Bế con cầu cứu bác sĩ
Gần một tuần chăm con trong phòng bệnh của khoa Ngoại thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 2 (quận 1, TP.HCM), chị Võ Thị Thu Thủy (33 tuổi), mẹ bé gái “có đuôi” luôn e ngại trước ánh mắt tò mò, lời hỏi thăm của mọi người. Nhìn đứa bé đang bị sốt, hai chân đang bị “kẹp” lại vì dị tật bẩm sinh, người mẹ tâm sự trong lòng không khỏi xót xa, đau đớn.
Mẹ con chị Thủy quê Bạc Liêu. Hàng ngày chồng đi làm thợ hồ, vợ bán vé số để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Vợ chồng sinh được 3 bé gái. Hai bé đầu được sinh ra trong niềm phấn khởi của mọi người vì bé nào lớn lên cũng khỏe mạnh, đáng yêu. Nhưng khi bé gái thứ 3 chào đời thì tai ương ập đến.
Chị Thủy cho biết, lúc được sinh ra, cơ thể bé yếu ớt hơn hai chị, chân trái ngắn hơn chân phải. Đặc biệt, dưới đốt sống xuất hiện một phần thịt nhỏ bằng đầu đũa nhú ra. Ban đầu gia đình nghĩ đó là phần thịt thừa, không ảnh hưởng gì. Thế nên sinh được 3 ngày, chị xin xuất viện về nhà.
Hàng ngày đứa bé rất ngoan, ăn uống khá dễ dàng. Tuy nhiên, càng ngày, phần thịt dư này lớn dần, dài ra trông như đuôi heo. Nhiều người đến chơi, thấy “cái đuôi” bất thường, ai cũng hoảng sợ.
Người thì bảo cháu bé bị dị tật, người độc miệng hơn thì bảo đứa bé “chưa tiến hóa hết”. Lo sợ trước hiện tượng kỳ lạ trên, gia đình đã đưa bé đến bác sĩ cầu cứu với hy vọng bác sĩ sẽ chữa trị được.
Được biết, trong quá trình mang thai, mẹ của bé khám thai đều đặn và có siêu âm, nhưng bác sĩ không phát hiện bất cứ những dấu hiệu bất thường nào. Tuy nhiên, sau khi hạ sinh bé lại xuất hiện một "cái đuôi" kỳ lạ. Sau khi được theo dõi ở Bệnh viện Nhi Đồng 2, các bác sĩ kết luận bé phải phẫu thuật.
|
Cận cảnh “cái đuôi” của bé gái |
Bác sĩ: “Lạ, nhưng không hiếm”
Câu chuyện bé gái 7 tháng tuổi “có đuôi” khiến cho dư luận một phen tò mò. Để lý giải về điều này, PL&TĐ đã có cuộc trao đổi với bác sĩ Đặng Đỗ Thanh Cần, Trưởng khoa ngoại thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 2.
Bác sĩ Cần cho biết, sau khi kiểm tra, xét nghiệm, nhận thấy bé Hương bị bệnh dị tật cốt sống chẻ đôi. Trường hợp mắc bệnh này không phải hi hữu ở Việt Nam và cả thế giới. Tỉ lệ các bé mắc phải căn bệnh là cứ 1000 trẻ thì có 1- 2 trẻ mắc phải. Trước đây, bệnh viện đã phẫu thuật cho nhiều trẻ bị bệnh này.
“Cái đuôi” nằm vị trí đốt sống cuối, gần giữa hai mông của bé Hương chỉ là một dấu hiệu bên ngoài để nhận biết bệnh này. Ở Việt Nam và trên thế giới rất hiếm bé có dấu hiệu “hình cái đuôi” này, phần lớn nó biểu hiện dưới dấu hiệu khác. Căn bệnh dị tật cốt sống chẻ đôi có 2 dạng:
Dạng hở (dạng dễ nhận biết nhất, khi sinh ra phía sau lưng quần, mông của bé có vết thương hở. Dạng hở khi siêu âm dễ dàng phát hiện bệnh), và dạng kín (là dạng khó nhận biết hơn, có nghĩa là sự tổn thương nằm bên trong, khi siêu âm rất khó phát hiện).
