Ngộ độc vì thực phẩm online
Mới đây, chị X.A, ngụ tại TP Hồ Chí Minh đã phản ánh về sự cố bản thân gặp phải khi đặt mua thức ăn qua ứng dụng giao hàng G. Theo chị X.A, thông qua ứng dụng G, chị đặt một số phần bánh canh tại cửa hàng online. Sau khi ăn xong, chị và bạn bè có dấu hiệu ngộ độc cấp, trong đó, người ăn khẩu phần gấp đôi bị nặng nhất, phải cấp cứu. Sau đó, chị A đã liên hệ phản ánh vấn đề đến cửa hàng thực phẩm nói trên và ứng dụng giao hàng G cùng với các bằng chứng đầy đủ về việc ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bánh canh.
Phía cửa hàng có động thái “năn nỉ”, mong muốn bồi thường một số tiền nhỏ cho việc khám chữa và đề nghị khách hàng bỏ qua vì còn phải “mưu sinh”. Riêng phía ứng dụng giao hàng thì chỉ đưa ra câu trả lời chung chung là “sẽ xem xét”.
Sau nhiều lần phản ánh không nhận được phản hồi như ý, đồng thời nhận thấy cửa hàng bánh canh nọ vẫn hiển thị trên ứng dụng với nhiều đánh giá tốt, chị X.A đã bức xúc đưa sự việc lên mạng.
Sau bài viết, khá nhiều người dân cũng đã tham gia mổ xẻ những vấn đề khi đặt đồ ăn qua ứng dụng. Một số người phản ánh từng ăn tại cửa hàng bánh canh nói trên và cũng từng có dấu hiệu bị ngộ độc.
Những năm gần đây, thói quen đặt thực phẩm online trở nên phổ biến hơn bao giờ hết, đặc biệt đối với cư dân các đô thị lớn, nhịp sống nhanh vội. Chỉ cần vài thao tác trên điện thoại, người dùng có thể nhanh chóng đặt hàng và được giao thực phẩm đến tận nhà, với món ăn phong phú, đa dạng, thậm chí đôi khi còn rẻ hơn nhà nấu. Thế nên, không chỉ dân văn phòng, người độc thân mà nhiều gia đình cũng lựa chọn đặt thức ăn online thay cho những bữa cơm “nhà nấu” để đỡ tốn thời gian.
Tuy nhiên, như đã nói ở trên, đặt thực phẩm online tiềm ẩn nhiều rủi ro cho sức khỏe, nhất là khi việc lựa chọn thức ăn chỉ được thực hiện thông qua hình ảnh được trau chuốt trên mạng, chứ không phải “nhìn tận mắt, ngửi tận mũi” và kiểm tra độ sạch, bẩn của quán như khi trực tiếp đến quán. Có cả những trường hợp, shipper sau khi giao thức ăn còn “bỏ nhỏ” với thực khách là lần sau đừng đặt ở quán ấy nữa, vì tận mắt chứng kiến tình trạng nhếch nhác, bẩn thỉu ở quán.
Quyền lợi người tiêu dùng không được bảo đảm
Vì e ngại việc đặt hàng online tại nhiều cửa hàng không có sự bảo đảm, nhiều thực khách đặt niềm tin vào các ứng dụng trung gian. Bởi các ứng dụng này đã quảng cáo về sự lựa chọn đầu vào của quán đối tác: Cung cấp giấy tờ vệ sinh an toàn thực phẩm, đăng kí kinh doanh... Tuy nhiên, thực tế cho thấy, những bảo đảm này chỉ mang tính tương đối, bởi không ít người đã nhận phải thực phẩm bẩn, độc hại, bị tổn hại sức khỏe khi đặt thức ăn qua các ứng dụng. Các vấn đề này xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau: quy trình bảo quản chưa bảo đảm, khâu vận chuyển kéo dài, không đúng tiêu chuẩn, hoặc từ chính chất lượng sản phẩm kém từ nhà cung cấp.
Ngoài ra, một số nhà hàng hoặc cửa hàng trên các ứng dụng đặt hàng online thiếu biện pháp kiểm tra và bảo quản thực phẩm chặt chẽ, khiến cho món ăn dễ bị hỏng trong quá trình giao hàng, nhất là với thời tiết nắng nóng hoặc giao thông ùn tắc. Với chính sách “ghép đơn”, có khi đơn hàng mất thời gian di chuyển một, vài tiếng đồng hồ, khi thực phẩm đến tay người dùng đã mất đi độ tươi ngon, không còn bảo đảm an toàn.
Khi xảy ra sự cố, việc xác định ai là người chịu trách nhiệm trở thành một câu hỏi nan giải. Trong mô hình giao dịch trực tuyến, ứng dụng đặt hàng chỉ đóng vai trò trung gian, kết nối giữa người tiêu dùng và các cửa hàng. Nhiều ứng dụng hiện nay vẫn thiếu một cơ chế rõ ràng để xử lý khiếu nại về chất lượng thực phẩm. Một số ứng dụng, mặc dù quảng cáo mạnh về chất lượng món ăn, nhưng trong phần quy định (mà khách hàng thường không đọc) nêu rõ: Đứng ngoài mọi tranh chấp giữa người bán và người mua.
Thực phẩm là một mặt hàng đặc biệt, đòi hỏi tiêu chuẩn cao về vệ sinh an toàn và quy trình bảo quản. Để giảm thiểu nguy cơ tiềm ẩn khi đặt thực phẩm online, nên chăng cơ quan chức năng cần phải siết chặt các quy định pháp lý đối với các ứng dụng đặt hàng và các nhà cung cấp tham gia nền tảng, đồng thời quy định rõ ràng về trách nhiệm của từng bên khi xảy ra sự cố về chất lượng thực phẩm, để người tiêu dùng có thể được bảo vệ quyền lợi một cách tối đa.
Những nguy cơ khi đặt thực phẩm online không thể tránh khỏi, nhưng nếu có những biện pháp quản lý và quy định chặt chẽ, các bên liên quan từ ứng dụng đến nhà cung cấp đều nâng cao trách nhiệm của mình, người tiêu dùng sẽ phần nào yên tâm hơn khi sử dụng các dịch vụ này.