Bé trai 3 tuổi vào viện trong tình trạng đau thắt lưng trái, đau mạn sườn trái từng cơn.
Theo gia đình, cách đây 3 ngày trẻ nôn trớ, đau bụng từng cơn vùng quanh rốn. Đã đi kiểm tra tại bệnh viện phát hiện giãn bể thận 2 bên do sỏi thận và niệu quản nhưng chưa điều trị. Trước đây trẻ từng mổ tạo hình khúc nối phải khi 3 tháng tuổi. Thấy trẻ ngày càng đau nhiều hơn nên gia đình đã đưa đến bệnh viện địa phương thăm khám và điều trị.
Kết quả kiểm tra cận lâm sàng cho thấy hình ảnh giãn đài bể thận trái độ 2 do sỏi niệu quản vị trí nối bể thận - niệu quản, giãn đài bể thận phải độ 1. Sỏi thận hai bên, hạch mạc treo, hình ảnh các quai ruột giãn, nhiều hơi.
Các bác sĩ đã tiến hành hội chẩn và thống nhất chẩn đoán sỏi niệu quản trái trên bệnh nhân có sỏi thận 2 bên.
Sau hội chẩn các bác sĩ thực hiện phẫu thuật tán sỏi thận trái qua da bằng đường hầm nhỏ. Hiện tại sức khỏe của trẻ đã ổn định và tiếp tục theo dõi sát bệnh viện.
Sỏi thận ở trẻ nhỏ thường có biểu hiện đau bụng do sỏi kẹt ở niệu quản, đau vùng chậu, kèm theo buồn nôn hay nôn ói, tiểu khó, tiểu nhiều lần. Đôi khi bệnh sỏi thận ở trẻ chỉ phát hiện tình cờ qua siêu âm bụng.
Qua trường hợp trên, bác sĩ khuyến cáo, các bậc phụ huynh cần lưu ý đến chế độ ăn uống của trẻ như: Ăn nhiều thức ăn nhanh, nhiều muối và vận động ít cũng góp phần hình thành sỏi thận, nhất là ở những trẻ có sẵn bệnh lý rối loạn chuyển hóa. Nếu không được điều trị đúng cách và kịp thời có thể dẫn tới như ứ nước, ứ mủ tại thận, viêm nhiễm khuẩn đường tiết niệu, nguy hiểm hơn cả là suy thận và có thể nguy hiểm đến tính mạng.