Ludwig Van Beethoven sinh ngày 16/12/1770 ở thành phố Bonn của Đức. Ông nội của ông là một nhạc công khá có tiếng còn cha ông là ông Johann – cũng là một nhạc sỹ có tài.
Tài năng rèn giũa bằng đòn roi
Có điều, khi nói đến Johann, người ta sẽ nói nhiều đến thói nghiện rượu nặng của ông hơn là về tài năng. Xuất thân trong một gia đình có truyền thống âm nhạc như vậy nên dễ hiểu khi Ludwig Van Beethoven cũng sớm bộc lộ năng khiếu trong môn nghệ thuật này. Vốn là một người thầy dạy nhạc nên ông Johann sớm nhận ra được năng khiếu của con và dạy Beethoven học đàn từ rất sớm.
Tuy nhiên, cách dạy dỗ của ông Johann lại chẳng giống ai. Hầu như ngày nào Beethoven cũng bị cha nhốt trong hầm, không cho ngủ để dành thời gian tập luyện. Mỗi khi cậu tỏ ra chểnh mảng hay làm sai, ông không ngại ngùng dùng đòn roi để dạy dỗ. Thậm chí, ngay cả vào nửa đêm Beethoven cũng có thể bị cha dựng dậy bắt biểu diễn cho các bạn rượu của ông thưởng thức. Nếu Beethoven “cự lại”, cậu có thể bị đánh “no đòn”. Sự tàn bạo của cha đã ảnh hưởng xấu đến cả phần đời còn lại của Beethoven nhưng sự nghiêm khắc của ông Johann góp phần khiến tài năng của Beethoven phát triển cũng là điều không thể chối cãi.
Với hy vọng con trai sớm được công nhận là hiện thân của Mozart thời nhỏ nên vào năm 1778, cha của Beethoven đã thu xếp cho con trai tiến hành buổi biểu diễn đầu tiên trước công chúng. Năm 11 tuổi, do kinh tế gia đình gặp khó khăn nên Beethoven buộc phải nghỉ học văn hóa nhưng ông vẫn được cho theo học nhạc. Năm 13 tuổi, ông bắt đầu cho ra đời những bản nhạc đầu tiên. Năm 1787, Beethoven tới Vienna, Áo với hy vọng có thể được Wolfgang Amadeus Mozart nhận làm học trò nhưng lại buộc phải về nước để chăm sóc mẹ khi bà bị ốm nặng.
Năm 1792, sau khi mẹ qua đời, Beethoven quay trở lại Vienna để theo học nhạc với nhà soạn nhạc nổi tiếng Joseph Haydn rồi một số nhạc sỹ khác. Nhờ tài năng sẵn có cộng với những kiến thức thu nhận được, Beethoven nhanh chóng được công nhận là một nghệ sỹ, một nhà soạn nhạc trẻ tuổi tài năng. Một số tác phẩm của ông khi đó đã được công chúng đón nhận tích cực.
Năm 1808, Beethoven được một ngôi trường ở Kassel, Đức mời làm giám đốc âm nhạc. Sợ ông về nước mất nên một số người bạn của ông đã thành lập một nhóm những người tài trợ cho Beethoven để giữ chân ông ở lại Vienna. Mỗi năm, ông được trả lương 1.400 đồng tiền Áo lúc bấy giờ và trở thành một trong những nhạc sỹ đầu tiên trong lịch sử có thể sống được bằng tiền lương thu được từ hoạt động âm nhạc của mình.
Những mối tình thất bại
Kể từ năm 1792 cho đến cuối đời, Beethoven sống ở Vienna. Trong quãng thời gian này, ông sống khá đơn độc, chỉ có vài người bạn để chia sẻ. Beethoven cũng hiếm khi đi đây đi đó, trừ quãng thời gian nghỉ hè về các vùng quê để tìm cảm hứng sáng tác. Vì một số lý do, trong đó có sự nhút nhát và các vấn đề về thể chất nên ông không bao giờ kết hôn hay có con.
Mặc dù vậy nhưng nhà soạn nhạc tài năng cũng đã trải qua những mối tình khá lãng mạn dù tất cả đều kết thúc trong khổ đau. Nhà soạn nhạc được cho là đã rơi vào lưới tình lần đầu vào năm 1801 với con gái của một nhà quý tộc tên Julie Guicciardi. Tuy nhiên, ông luôn giữ khoảng cách và không dám nghĩ đến việc kết hôn Guicciardi vì nhận thức được rõ giữa họ là hố sâu khoảng cách về tầng lớp xã hội không thể vượt qua. Bản Sonata số 14 được cho là đã được Beethoven sáng tác để dành tặng người tình trong mộng.
Về sau, ông nảy sinh tình cảm với một phụ nữ đã có gia đình tên Antonie Brentano. Theo các ghi chép, khi Beethoven đã qua đời, người ta đã tìm thấy trong tủ của ông một bức thư tình dài, với lời lẽ đầy xúc động. Bức thư đề tháng 7/1812 với người nhận là “tình yêu vĩnh cửu của anh”. “Trong tim anh lúc này đầy ắp những điều mà anh muốn nói với em nhưng anh nghĩ rằng mọi lời nói đều trở nên vô nghĩa. Hãy vui vẻ lên, tình yêu đích thực và duy nhất của anh. Anh nguyện cống hiến cả thân xác này cho em”, thư viết. Bức thư được cho là của Beethoven gửi tới Brentano nhưng ông chưa từng gửi đi. Mặc dù vậy nhưng tình yêu này cũng không đi đến đâu. Bởi, sau khi chồng qua đời, người phụ nữ kia đã kết hôn với một người đàn ông khác vì lo sợ sẽ mất quyền nuôi con nếu kết hôn với một nhà soạn nhạc.
