Phát hiện kịp thời biểu hiện lạ của con trẻ
Trong thời đại ngày nay, nhiều gia đình lựa chọn việc thuê người giúp việc trông nom con cái để họ an tâm đi làm. Nhưng chính việc tin tưởng người giúp việc 100% đã gây ra nhiều vụ bạo hành nhẫn tâm khiến người lớn xem lại còn phải thấy rùng mình ớn lạnh. Mới đây, đoạn clip ghi lại cảnh một bé gái chưa đầy 2 tháng tuổi bị người giúp việc bạo hành dã man đã khiến dư luận cả nước xôn xao. Trong đoạn clip, đứa trẻ đáng thương bị nữ bảo mẫu dùng tay đánh, rồi tung hứng lên xuống, lắc trái, lắc phải khóc thất thanh. Sự việc nghiêm trọng này chỉ được phát hiện khi mẹ bé thấy con mình có biểu hiện khác lạ và lén đặt camera theo dõi.
“Tôi rất bất ngờ, trót xem đoạn clip trên facebook xong giờ cứ ám ảnh. Mình cũng con nhỏ, xem mà tim rụng rời, không dám xem hết. Đau lòng nhất cảnh tung lên nhiều lần, xong lại đặt bé ngồi xuống và gập mình vào và tạt vào đầu. Tôi nghĩ bất cứ ai xem được cũng phẫn nộ” , chị Nguyễn Thị Vân (Yên Nghĩa, Hà Đông) chia sẻ.
Đây không phải lần đầu những sự việc trẻ bị bạo hành, đánh đập được phát hiện, như đầu năm 2017 trên một số trang mạng xã hội xuất hiện đoạn clip dài chừng 2 phút ghi lại sự việc cô giáo mầm non cầm dép đánh học sinh, chửi mắng học sinh gây phẫn nộ dư luận. Những vụ việc bạo hành trẻ nhỏ xảy ra không ít, dù bị phát hiện và đã có những hình thức xử phạt với những đối tượng bạo hành trẻ nhỏ nhưng những tổn thương về tâm lý của các em là điều không thể tránh khỏi.
Đề cập đến vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Trọng An - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng cho hay: “Tôi rất lấy làm lo ngại về tình trạng trẻ nhỏ bị bạo hành như hiện nay. Và điều đáng lưu tâm nhất chính là sức khỏe tinh thần của trẻ sẽ bị ảnh hưởng rất lớn. Về mặt tinh thần thì trẻ sẽ bị sợ hãi tột bậc mà đặc biệt đối với những trẻ thần kinh yếu có thể bị trầm cảm, sang chấn tâm lý hoặc có thể bị động kinh sau này. Và chắc chắn với những tổn thương đó thì không một ai, không thầy thuốc phụ huynh hoặc nhà giám định thương tật nào có thể giám định được sự tổn thương đó về mặt tinh thần của các em. Tôi đã từng chứng kiến có rất nhiều em nhỏ bị ảnh hưởng tâm lý suốt đời vì đã từng bị bạo hành”.
Để tránh những tổn thương tâm lý bác sĩ An khuyên các bậc phụ huynh nên chú ý đến con nhiều hơn, ôm ấp, vỗ về con để trẻ thấy được sự yêu thương của gia đình và của người thân. Đặc biệt, nếu thấy xuất hiện những triệu trứng như bị nôn trớ, khóc thét, bỏ bú, giật mình khi ngủ cần đưa bé đi khám để kịp thời có phương pháp điều trị giúp trẻ vượt qua nỗi sợ hãi.
Không nên lấy cớ bận việc để lơ là chăm con
Những vết thương trên da thịt có thể sẽ được chữa lành, tuy nhiên những tổn thương về tâm lý có thể sẽ theo các em đến suốt cuộc đời mà không thể chữa khỏi hoàn toàn. Dù đã có không ít vụ việc bạo hành trẻ nhỏ bị “phanh phui” nhưng trên thực tế vẫn liên tục xảy ra những vụ việc tương tự. Điều này đã đặt ra một câu hỏi rằng, phải chăng hình thức xử phạt của những hành vi này chưa đủ răn đe. Và cho đến khi nào thì câu chuyện bạo hành trẻ nhỏ sẽ đến hồi kết?
Trao đổi về vấn đề này, bác sĩ An cho biết, trong pháp luật về trẻ em có quy định rõ ràng về các hành vi nghiêm cấm gây hại đến trẻ nhỏ và luật quy định phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi đánh đập, xâm phạm thân thể, gây tổn hại về sức khoẻ đối với trẻ em.
Ngày nay, xã hội phát triển ngày một nhanh, cha mẹ đôi lúc mải mê với cuộc chiến “cơm áo gạo tiền” mà quên đi mất trách nhiệm giáo dục con cái của mình. Có nhiều phụ huynh quên rằng, mình thực sự chưa thực hiện đúng trách nhiệm của những người làm cha, làm mẹ. Ngay từ khi trẻ mới sinh con, cha mẹ đã “nhường” ngay quyền chăm sóc con cái của mình cho người giúp việc. Mặc dù Bộ luật Lao động của nước ta đã có nhiều chính sách thay đổi như tăng thời gian nghỉ thai sản của bà mẹ lên 6 tháng để tạo điều kiện cho mẹ có thể nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời, cũng như giúp mẹ có thời gian chăm sóc con cái tốt hơn ngay từ những ngày đầu. Tuy nhiên, không ít bà mẹ đã bỏ qua quỹ thời gian này hoặc dùng nó vào mục đích khác, để người giúp việc làm thay vai trò làm mẹ của mình khi mà họ sẵn sàng tin tưởng tuyệt đối những người giúp việc xa lạ, phó mặc con cái cho người giúp việc, từ việc nấu ăn, cho con ăn đến việc đưa đón con đi học, vệ sinh cá nhân cho con,… để rồi tạo điều kiện để con trẻ có thể gặp phải những sự bạo hành,…
Phân tích thêm, bà Nguyễn Thị Y Duyên, chuyên gia bảo vệ trẻ em, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc cho biết, hiện nay, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (Unicef) đang phối hợp hỗ trợ cho Bộ LĐ-TB&XH xây dựng đề án quốc gia về phát triển trẻ thơ toàn diện trong những năm đầu đời, đặc biệt dưới 3 tuổi là vô cùng quan trọng. Việc bỏ mặc con mình cho người giúp việc vì cha mẹ bận rộn, công việc,… đó không thể là lời bào chữa được mà cha mẹ cần thiết phải dành thời gian để hỗ trợ cho con trong những năm đầu đời. Bởi con rất cần cảm giác được yên tâm trong môi trường rất an toàn và có sự yêu thương từ cha mẹ mình.