“Khó chồng khó”
Theo đánh giá của các chuyên gia, BĐS vẫn là kênh đầu tư dẫn đầu về lợi nhuận, ổn định và an toàn. Tuy nhiên, trong năm 2019, thị trường BĐS nước ta có dấu hiệu chững lại. Nguyên nhân đến từ nhiều phía, cụ thể như: Tín dụng BĐS và pháp lý BĐS thắt chặt đến nay chưa có dấu hiệu được nới lỏng; một số doanh nghiệp (DN) BĐS mất tính thanh khoản, mang đến rủi ro cho khách hàng.
|
Do hứng chịu tác động kép, thị trường BĐS tại Cần Thơ đang “đứng hình” sau thời gian dài sôi động. |
Song song đó, DN gặp nhiều khó khăn khi triển khai dự án. Nhiều dự án bị thanh, kiểm tra, rà soát thủ tục dẫn đến đình trệ khiến nguồn cung bị khan hiếm so với những năm trước đây. Thêm vào đó, tình hình kinh tế cả nước vốn phải đương đầu với nhiều khó khăn do phải hứng chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19, thị trường BĐS rơi vào tình thế “khó chồng khó”.
Những khó khăn trên cũng dễ dàng hiểu được do BĐS là sản phẩm có giá trị lớn, phải tiến hành giao dịch trực tiếp. Trong khi đó, tại thời điểm dịch bệnh với những diễn biến phức tạp như hiện ngay thì việc chào bán, tư vấn, giao dịch trở nên không thể dễ dàng.
Tại TP Cần Thơ, thị trường nhộn nhịp nhất ở phân khúc giá trị từ 1 đến 2 tỷ đồng, pháp lí hoàn chỉnh đã có sổ đỏ. Tuy nhiên, khảo sát thực tế giá trị BĐS tại các quận Ninh Kiều, Cái Răng, Bình Thủy… cũng có dấu hiệu giảm nhiệt rõ rệt. Thậm chí, ở nhiều nơi, để có được giao dịch, nhà đầu tư phải chấp nhận sụt giảm hàng trăm triệu đồng. Hầu hết, các loại sản phẩm ở phân khúc này vẫn đang trong tình trạng “rao không ai hỏi, bán không ai mua”, hàng loạt các sản phẩm đành buộc phải giảm giá mạnh để mong có được giao dịch.
Anh Nguyễn Văn Trọng (ngụ phường Trà Nóc, quận Bình Thủy) than vãn, anh rao bán lô đất giá hơn 1 tỷ đồng nhưng suốt mấy tháng liền không ai hỏi mua “Thậm chí dù đã nhiều lần chủ động giảm giá tổng số tiền trên 100 triệu đồng cũng không ai ngó đến”, anh Trọng nói.
Theo giới đầu tư, đây sẽ là thời điểm thích hợp cho người có nhu cầu ở thực, nhà đầu tư mua sản phẩm với “giá hời” để khi thị trường ổn định trở lại sẽ bán ra thu lời cao.
DN “thấm đòn”, nhân viên nghỉ việc
Tình hình dịch bệnh Covid-19 rất nhiều DN phải đối diện với nhiều thách thức. Nhiều DN nhỏ, lẻ đang đứng trước vực thẳm phá sản khi không thể vượt qua gánh nặng chi phí vận hành, tiền lương và đọng vốn.
|
Theo các chuyên gia,“bức tranh” chung tình hình BĐS cả nước nói chung, TP Cần Thơ nói riêng sẽ phụ thuộc rất nhiều vào khả năng hồi phục của nền kinh tế khi chúng ta kiểm soát được dịch bệnh Covid-19. |
Ghi nhận thực tế tại các DN môi giới BĐS cho thấy, lượng giao dịch giảm đáng kể. Cùng với đó, nguồn vốn tồn đọng gây khó khăn cho hoạt động tái đầu tư, người lao động bị sa thải, giảm lương hoặc tự xin nghỉ việc vì DN gặp khó.
Một DN môi giới BĐS trên đường 30/4 (phường Xuân Khánh, quận Ninh Kiều) cho biết, nếu tình hình khó khăn còn kéo dài thêm vài tháng nữa, sẽ tạo ra áp lực không nhỏ đối với DN. “Hiện chúng tôi hoạt động cầm chừng, không ít nhân sự đã xin nghỉ chờ việc không lương hoặc xin làm việc tại nhà do lo ngại lây lan dịch bệnh”, đại diện công ty này cho hay.
Tuy vậy, không ít DN bị tác động bởi dịch Covid-19 tuy có giảm nhưng không đáng kể. Đại diện lãnh đạo Công ty môi giới BĐS Đất Xanh Miền Tây thừa nhận hoạt động kinh doanh chịu tác động của dịch Covid-19. Tuy nhiên, các hoạt động kinh doanh vẫn được triển khai như bình thường.
“Trước những thách thức chung đối với ngành BĐS, chúng tôi đã lên kịch bản ứng phó bằng các chiến lược kinh doanh, tiếp thị linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế. Mặt khác, các sản phẩm tung ra thị trường cũng đa dạng hơn, giá cả phù hợp nên được đông đảo khách hàng quan tâm”, đại diện Công ty Đất Xanh Miền Tây cho hay.
Theo các chuyên gia, “bức tranh” chung tình hình BĐS cả nước nói chung, TP Cần Thơ nói riêng sẽ phụ thuộc rất nhiều vào khả năng hồi phục của nền kinh tế khi chúng ta kiểm soát được dịch bệnh Covid-19.
Ông Dương Quốc Thủy, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Cần Thơ, đánh giá, nếu dịch bệnh sớm được kiểm soát và qua đi, dự báo nền kinh tế sẽ phục hồi vào nửa cuối năm 2020. Khi đó, hoạt động kinh doanh tiếp tục tăng trưởng, các DN BĐS mở bán lại. Như vậy, nhà đầu tư có thể tiếp cận BĐS vào quý III và dự kiến giao dịch sẽ sôi động lại vào quý IV.
Tuy nhiên, ông Thủy cũng phân tích một kịch bản khác, nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài, tác động mạnh đến kinh tế thì nhà đầu tư sẽ có nhu cầu bán bớt tài sản. Lúc này, các nhà đầu tư sở hữu tỉ lệ tiền mặt cao có lợi thế rất lớn, họ sẽ tìm mua những sản phẩm tốt với giá hợp lý, và tận dụng cơ hội lớn khi thị trưởng hồi phục trở lại sẽ bán ra thu lợi nhuận cao.