Về sau, Beethoven tiếp tục nảy sinh tình cảm với một người phụ nữ tên Therese Malfatti và thậm chí đã cầu hôn người này nhưng bị từ chối với lý do không muốn kết hôn với một nhà soạn nhạc.
Chân dung nhà soạn nhạc thiên tài Ludwig Van Beethoven |
Bi kịch của thiên tài
Song, trắc trở tình duyên vẫn chưa phải là điều đau khổ nhất trong cuộc đời Beethoven. Sức khỏe của ông mới là điều đáng bàn nhất. Ngay từ khi còn nhỏ, ông đã là một đứa trẻ ốm yếu, mắc đủ chứng bệnh, từ vàng da, thấp khớp, bệnh về mặt tới thoái hóa động mạch, đau dạ dày, viêm gan mãn tính, xơ gan, nhiễm độc chì… Chính vì bệnh tật nên ông thường xuyên tỏ ra khó tính, cáu gắt với tất cả những người xung quanh, khiến ông càng trở nên cô độc hơn vì ít người dám đến gần hay kết thân.
Chưa hết, năm 27 tuổi, Beethoven bắt đầu thường xuyên nghe thấy những tiếng ù ù trong tai. Đến năm 30 tuổi, thính lực của ông yếu đi từng ngày. Nỗi lo sự nghiệp bị ảnh hưởng nói ra sự thực khiến Beethoven vừa phải vật vã tìm cách giấu nhẹm đi mọi chuyện, vừa chán nản vì không thể sẻ chia với bất kỳ ai. Trong suốt một thời gian dài, ông gần như tách mình ra khỏi thế giới, không tham gia các sự kiện xã hội để tránh bị mọi người chú ý tới vấn đề thính lực của ông.
Sau một thời gian, đến khi chấp nhận sự thực rằng mình đã bị điếc, nhà soạn nhạc mới chịu viết thư cho một người bạn là bác sỹ để nói về tình hình. “Tôi phải thú nhận rằng cuộc đời tôi giờ rất đau khổ. Gần 2 năm qua, tôi đã dừng tham gia các sự kiện xã hội vì không thể nói với mọi người rằng tôi bị điếc. Nếu làm nghề khác, tôi có thể đã xử trí được tình hình nhưng trong nghề của tôi, khuyết tật này thực sự tồi tệ”, Beethoven viết trong bức thư gửi cho bạn năm 1801.
Năm 1811, Ludwig Van Beethoven đột ngột bị ốm nặng, đau đầu và sốt rất cao. Các bác sỹ sau khi thăm khám đã khuyến nghị ông tới một khu nghỉ dưỡng nghỉ ngơi để cân bằng cuộc sống. Sau ít ngày ở đó, sức khỏe Beethoven có vẻ tốt hơn nhưng đến mùa đông cùng năm ông lại bị phát bệnh trở lại. Đến khoảng năm 1814, khi Beethoven bước sang tuổi 44, ông gần như không còn nghe được gì, từ những bản nhạc, tiếng đàn cho đến lời nói của mọi người. Ông chỉ có thể giao tiếp với thế giới bằng những tờ giấy và chữ viết.
Nguyên nhân khiến Beethoven bị điếc là điều mà đến nay vẫn gây tranh cãi. Một số ý kiến cho rằng đó do ông bị mắc bệnh giang mai bẩm sinh, có ý kiến nhận định đó là kết quả của việc nhiễm độc chì. Một số nhà nghiên cứu khác lại cho rằng đó là hậu quả của việc ông thường xuyên nhúng đầu vào nước lạnh để giữ cho đầu óc tỉnh táo hoặc do ông bị thương hàn. Việc bị điếc cũng ảnh hưởng khá lớn tới cuộc sống của Beethoven. Vì việc này mà ông đã phải trải qua một cuộc tranh cãi gay gắt với em dâu để giành được quyền nuôi cháu trai tên Karl do ông bị nhận định khó có thể giao tiếp với trẻ em.
Nhưng điều kỳ diệu là quãng thời gian Beethoven đau khổ nhất vì bệnh tật cũng là lúc ông sáng tác với tốc độ đáng kinh ngạc. Trong đó, từ năm 1803 tới năm 1812, Beethoven đã soạn 1 vở opera, 6 bản giao hưởng cùng vô số bản hòa nhạc khác, bao gồm các bản giao hưởng từ số 3 đến số 8. Trước khi qua đời, Beethoven bị ốm liệt giường trong nhiều tháng. Nguyên nhân của tình trạng này được cho là do ông uống quá nhiều rượu trong một thời gian dài vì kết quả khám nghiệm tử thi cho thấy gan của ông bị hư khá nặng. Góp phần khiến tình hình trở nên nghiêm trọng hơn còn là do các bệnh viêm gan, ngộ độc chì…
Cuối cùng, đến ngày 26/3/1827, Ludwig Van Beethoven qua đời. Đám tang của ông được tổ chức sau đó 3 ngày với sự tham dự của khoảng 20.000 người…/.