Tín dụng tiêu dùng cho vay kiểu “xã hội đen”

(PLO) -Theo ông Hồ Tùng Bách, Phòng bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương), các tổ chức tín dụng tiêu dùng cung cấp thông tin lãi suất với người vay rất “chào mời”, chỉ 2-3%/tháng, tức khoảng hơn 20-30%/năm, nhưng sau khi ký hợp đồng vay tín dụng, nhiều khách hàng mới “ngã ngửa” vì lãi suất thực tế có thể lên tới 80%/năm.
Hình minh họa

Thông tin trên được đưa ra tại hội thảo “Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong lĩnh vực tín dụng tiêu dùng - Thực trạng và giải pháp” diễn ra ngày 13/7 vừa qua tại Hà Nội.

Lãi suất lên tới 80%/năm

Theo thống kê, giá trị tín dụng tiêu dùng chiếm 6,4% tổng GDP của Việt Nam và dự báo đến 2020 có thể đạt 10% GDP, tương ứng 10 tỷ USD. Trong khi chỉ có 16 công ty tài chính hiện nay trên thị trường thì đây được xem là “miếng bánh béo bở”.

Ông Trịnh Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công Thương) cho biết, tín dụng tiêu dùng là một hình thức khá phổ biến hiện nay, đặc biệt là ở một số nước phát triển trên thế giới. Đây là hình thức tín dụng mà công ty, tổ chức cấp cho khách hàng nhằm mục đích tiêu dùng.

So với tín dụng doanh nghiệp, tín dụng tiêu dùng có một số đặc điểm khác biệt như giá trị khoản vay nhỏ, số lượng khách hàng lớn, chi phí kinh doanh cao nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Thời gian qua, Cục Quản lý Cạnh tranh đã nhận được rất nhiều phản ánh, khiếu nại liên quan đến tín dụng tiêu dùng, chiếm tới 80% các khiếu nại trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng nói chung. Giá trị phản ánh không cao nhưng lại ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường tín dụng tiêu dùng.

Mặt khác, ông Tuấn cũng chỉ ra trong nhiều trường hợp, tín dụng tiêu dùng còn “nhập nhằng” với tín dụng đen khiến nhiều người tiêu dùng rơi vào cảnh lao đao. “Nhiều cột điện bên đường dán giấy giới thiệu cho vay không cần thế chấp, chỉ cần gọi điện là vay được ngay. Rất nhiều gia đình đã phải bán cả nhà khi tham gia vay không đúng, kiểu tín dụng đen như thế này”, ông nói.

Theo ông Hồ Tùng Bách, Phòng Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (Cục Quản lý Cạnh tranh) thì hoạt động tín dụng tiêu dùng thường được thực hiện dưới dạng các khoản vay để mua tài sản tiêu dùng như xe máy, máy tính, điện thoại…

So với các hồ sơ vay tại ngân hàng, các công ty cung cấp dịch vụ tín dụng tiêu dùng không yêu cầu chặt chẽ về chứng minh tài chính, xác minh nhu cầu tiêu dùng hoặc các thủ tục liên quan khác, thời gian giải ngân cũng nhanh hơn và trong nhiều trường hợp khi mua sắm tài sản thì giải ngân ngay sau khi ký hợp đồng.

Người tiêu dùng cho biết, họ thường được tư vấn và ký hợp đồng ngay tại các quầy trong siêu thị, trung tâm mua sắm tên tuổi. Phía doanh nghiệp hoàn toàn không cung cấp các thông tin cảnh báo, thời hạn trả nợ cũng như phí phạt trả chậm, không tạo điều kiện để người tiêu dùng nghiên cứu các điều khoản trong hợp đồng.

Với thủ tục vay nhanh gọn, thậm chí có doanh nghiệp còn làm sẵn hợp đồng, để khách hàng ký và bỏ trống phần lãi suất rồi sau đó tự điền mức lãi suất, đẩy người tiêu dùng vào tình trạng “bút sa gà chết”.

Nếu người tiêu dùng chủ quan, chưa nghiên cứu kỹ, việc lãi suất cao cộng thêm các khoản phí phạt khi thanh toán chậm có thể khiến khách hàng rơi vào “bẫy” của các tổ chức tài chính.

Đáng chú ý, trong lúc thực hiện các giao dịch, người tiêu dùng được yêu cầu khai báo những người thân trong gia đình kèm theo công việc, chức vụ và số điện thoại liên lạc. Sau này mới biết, khi quá hạn trả nợ mà chưa chi trả, các công ty cho vay liền gọi điện quấy nhiễu và dọa nạt những người thân của họ.

“Chúng tôi từng nhận được khiếu nại của một phụ nữ mang bầu 4 tháng bị ép ký vào giấy cam kết trả nợ cho chồng do anh này mua điện thoại, không trả được nợ và đã bỏ trốn. Chị vợ sau đó liên tục nhận được cuộc gọi từ số lạ, có ngày nhận được 17 cuộc gọi và 20 tin nhắn đe dọa từ 6h sáng cho tới tận 10h đêm”, ông Bách cho hay.

Trong khi đó, theo ông Bách, công tác tiếp nhận và giải quyết khiếu nại của các doanh nghiệp cung cấp tín dụng tiêu dùng thiếu chuyên nghiệp, kém hiệu quả.

