TP HCM đề xuất sửa quy định về cải tạo chung cư cũ

(PLVN) - Theo tổng kết mới đây của Sở Xây dựng TP HCM, hiện TP chỉ mới tháo dỡ 3/7 chung cư cũ; di dời 3 chung cư cấp D (hư hỏng nặng, nguy hiểm với 132 hộ dân); di dời dở dang 1 chung cư cấp D (84/100 hộ dân). Tổng cộng đã di dời 216/749 hộ dân, chiếm tỷ lệ 28,8% so với mục tiêu thực hiện của kế hoạch năm 2019.
Hình minh họa

Đồng thời, tại địa bàn, có 78 chung cư mới đã được ghi vốn chuẩn bị đầu tư để làm cơ sở các đơn vị triển khai các bước lập, trình thẩm định phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật, tổ chức đấu thầu, tạm ứng cho nhà thầu thi công cải tạo, sửa chữa.

Trong Kế hoạch đầu năm 2019 của UBND TP về thực hiện cải tạo, sửa chữa chung cư cũ, xây dựng chung cư mới thay thế chung cư cũ trên địa bàn thì cần sửa chữa, cải tạo 108 chung cư cũ, với tổng kinh phí khoảng 89 tỷ đồng. Khởi công và thi công xây dựng 8 chung cư. Hoàn thành tháo dỡ 7 chung cư. Lựa chọn chủ đầu tư 11/15 chung cư cấp D.

Sở Xây dựng nhìn nhận, thời gian qua, chưa có chung cư mới khởi công, thi công xây dựng. Công tác tháo dỡ, sửa chữa, di dời các hộ dân cũng chưa hoàn thành kế hoạch đề ra...

Sở Xây dựng cho hay, theo Nghị định 101/2015/NĐ-CP, thời hạn để cộng đồng chủ sở hữu nhà chung cư được toàn quyền quyết định lựa chọn nhà đầu tư và quyết định phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư là 3 tháng với chung cư nguy hiểm, 12 tháng với chung cư hư hỏng nặng.

Quá thời gian trên mà chủ sở hữu nhà chung cư không lựa chọn được nhà đầu tư thì Nhà nước có trách nhiệm tổ chức thực hiện phá dỡ và lựa chọn nhà đầu tư để xây dựng mới.

Thực tế, hết thời gian cho phép nhưng người dân vẫn không thỏa thuận được phương thức bồi thường với nhà đầu tư, cũng như những hạn chế, khó khăn trước đây khi thực hiện phương thức bồi thường là: Cộng đồng khó thống nhất về phương thức bồi thường cũng như giá trị bồi thường hoặc nếu có đồng thuận thì sau đó có trường hợp lại đề nghị thay đổi phương thức từ việc nhận tiền sang nhận nhà hoặc ngược lại.

Việc này đã làm kéo dài thời gian thực hiện, thậm chí có chung cư kéo dài từ 5 đến 10 năm vẫn chưa giải quyết xong việc bồi thường giải phóng mặt bằng như ở một số lô tại cư xá Thanh Đa, quận Bình Thạnh; chung cư 727 Trần Hưng Đạo, quận 5…

Cạnh đó, chủ đầu tư chưa thỏa thuận được phương thức bồi thường cụ thể với tất cả các chủ sở hữu nên rất bị động trong việc triển khai thực hiện. Họ vừa phải chuẩn bị cả tiền mặt để bồi thường, giải quyết chi phí tạm cư và vừa phải xây dựng quỹ nhà để phục vụ tái định cư. Đây là áp lực rất lớn cho các nhà đầu tư và mất nhiều thời gian.

Chưa kể, việc tính toán giá trị bồi thường nhà ở cũ, giá trị nhà ở mới, giá trị chênh lệch vị trí giữa nhà ở cũ và nhà ở mới rất phức tạp. Hơn nữa, sau thời gian 1-2 năm, nếu người dân vẫn chưa đồng thuận, giá cả thị trường có thay đổi, phải định giá lại, dẫn đến mất nhiều thời gian và công sức trong việc lập, rà soát lại phương án, cũng như thực hiện chi trả bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Do đó, Sở đề xuất Bộ Xây dựng tham mưu báo cáo Thủ tướng điều chỉnh nội dung của Nghị định 101/2015/NĐ-CP theo hướng, trong trường hợp Nhà nước thực hiện thì không thể thỏa thuận bồi thường mà chỉ thực hiện phương thức tái định cư bằng căn hộ. Kiến nghị điều chỉnh khoản 2 Điều 14 Nghị định này: “Phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với trường hợp Nhà nước đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư” thành nội dung “phương án hỗ trợ, tái định cư đối với trường hợp Nhà nước đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư”…

Đọc thêm