Cái “đuôi” của bé Hương thuộc dạng kín. Có nghĩa là dù có siêu âm, kiểm tra xét nghiệm nhiều lần vẫn rất khó phát hiện. Kể cả khi sinh con ra, thấy cục thịt ùn ra, các bà mẹ cứ tưởng là cục thịt thừa nên một thời gian sau cục thịt dài, to ra mới đưa trẻ đến bệnh viện chữa trị.
Theo bác sĩ Cần, khi sinh ra, nếu quan sát thấy vùng thắt lưng của bé có 8 dấu hiệu bên ngoài, mắt thường có thể nhìn thấy được như sau thì bé đã mắc căn bệnh dị tật cốt sống chẻ đôi:
|
Bác sĩ Đặng Đỗ Thanh Cần, Trưởng khoa Ngoại thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 2. |
1. Hình thành một “cái đuôi” như trường hợp của bé Hương.
2. Bướu máu dưới da, màu giống vết son đỏ trên da.
3. Có nhiều lỗ nhỏ gần vị trí mông bé (dân gian thường gọi là bé có nhiều hậu môn).
4. Có một túm lông đen.
5. Có một khối u tròn có thể nhô ra, hoặc ẩn dưới da, sờ mới thấy.
6. Thay đổi màu sắc da, da bị mất sắc tố (1 mảng da có màu trắng hoặc màu thâm cháy).
7. Có lỗ rò phía trên hậu môn, mủ hoặc dịch bất thường chảy ra từ lỗ rò khi trẻ mới sinh ra.
8. Đặt bé nằm sấp, quan sát thấy rãnh giữa mông bị lệch.
Đa số bé mắc chứng bệnh này khi sinh ra phát hiện được ngay, trừ rất ít trường hợp, các biểu hiện quá mờ không thấy được hoặc “cái đuôi” quá nhỏ khiến các bà mẹ chủ quan nghĩ là cục thịt thừa.
Để xử lý những trường hợp này, phải thực hiện phẫu thuật cho bé. Đa số trẻ chỉ cần phẫu thật một lần. Tuy nhiên phần lớn trẻ mắc bệnh này có khả năng ảnh hưởng sức khỏe các bé về sau như: Bé mắc phải dạng hở phải nhập viện khẩn cấp, phẫu thuật kịp thời trong vòng 24h.
Nếu để lâu hơn vết thương hở sẽ bị nhiễm trùng, nguy hiểm đến tính mạng. Còn dạng kín thì sau khi phẫu thuật, hệ thần kinh yếu dần, tiểu tiện không tự chủ được, hoặc hai chi dưới liệt dần, biến dạng xương khớp.
Đối với bé gái “có đuôi” ở Bến Tre, bác sĩ Cần dự đoán, sau khi phẫu thuật, đôi chân bé sẽ bị bại liệt vì hiện tại đôi chân bé rất yếu, chân trái thấp hơn chân phải, lòng bàn chân trái bị biến dạng.
Do dị tật cột sống chẻ đôi thường xuất hiện thời giai đoạn đầu mang thai nên ngay từ trước khi có ý định mang, phụ nữ phải uống sắt và axit folic sẽ hạn chế được được 80% khả năng trẻ mắc bệnh.
Sản phụ cũng nên sử dụng các thực phẩm giàu sắt, axit folic như rau xanh đậm, đậu đỗ, nước cam, quả bơ, quả dâu tây, sữa, bánh dinh dưỡng, ngũ cốc (xem thành phần trên bao bì sản phẩm)...
Cuối cùng, gene là yếu tố có liên quan đến dị tật. Nếu người mẹ mắc chứng chẻ đôi cột sống (hoặc có tiền sử sinh con mắc chứng này) thì nguy cơ bé phải đối mặt với dị tật nhiều hơn.
Nếu người mẹ thuộc một trong hai trường hợp trên, cần trao đổi với bác sĩ thật kỹ trước khi có ý định mang thai. Bác sĩ có thể tăng lượng axit folic để giảm nguy cơ dị tật cho bào thai. Còn khi đã mang bầu thì khó có thể phòng ngừa được căn bệnh quái ác nêu trên./.