến được xa hơn nữa chỉ trong tương lai gần. Xét riêng về tốc độ hoàn thiện hạ tầng giao thông kết nối và thu hút vốn đầu tư vào các KCN đã mang đến những thành quả vượt bậc cho huyện để chính thức trở thành trung tâm công nghiệp mới.

Thời gian qua, liên tục các doanh nghiệp và dòng vốn chất lượng lựa chọn Bàu Bàng, thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế diễn ra mạnh mẽ, thu hút người lao động, chuyên gia về làm việc. Điều này đẩy nhu cầu nhà ở tại đây tăng cao, đặc biệt là nguồn cung nhà ở chất lượng, đa dạng về lựa chọn.

Trong 10 năm qua từ 2014-2023, huyện Bàu Bàng đã thu hút 199 dự án đầu tư nước ngoài đăng ký mới với tổng số vốn đầu tư 3,99 tỷ USD và 1.044 dự án đầu tư trong nước đăng ký mới với tổng vốn đăng ký 18.073 tỷ đồng. Kết quả này đã nâng tổng số dự án trên địa bàn huyện đến nay lên 1.463 dự án, trong đó có 1.214 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký 32.535 tỷ đồng và 249 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký 4,54 tỷ USD.

Theo UBND huyện Bàu Bàng, hiệu quả từ các KCN đã kéo theo sự phát triển về đô thị, thương mại, dịch vụ, giúp người dân có điều kiện hơn trong sản xuất, kinh doanh. Nhờ vậy, trong 10 năm qua, kinh tế huyện Bàu Bàng luôn có mức tăng trưởng bình quân hằng năm 18,84%; giá trị sản xuất công nghiệp tăng gấp 4,72 lần, từ 7.479 tỷ đồng năm 2014 lên 35.361 tỷ đồng năm 2023; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng trưởng bình quân hằng năm 23,88%, từ 1.437 tỷ đồng năm 2014 lên 9.878 tỷ đồng năm 2023, tăng 6,87 lần; thu hút đầu tư nước ngoài từ 50 dự án có vốn đầu tư hơn 730 triệu USD tăng lên 249 dự án với vốn 4,54 tỷ USD; đầu tư trong nước từ 170 dự án có vốn đầu tư 14.460 tỷ đồng đã tăng lên 1.214 dự án với vốn đầu tư hơn 32.535 tỷ đồng; thu ngân sách trong giai đoạn 10 năm 2014-2023 tăng bình quân hằng năm 15,55%, riêng thu ngân sách năm 2023 đạt 1.539,3 tỷ đồng, tăng 3,17 lần so với năm 2014.

“Đòn bẩy” khu công nghiệp

Theo quy hoạch, Bàu Bàng xác định phát triển khu công nghiệp là “đòn bẩy” quan trọng, giúp sẽ chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp, thương mại - dịch vụ, nông nghiệp, trong đó công nghiệp giữ vai trò chủ đạo, tạo động lực thu hút đầu tư phát triển dịch vụ, đô thị và nông nghiệp. Với định hướng đó, thời gian qua huyện tập trung thu hút đầu tư phát triển mạnh mẽ các ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ trên địa bàn.

Bình Dương quy hoạch Bàu Bàng thành vùng lõi của đô thị sáng tạo ảnh 3

Khu công nghiệp Becamex Bàu Bàng có diện tích hơn 2,000 ha tại xã Lai Hưng và xã Lai Uyên, huyện Bàu Bàng. Hiện tại, KCN đã được mở rộng sang giai đoạn 2, với diện tích tăng thêm 1,000 ha.

Dấu ấn nổi bật nhất trong công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa của huyện Bàu Bàng những năm qua chính là chiến lược quy hoạch phát triển công nghiệp phù hợp, dựa trên nền tảng xây dựng và phát huy vai trò của các KCN tập trung. Thông qua thực hiện các giải pháp đồng bộ trong đầu tư và phát triển hạ tầng các KCN, đến nay, huyện Bàu Bàng đã hình thành 2 KCN với tổng diện tích quy hoạch hàng ngàn ha. Các KCN đi vào hoạt động và phát huy hiệu quả. Ngoài ra, KCN Cây Trường 700 ha, KCN Lai Hưng 600 ha đang chuẩn bị các bước để triển khai thực hiện.

