Theo đó, vợ cựu Thủ tướng đã nhận khoản trợ cấp thôi việc 45.000 euro khi kết thúc 2 hợp đồng làm việc vào thời điểm năm 2002 và năm 2013.
Nhập nhèm
Sau khi nhận khoản trợ cấp thôi việc 16.000 euro lần đầu vào năm 2002 (vượt xa so với quy định) bà Penelope Fillon đã được tuyển làm trợ lý cho chồng trong Quốc hội chỉ 2 tuần sau. Tới năm 2013, khi hợp đồng làm việc kết thúc, bà Penelope Fillon lại được nhận khoản trợ cấp 29.000 euro.
Bà Penelope Fillon đã được trả 830.000 euro trong thời gian làm trợ lý của chồng. Và 2 trong số 5 người con của ông Francois Fillion cũng từng nhận hơn 84.000 euro với tư cách là trợ lý nghị sỹ (2005-2007) khi họ còn là sinh viên.
Thông tin trên tờ Le Canard Enchaine đang khiến danh tiếng của ông Francois Fillon bị hủy hoại. Bởi ông Francois Fillon được đánh giá cao trong chiến dịch tranh cử với tư tưởng cải cách triệt để nền kinh tế Pháp, trong đó có việc cắt giảm 50.000 công chức để tiết kiệm ngân sách. Theo tờ Le Canard Enchaine, nhân viên điều tra không tìm thấy "vết tích làm việc của bà Penelope Fillon".
Nhưng trong một cuộc phỏng vấn năm 2007, bà Penelope Fillion từng tuyên bố "chưa từng làm công việc trợ lý cho chồng hay bất cứ công việc tương tự nào". Các công tố viên đã mở cuộc điều tra về bê bối này. Ngày 31-1, cảnh sát đã lục soát văn phòng của ông Francois Fillon. Sau khi đánh bại cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy và Thị trưởng Bordeaux Alain Juppe trong cuộc bầu cử sơ bộ của cánh hữu, ông Francois Fillon gần như trở thành “người chắc thắng nhất”.
Trước khi bị báo giới phanh phui bê bối, ông Francois Fillon là ứng cử viên hàng đầu với hình ảnh là chính trị gia trung thực. Nhưng bê bối đã khiến uy tín của ông Francois Fillon tụt dốc không phanh. Tờ Business Insider cho biết, có gần 70% số người được hỏi muốn ông Francois Fillon rời khỏi cuộc chạy đua vào Điện Elysee. Thậm chí trong nội bộ đảng Cộng hòa cũng có một số lãnh đạo cao cấp kêu gọi ông Francois Fillon ngừng tranh cử để tìm người thay thế.
Cựu Thủ tướng Pháp cùng phu nhân |
Hối không kịp?
"Điều có thể chấp nhận được trước đây giờ không còn nữa. Làm việc với vợ và các con mình, tôi đã lưu tâm nhất đến sự tin tưởng, nhưng bây giờ nó gây nên sự bất tín. Đó là sai lầm. Tôi rất lấy làm tiếc và xin lỗi người dân Pháp", hãng BBC dẫn lời ông Francois Fillon hôm 7-2. Tuy nhiên, ông Francois Fillon vẫn cho rằng, việc trả lương cho người thân không phạm pháp đồng thời khẳng định, công việc của vợ trên cương vị trợ lý trong 15 năm là trung thực và hợp pháp.
Mặc dù phủ nhận mọi cáo buộc của báo giới, đồng thời khẳng định quyết tâm tiếp tục chiến dịch chạy đua vào Điện Elysee bất chấp sức ép từ mọi phía, kể cả trong nội bộ, nhưng uy tín của ông Francois Fillon đang giảm sút mạnh đối với cử tri Pháp. Theo kết quả các cuộc khảo sát gần đây cho thấy, ông Francois Fillon có thể bị loại từ vòng đầu (ngày 23-4), và vòng 2 (ngày 7-5) là cuộc đua giữa ông Emmanuel Macron và bà Marine Le Pen.
Dư luận cho rằng, ông Francois Fillon đã giả mạo, cố tình gian lận công quỹ. Do đó, có một lượng không nhỏ cử tri cánh hữu thất vọng với ông Francois Fillon có thể sẽ chuyển sang ủng hộ cựu Bộ trưởng kinh tế Emmanuel Macron. Và đó là cơ hội của ứng cử viên 39 tuổi sau bê bối của ông Francois Fillon.
Theo giới truyền thông, cuộc bầu cử Tổng thống là cuộc đua của 4 ứng cử viên sáng giá. Đó là cựu Thủ tướng Francois Fillon (đại diện cánh hữu), cựu Bộ trưởng Giáo dục Benoit Hamon (đại diện cánh tả), bà Marine Le Pen (đại diện phe cực hữu) và ứng cử viên tự do Emmanuel Macron, cựu Bộ trưởng kinh tế.
Dư luận gọi vụ bê bối của ông Francois Fillon là Penelopegate, còn bà Marine Le Pen cũng từng bị cáo buộc về việc trả lương cho 2 trợ lý khi làm ở Nghị viện châu Âu, nhưng họ không làm việc cho Nghị viện châu Âu, mà cho Đảng FN của bà.
Do đó, Nghị viện châu Âu đã yêu cầu bà Marine Le Pen trả lại số tiền hơn 300.000 euro vì “sử dụng sai mục đích”. Giới phân tích cho rằng, chính trường Pháp đang có những diễn biến vô cùng khó lường trong chọn người kế nhiệm Tổng thống Francois Hollande.