“Tổng đài, hotline liên tục báo bận, lời thoại hướng dẫn phức tạp, kéo dài, đẩy trách nhiệm giải thích, cung cấp thông tin từ Tổng đài chăm sóc khách hàng sang nhân viên tư vấn hoặc ngược lại; kéo dài thời gian giải quyết thông tin; không có thiện chí trong việc tiếp nhận thông tin…”, ông Bách nói.

Những “nút thắt” cần tháo gỡ

Bà Đinh Thị Thanh Nhàn, Khoa Kinh tế Luật, Trường Đại học Thương mại Hà Nội cho biết, thực tế là các vụ việc nêu trên diễn ra khá phổ biến, song chúng ta chưa có giải pháp để khắc phục, ngăn ngừa.

Lý giải nguyên do, bà Nhàn cho rằng một phần do hiện nay pháp luật chưa có quy định riêng cho vay tiêu dùng, do đó toàn bộ vấn đề cho vay tiêu dùng đều dựa vào quy định chung tại Luật Tổ chức tín dụng. Trong khi đó, trong luật này các phần liên quan tới giới hạn, hạn mức, thủ tục cho vay đối với các ngân hàng, công ty tài chính đã quá lạc hậu đối với cho vay tiêu dùng.

“Năm 2014, Ngân hàng Nhà nước đã xây dựng Dự thảo về hoạt động tiêu dùng cho các công ty tài chính. Theo đó, yêu cầu các tổ chức tín dụng phải thành lập công ty tài chính nếu muốn cho vay tiêu dùng, đồng thời đáp ứng được các quy định để đảm bảo tính xác định lãi suất, tính minh bạch cho vay tiêu dùng.

Tuy nhiên, đến nay, thông tư này chưa được thông qua. Theo quy định lãi suất trần quy định cho vay tiêu dùng là 20% mỗi năm, nhưng trên thực tế, con số này vọt lên tới 80% thì quả là đáng báo động và cần nhanh chóng có giải pháp chấn chỉnh, quản lý”, bà Nhàn nhấn mạnh.

Bà Phạm Quế Anh, Chuyên gia Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) nói: từ thực tế nêu trên cho thấy, các hình thức cho vay tín dụng tiêu dùng hiện nay ở Việt Nam đang xâm phạm nghiêm trọng quyền lợi của người tiêu dùng.

Việc cho vay thiếu trách nhiệm, không kiểm tra lịch sử tín dụng, thu nhập, không cung cấp đầy đủ thông tin thiết yếu (lãi suất, số tiền trả hàng tháng, thời hạn...), cung cấp thông tin sai lệch, đánh lạc hướng người tiêu dùng, hay ép buộc người tiêu dùng mua bảo hiểm đi kèm... đã dẫn đến những hậu quả khôn lường.

“Thực tế ở các nước trên thế giới cho thấy, tín dụng tiêu dùng thì nhỏ nhưng hậu quả lại không hề nhỏ. Thậm chí, gây ra nhiều khó khăn cho những người có hoàn cảnh khó khăn khi nhu cầu tham gia vào chi tiêu ngày càng cao”, bà Anh nhấn mạnh.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Trịnh Anh Tuấn cho biết thêm, các tranh chấp về tín dụng tiêu dùng mặc dù giá trị không cao nhưng để lại hậu quả nghiêm trọng tới tài chính, danh dự và sức khỏe của người tiêu dùng, đồng thời ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển bền vững của thị trường tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam.

Tiêu dùng thông minh và có trách nhiệm

Khi có nhu cầu vay tiền, người tiêu dùng cần tham khảo các hình thức tín dụng tại các ngân hàng. Không còn lựa chọn nào khác mới tham khảo hình thức tín dụng tiêu dùng tại các tổ chức tài chính.

Cần lựa chọn các công ty, tổ chức cung cấp dịch vụ cho vay có uy tín. Đọc thật kỹ hoặc yêu cầu nhân viên tư vấn làm rõ nội dung hợp đồng, đặc biệt lưu ý các điều khoản về lãi suất, thời hạn và phương thức trả nợ, cách tính tiền phạt để tránh rơi vào “bẫy tín dụng”.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần xây dựng khuôn khổ pháp lý quy định về hoạt động cho vay tiêu dùng với nguyên tắc bảo đảm sự hài hòa giữa lợi ích người tiêu dùng, lợi nhuận của doanh nghiệp, sự phát triển lành mạnh của thị trường; nâng cao trách nhiệm giám sát và quản lý của cơ quan.

Ngoài ra, để bảo vệ người tiêu dùng khi “sự đã rồi”, các cơ quan bảo vệ người tiêu dùng cần thanh tra, kiểm tra, sửa chữa ngay các hành vi sai trái; yêu cầu bên cho vay, bán hàng phải hoàn trả các khoản phí quá cao, vượt quá quy định; dỡ bỏ các quảng cáo gây nhầm lẫn; phạt, công bố vi phạm công khai, bắt bồi thường thiệt hại hay thu hồi giấy phép kinh doanh của các tổ chức tín dụng vi phạm pháp luật.

Đọc thêm