Chủ tịch UBND huyện Bàu Bàng - Võ Thành Giàu cho biết, thành công trong quá trình phát triển của huyện Bàu Bàng là Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện đã phát huy tinh thần đoàn kết, đổi mới, chủ động, sáng tạo, tập trung phát huy tốt mọi tiềm năng, lợi thế của huyện nhằm xây dựng địa phương phát triển nhanh.

Với nhiều giải pháp đồng bộ, đến nay tổng số dự án trên địa bàn huyện Bàu Bàng là 1.463 dự án, trong đó đầu tư trong nước 1.214 dự án với tổng vốn đăng ký 32.535 tỷ đồng, đầu tư nước ngoài là 249 dự án với tổng vốn đăng ký 4,53 tỷ đô la Mỹ. Ngoài ra, huyện có 8.360 hộ kinh doanh góp phần đa dạng cơ cấu kinh tế. Thời gian tới, huyện tiếp tục thực hiện các hoạt động xúc tiến và quảng bá thương hiệu để thu hút các nhà đầu tư, các doanh nghiệp; thiết lập quy hoạch phát triển đô thị và kinh tế - xã hội, bao gồm các yếu tố như hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật, khu vực thương mại, khu vực giải trí, dịch vụ hỗ trợ, nhà ở.

Trong 9 tháng đầu năm 2024, huyện Bàu Bàng đã thu hút được 36 dự án đầu tư đăng ký mới, trong đó đầu tư trong nước có 2 dự án với tổng số vốn đăng ký gần 43 tỷ đồng, đầu tư nước ngoài có 34 dự án với tổng số vốn đăng ký gần 59 triệu USD; có 11 dự án đầu tư nước ngoài đăng ký tăng thêm vốn là 286,146 triệu USD. Đến nay trên địa bàn huyện có 1.499 dự án đầu tư, trong đó đầu tư trong nước có 1.216 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 32.535 tỷ đồng, đầu tư nước ngoài có 283 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 4,6 tỷ USD.

Trong 3 tháng cuối năm 2024, huyện Bàu Bàng tiếp tục tăng cường xúc tiến đầu tư vào các khu công nghiệp; tập trung thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm đi qua địa bàn huyện, như đường cao tốc TP.HCM- Thủ Dầu Một - Chơn Thành...

Đưa vào vận hành trung tâm giám sát điều hành thông minh

Sáng 18/10, UBND huyện Bàu Bàng đã tổ chức lễ khánh thành Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh (IOC) và công bố các hoạt động hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số Quốc gia, Ngày Chuyển đổi số tỉnh Bình Dương năm 2024.

Bình Dương quy hoạch Bàu Bàng thành vùng lõi của đô thị sáng tạo ảnh 4

UBND huyện Bàu Bàng đã tổ chức lễ khánh thành Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh (IOC). (ảnh Hoàng Tú)

IOC huyện Bàu Bàng đã tích hợp dữ liệu được 12 phân hệ, bao quát các lĩnh vực: kinh tế - xã hội, tài chính kế hoạch, tài nguyên - môi trường, nội vụ, tư pháp, thanh tra, lao động, y tế, giáo dục, văn hóa thông tin, quản lý đô thị, hành chính công, thống kê, công an…

Trung tâm đi vào hoạt động sẽ phục vụ đắc lực, hỗ trợ hiệu quả trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, giúp lãnh đạo có cái nhìn tổng quan, toàn diện về mọi mặt hoạt động kinh tế - xã hội, từ đó đưa ra quyết định nhanh chóng, kịp thời, chuẩn xác, tiết kiệm được nhiều thời gian và công sức trong quá trình giám sát, điều hành công việc.

Việc đưa vào vận hành IOC huyện Bàu Bàng vừa là một cột mốc đáng nhớ vừa mang tính bước ngoặt để huyện vững bước hướng đến mục tiêu trở thành thị xã Bàu Bàng trong nhiệm kỳ 2025-2030 và trở thành đô thị thông minh trong thời gian tới.

Đọc thêm