Bến Tre: Làm gì để Làng Văn hóa du lịch nông thôn “chuyển mình”

(PLVN) - Hôm qua (5/6),  Hội thảo khoa học quốc gia phát triển du lịch nông thôn đã diễn ra tại Bến Tre, thu hút sự tham gia của nhiều cơ quan, nhà khoa học, doanh nghiệp…nhằm ghi nhận ý kiến đóng góp vào Đề án phát triển Làng văn hóa du lịch huyện Chợ Lách.
Du khách thập phương tham quan bia tưởng niệm Danh nhân văn hóa dân tộc Trương Vĩnh Ký

Mô hình du lịch tự nhiên kết hợp yếu tố văn hóa, lịch sử

Tại Hội thảo, nhiều chuyên gia cho rằng, Làng văn hóa du lịch nằm trong Đề án mỗi xã một sản phẩm của quốc gia. Tuy nhiên, du lịch ở Đồng bằng sông Cửu Long  có bước phát triển mạnh hơn,  đa dạng hơn. Tuy nhiên, thực trạng chung thì vẫn  chưa có “điểm nhấn”, chưa thực sự rõ nét nên ảnh hưởng đến sức hút du lịch và giữ chân du khách.

Bến Tre được biết đến với những lợi thế như “cây xanh trái ngọt”, được mệnh danh là vương quốc trái cây, hoa kiểng do có nhiều loại cây ăn trái nổi tiếng như măng cụt, sầu riêng Chín Hóa, Ri 6, chôm chôm; nhiều làng nghề cây giống, hoa kiểng như Long Thới, Vĩnh Thành, Phú Sơn…

Tuy nhiên, nếu như không tận dụng được lợi thế sẵn có này thì ngành du lịch sẽ tồn tại theo xu hướng dàn trải, không tạo được “bức tranh” riêng ngành du lịch của địa phương. Từ những yếu tố trên cho thấy huyện Chợ Lách có những lợi thế nổi bật nhưng cần có hướng đi và cơ chế để hình thành nên các làng du lịch đặc thù.

Bà Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (thuộc Đại học Quốc gia TP HCM) cho rằng, đối với xây dựng làng Văn hóa du lịch Chợ Lách, không chỉ chú trọng vào bông hoa cây kiểng mà còn chuyển tải vào đó những giá trị văn hóa, lịch sử trên cơ sở những tài nguyên văn hóa du lịch tại địa phương.

Đồng quan điểm trên, Nhà nghiên cứu Lê Tân, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội ẩm thực Việt Nam chỉ rõ, huyện Chợ Lách được hình thành trên một vùng đất có nhiều thuận lợi mang trên mình những dòng chảy đặc sắc và dấu ấn lịch sử quốc gia. Cũng tại vùng đất này, có Nhà bia tưởng niệm Nhà văn Trương Vĩnh Ký, Nhà thơ Cái Mơn, Nhà cổ hội đồng Hiếu, dự án homestay, cây cầu 100 năm tuổi… Nếu kết hợp được những lợi thế sẵn có của tự nhiên và những yếu tố giá trị lịch sử sẽ hình thành nên ngành du lịch tại Bến Tre với diện mạo hoàn toàn mới.

Vườn sản xuất cây giống công nghệ cao ngày càng được nhiều du khách gần xa biết đến

Tạo cơ chế, tháo “điểm nghẽn”

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam nhìn nhận: Muốn phát triển du lịch cộng đồng ở nông thôn, trước hết là cần sự đồng thuận trong cộng đồng dân cư. Đồng thời, trong mô hình du lịch cộng đồng, từng hộ dân phải phát huy hết những lợi thế của gia đình. Sau đó, Nhà nước sẽ hỗ trợ thêm những yếu tố cần thiết, tạo sự liên kết chặt chẽ giữa các hộ gia đình và Nhà nước thì mô hình du lịch sẽ có bước “chuyển mình” mạnh mẽ.

Bên cạnh đó, cần phải phát huy lợi thế “trời phú” của địa phương, xây dựng đa dạng về loại hình, không trùng nhau. Các sản phẩm du lịch nên gắn liền với lịch sử truyền thống vì  cái du khách cần không chỉ đơn thuần là trải nghiệm mà còn là kiến thức của vùng đất mà họ đến khám phá.

Cũng theo ông Nam, nước ta có nhiều cơ chế trong lĩnh vực du lịch nông thôn nhưng điểm “mấu chốt” là nhà quản lý cần tạo ra cơ chế tốt, hoàn thiện mô hình du lịch, tháo gỡ những “điểm nghẽn” kìm chế phát triển. 

Thứ trưởng Trần Thanh Nam cũng lưu ý đến vấn đề đào tạo, xây dựng nguồn nhân lực của mô hình; Nghiêm túc thực hiện Chương trình xây dựng Nông thôn mới để tạo hình ảnh tốt đẹp, lối sống văn minh, từ đó để lại ấn tượng đẹp cho du khách khi đến với vùng đất Bến Tre.

Đọc thêm