Mát mắt với căn nhà có 3 hàng tre xanh bao quanh ở TPHCM

(PLVN) - Ngôi nhà nằm ngay cạnh một công viên trung tâm thành phố Thủ Đức, Tp. HCM, được sử dụng để làm văn phòng của một công ty kiến trúc. Khi nhìn từ bên ngoài, căn nhà nổi bật với 3 hàng tre xanh bao quanh.
Tre được trồng một lớp ở bên ngoài tường bao và 2 lớp ở sân vườn bên trong. (Ảnh: ArchDaily)

Vật liệu chính được sử dụng cho công trình là thuỷ tinh. Với tính chất trong suốt, thuỷ tinh đóng vai trò là bức tường phân chia nhưng vẫn mang lại cảm giác không gian được kết nối. Ngoài ra, nó cũng tạo ra một hình ảnh phản chiếu thú vị từ văn phòng.

Căn nhà được thiết kế mở rộng hoàn toàn không gian làm việc bằng những ô cửa kính lớn.

Tại tầng 1, những ô cửa kính cao từ sàn lên trần nhà tạo tầm nhìn ra vườn cây và lấy tối đa ánh sáng cho không gian.

Ngôi nhà trồng tre thay vì các loại cây khác vì đây là loại cây thân mảnh, giúp tối đa hóa không gian sử dụng bên dưới. Ngoài ra, tre cũng là cây có tán khá rộng, giúp chắn nắng và nhiệt, khiến ngôi nhà luôn thông thoáng và mát mẻ. Tre được trồng theo từng cụm nhỏ trên nền đất trải một lớp đá sông, mỗi cụm thường có 2 - 5 cây để đảm bảo tỏa tán rộng.

Những ô cửa kính cao từ sàn lên trần nhà. (Ảnh: ArchDaily)

Ngôi nhà trồng tre thay vì các loại cây khác. (Ảnh: ArchDaily)

Vườn tre trong ngôi nhà còn được gọi là Vùng xám (khu vực có sự hài hòa giữa yếu tố ánh sáng và bóng râm, mang lại cảm giác trung tính, đơn sắc và thuần khiết). Nhờ có những ô cửa kính, không gian bên trong và bên ngoài ngôi nhà gần như không có sự tách biệt, mang lại cảm giác thoải mái, thân thiện với thiên nhiên.

Không gian bên trong và bên ngoài ngôi nhà gần như không có sự tách biệt. (Ảnh: ArchDaily)

Trong một góc của khu vườn, 1 bộ bàn dài và 2 băng ghế được đặt cạnh nhau mang lại cảm giác bất đối xứng thú vị. Đây là nơi để các kiến trúc sư làm việc và thảo luận với các đồng nghiệp, hợp tác hoặc đơn giản là tận hưởng những khoảnh khắc hoà mình vào tự nhiên.

1 bộ bàn dài và 2 băng ghế được đặt cạnh nhau mang lại cảm giác bất đối xứng thú vị. (Ảnh: ArchDaily)

Ở tầng 2 và 3, nơi tiếp nhận ánh nắng và hấp thụ nhiệt nhiều hơn, các cửa sổ kính được thiết kế với độ rộng và độ cao vừa phải để kiểm soát độ chói của ánh nắng mặt trời mà vẫn tạo tầm nhìn thoáng đãng ra công viên bên ngoài. Ngoài ra, để giảm hấp thụ nhiệt, cây dây leo được trồng ở trên sân thượng, các nhánh cây mọc rủ xuống bên dưới, tạo thành tấm mành xanh mát, giúp điều hòa nhiệt độ và không khí.

Ở tầng 2 và 3, các cửa sổ kính được thiết kế với độ rộng và độ cao vừa phải để kiểm soát độ chói của ánh nắng mặt trời. (Ảnh: ArchDaily)

Xuyên suốt công trình là những mảng kính lớn được bố trí hợp lý, được sử dụng làm bàn ghế làm việc, làm ốp tường, làm vách ngăn, làm bảng viết khi cần thiết, tạo điều kiện thảo luận ý tưởng nhanh chóng ở khắp mọi nơi. Các kiến trúc sư gọi đó là “khu vườn ý tưởng” – một cánh đồng ươm mầm sáng tạo.

Phía sau chỗ ngồi của mỗi KTS là thư viện sách, mô hình, vật liệu thực tế được chọn lọc và sắp xếp sao cho khả năng tra cứu, lưu trữ được đảm bảo. Cách sắp xếp phân khu này tạo ra hai trạng thái tĩnh – động đan xen, tăng dần từ dưới lên trên và giảm dần từ trong ra ngoài. Cầu thang hay giá sách cũng hoàn toàn mở, giúp mọi người có tầm nhìn tới 360 độ quanh văn phòng.

Những mảng kính lớn được bố trí hợp lý xuyên suốt công trình. (Ảnh: ArchDaily)

Mảng kính lớn được sử dụng làm bảng viết. (Ảnh: ArchDaily)

Phía sau chỗ ngồi của mỗi KTS là thư viện sách, mô hình, vật liệu thực tế. (Ảnh: ArchDaily)

Đọc thêm