Bê bối chất lượng, nhà thầu bị đe hạ tín nhiệm

(PLO) - Chỉ sau một thời gian đưa vào sử dụng dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ (QL1) từ Hà Nam đến Thanh Hóa, trên nhiều đoạn đường đã xuất hiện nhiều vết lún, nứt gây ảnh hưởng không nhỏ đến an toàn giao thông (ATGT) và đặt ra câu hỏi lớn về chất lượng công trình.
Theo kết quả kiểm tra chất lượng công trình của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), riêng đoạn Phủ Lý - cầu Đoan Vĩ dài 15,1km đã có tới 6/8 vị trí không đạt chiều dày móng dưới cấp phối đá dăm, 3/8 vị trí không đạt chiều dày móng trên cấp phối đá dăm. Với thành phần hạt không đạt về lớp bê tông nhựa là 7/9 và 8/7 mẫu, tỉ lệ lớp cấp phối đá dăm chiếm 100% số mẫu không đạt; từ 80-90% mẫu bê tông nhựa không đạt về độ rỗng dư và hàm lượng nhựa. 
Xe quá tải là một trong những tác nhân tàn phá nền mặt đường bê tông nhựa
Xe quá tải là một trong những tác nhân tàn phá
nền mặt đường bê tông nhựa 
Với đoạn QL1 dài 13,6km qua Ninh Bình, kiểm tra 11 vị trí thấy 2-3 vị trí bê tông nhựa và móng cấp phối đá dăm không đạt chiều dày, 90-100% vị trí không đạt thành phần hạt, 4 mẫu cấp phối đá dăm không đạt độ đầm nén, riêng lớp bê tông nhựa có 9/11 mẫu không đạt độ rỗng dư, 11/11 mẫu không đạt hàm lượng nhựa…
Ông Trần Xuân Sanh - Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (QLXD&CLCTGT) cho biết, Cục đã chỉ đạo Viện Khoa học Công nghệ và các chủ đầu tư dự án nâng cấp tiến hành kiểm tra, khảo sát để tìm nguyên nhân. Theo đó, hiện tượng hằn lún vệt bánh xe chủ yếu do  lưu lượng, tải trọng xe vượt quá giới hạn cho phép (cả về tải trọng trục, tổng tải trọng); thời tiết nắng nóng; các vị trí có đặc điểm đặc biệt như: gần trạm thu phí, đèo dốc, đường cong…
Kết quả đếm xe ở tuyến QL 1 cho thấy, xe tải trọng lớn chở vật liệu xây dựng, hàng hóa, container, xe khách đều chiếm tỷ trọng trên 50% trong thành phần dòng xe.
Bên cạnh việc lún, nứt do những nguyên nhân ở trên, công tác thiết kế và thi công cũng được các cơ quan chức năng chỉ ra không ít những thiếu sót làm ảnh hưởng đến chất lượng tuyến QL 1A. Theo đó, nhiều vị trí cho thấy thiếu chiều dày kết cấu, thành phần hạt, độ chặt, độ rỗng dư không đảm bảo, hàm lượng nhựa không đạt yêu cầu, hệ thống quản lý chất lượng của nhà thầu còn nhiều hạn chế.
Để nâng cao trách nhiệm của các nhà thầu, Cục QLXD&CLCTGT   kiến nghị Bộ GTVT yêu cầu chủ đầu tư chỉ thanh toán cho nhà thầu theo chiều dài, khối lượng nhựa thực tế sử dụng. Nhà thầu phải kéo dài thời gian bảo hành do chất lượng công trình không đảm bảo từ 3-5 năm tùy theo khiếm khuyết của các gói thầu. Đặc biệt, các nhà thầu thực hiện dự án sẽ bị hạ bậc xếp hạng năng lực trong danh sách công bố năm 2013.

Đọc thêm