Chị Nguyễn Lê Kim Oanh, ngụ Hồ Văn Huê, phú Nhuận, TP.HCM rất tự hào vì hai con của mình đều nhanh nhẹn, tự lập, ai thấy cũng khen. Chị kể, bí quyết của chị là rèn giũa cho con tính xốc vác, chủ động từ những công việc trong nhà hàng ngày. Hai con của chị, một trai 8 tuổi, một bé gái 5 tuổi, kể từ lúc 3 tuổi trở đi, chị đã dạy cho các bé tự làm từ những việc nhỏ biết tự cởi quần áo, mặc quần áo, đồ đạc của bản thân thay ra biết bỏ vào sọt đồ.
Chị cũng tạo cho con nền nếp quy củ bằng cách cho mỗi con một giường ngủ riêng, một tủ quần áo riêng. Mỗi bé phải tự giữ gìn gọn gàng tủ và giường của mình, nếu mẹ kiểm tra mà không gọn, sẽ bị khiển trách, còn làm tốt sẽ khen thưởng.
Lớn một chút, chị cho các con tham gia các việc nhẹ nhàng như quét nhà, lấy quần áo, gấp quần áo, phụ mẹ nhặt rau, rửa bát, úp bát…vv. Từ những việc nhỏ trong nhà ấy, các bé thành những đứa trẻ biết việc, khéo léo và có ý, đi ra ngoài, các bé có thể tự bảo quản đồ đạc của mình, tự lo cho bản thân trong mức độ của trẻ con, thậm chí còn có thể giúp đỡ người khác. Cũng cùng cỡ tuổi đó, các con của anh, chị hay bạn chị Oanh, nhiều bé ra ngoài vẫn mè nheo, bắt mẹ đút ăn, bắt mẹ tắm cho, làm cái đuôi của cha mẹ…
Thực tế, nhiều bậc cha mẹ vẫn luôn cho rằng con mình còn quá bé bỏng, có tâm lý xót con, sợ con phải chịu cực khổ, dẫn đến không muốn cho con động tay vào việc nhà và nhiều việc khác, giành làm hết cho con. Chính tâm lý ấy đã tạo ra một thế hệ “cậu ấm cô chiêu”, không biết gì ngoài chuyện học, mà thậm chí cũng không làm tốt việc học. Không tham gia vào việc nhà, trẻ chỉ biết hưởng thụ từ nhỏ đến lớn, ngoài việc thiếu các kĩ năng sống, thiếu tự lập và ỉ lại, còn sinh ra tính ích kỉ, không biết chia sẻ và cảm thông.
Điều này không những không tốt cho sự hình thành tính cách của trẻ, mà còn ảnh hưởng đến cả hạnh phúc lâu dài về sau. Một khảo sát nhỏ của một Trung tâm tư vấn tâm lý đã cho thấy, những người từ nhỏ được thường xuyên tham gia công việc nhà, biết làm việc nhà phụ giúp cha mẹ, khi lập gia đình lại có một cuộc hôn nhân êm ấm hơn. Lý do là họ biết chia sẻ công việc với bạn đời, biết cảm thông với sự vất vả của bạn đời hơn.
Chị Lê Thị Thảo Ly, ngụ Linh Trung, Thủ Đức chia sẻ một kinh nghiệm “để đời” trong nuôi dạy con như sau: Trước đây, chị Ly cũng là người đọc nhiều sách, tìm hiểu nhiều phương pháp dạy con. Thế nhưng, sinh con ra, nuôi con, chị bỗng quên bẵng các nguyên tắc mình từng đề ra. Có con muộn nên vợ chồng chị rất chiều con. Sau thấy con học giỏi, anh chị lại càng muốn con tập trung vào chuyện học nên không để con làm bất cứ việc gì trong nhà. Con học lớp 2, chỉ việc đi học về, chỉ để sẵn dép trong nhà cho con thay, dắt con đi tắm rửa, dọn sẵn mâm bàn cho con ăn, khi con đi ngủ cũng mắc sẵn màn, chèn sẵn gối. Kể cả tập vở đi học cũng dựa vào thời khóa biểu mà soạn cho con…
Đến một ngày, đưa con đến nhà ông bà ngoại tít một huyện nông thôn ngoại thành Hà Nội nghỉ hè, cách xa ngôi nhà thân quen, chị mới phát hiện ra con bị lạc lõng giữa các anh chị em họ chung quanh. Trong khi các bé khác chơi đủ trò chơi, rồi tự giác làm các việc như quét nhà, rửa tay chân mặt mũi ăn cơm, tự xới cơm và mời mọi người, thì con chị chỉ biết ngồi một chỗ kêu mẹ, hoặc đưa mắt cầu cứu mẹ.
Cậu bé bị các anh chị em đặt cho là “cậu ấm”, không hòa nhập được với những đứa trẻ khác. Có lần, cãi nhau với em họ, cậu bé còn bảo: Việc gì mình phải biết múc nước, việc gì mình phải tự gội đầu, việc gì mình phải tự lấy chén ăn cơm, mẹ mình làm cho mình hết mà. Cô bé kia hỏi: Chẳng lẽ mẹ bạn làm cho bạn tới lớn à. Con chị trả lời: Tất nhiên rồi, ba mẹ mình sinh ra để phục vụ mình, mình còn phải học hành nữa!
Chị tá hỏa, sực tỉnh ra là mình đang sai lầm trong dạy dỗ con.
Từ đó, chị bàn với chồng, nghiêm túc tìm cách thay đổi phương pháp giáo dục con mình. Anh chị bắt đầu cho con bớt cắm đầu vào học, hướng dẫn từ từ cho con tự làm những công việc phục vụ cá nhân mình, rồi dần dà phụ giúp cha mẹ việc nhà. Ban đầu, để thay đổi thói quen cũng không dễ, nhưng rồi cậu bé cũng quen dần, trở nên tự giác và hứng thú hơn. Điều ngạc nhiên là, sau khi biết làm việc nhà, cậu bé lại trở nên nhanh nhẹn, tự tin hơn, thậm chí học cũng giỏi hơn.
Hóa ra, sự tương tác trong lao động hàng ngày cũng chính là khoảng thời gian cậu bé rèn luyện sự nhanh nhẹn của chân tay, thư giãn trí óc… Giờ đây, vợ chồng chị Thảo Ly hoàn toàn hài lòng với cậu con trai vừa học giỏi, vừa ngoan ngoãn, tự lập.
Cho con làm việc nhà phù hợp tuổi, nằm trong sức của con, cùng với những lời động viên, khuyến khích… bao giờ cũng tốt với sự phát triển của trẻ. Đó chính là nền tảng đầu tiên trong bài học giáo dục làm người mà cha mẹ dành cho con, hơn bất cứ bài học đạo đức trên sách vở nào.