Thích ứng biến đổi khí hậu, mang lại hiệu quả kinh tế
Cà Mau là tỉnh cực Nam của Tổ quốc, với lợi thế 3 mặt giáp biển. Nghề nuôi tôm sú đã hình thành và phát triển từ nhiều năm qua, được xác định là thế mạnh kinh tế của tỉnh với diện tích nuôi trồng thủy sản khoảng 303.000 ha, trong đó diện tích nuôi tôm là khoảng 280.000 ha. Nghề nuôi tôm hiện là sinh kế chính của người dân trong tỉnh, sản lượng tôm nuôi tăng trung bình hàng năm từ 6-8%. Riêng năm 2023, sản lượng tôm nuôi của tỉnh đạt gần 230.000 tấn.
Phát triển mô hình nuôi tôm rừng sinh thái ở Cà Mau nhằm để tận dụng tiềm năng và lợi thế vốn có của địa phương để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm thủy sản. |
Mô hình nuôi tôm rừng sinh thái ở Cà Mau đáp ứng được hai mục tiêu: phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường sinh thái, hướng tới một nghề nuôi bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong những năm qua, tỉnh đã chú trọng phát triển mô hình này nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng của địa phương, tăng giá trị sản phẩm thủy sản. Đây được coi là một mô hình bền vững, nhận được đánh giá cao từ các nhà khoa học.
Bên cạnh đó, tỉnh Cà Mau đã nhận được nhiều hỗ trợ từ các dự án quốc tế trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản. Lãnh đạo Chi cục Thủy sản Cà Mau cho biết, lợi ích của mô hình nuôi tôm rừng sinh thái ở Cà Mau là mang lại lợi nhuận cao cho người dân khi sản phẩm được doanh nghiệp chế biến cam kết thu mua với giá cao hơn giá thị trường từ 10% đến 20%.
Ngoài ra, phát triển nuôi tôm sinh thái còn có nhiều lợi ích như: người dân được nâng cao năng lực nuôi tôm, nhận thức về bảo vệ rừng như trách nhiệm của mình và có thể thương thảo trực tiếp với doanh nghiệp về giá cả. Đồng thời, nhờ tôm được chứng nhận sinh thái, người dân còn được hỗ trợ dịch vụ chăm sóc rừng; cơ quan chức năng quản lý tốt vùng nuôi, tiết kiệm chi phí quản lý; doanh nghiệp được chứng nhận quốc tế, nâng cao uy tín của sản phẩm tôm sạch trên thị trường.
Do đó, mô hình nuôi tôm rừng sinh thái, hữu cơ rất phù hợp trong ứng phó với biến đổi khí hậu. Loại hình nuôi tự nhiên (nuôi sinh thái) này cung cấp sản phẩm tôm chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Đẩy mạnh các giải pháp phát triển nuôi tôm rừng
Mô hình nuôi tôm rừng sinh thái, hữu cơ rất phù hợp ứng phó với biến đổi khí hậu. |
Để phát triển mô hình nuôi tôm rừng sinh thái bền vững, từ nay đến năm 2030, Cà Mau sẽ chuyển toàn bộ gần 30.000 ha diện tích nuôi theo hình thức tôm - rừng sang nuôi tôm sinh thái dưới tán rừng và có trên 25.000 ha nuôi tôm rừng sinh thái được chứng nhận. UBND tỉnh Cà Mau chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tìm kiếm giải pháp kỹ thuật nhằm tăng năng suất cho mô hình nuôi tôm rừng sinh thái. Đồng thời, tỉnh sẽ xúc tiến nhanh các chuỗi sản xuất liên kết với doanh nghiệp xuất khẩu làm nòng cốt để hỗ trợ người dân tiêu thụ sản phẩm với giá cao hơn. Người dân sẽ được hướng dẫn kỹ thuật trồng rừng và nuôi tôm, hỗ trợ giống tôm chất lượng nhằm mở rộng diện tích tôm - rừng hữu cơ, tạo ra sản phẩm sạch và bán được với giá cao.
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau cho biết: “Thương hiệu tôm rừng sinh thái của Cà Mau đã được thị trường quốc tế ưa chuộng. Hiện tại, Sở đang quyết tâm chỉ đạo các đơn vị chuyên môn để từ nay đến năm 2025, tỉnh Cà Mau sẽ phát triển mở rộng diện tích nuôi tôm rừng sinh thái dưới tán rừng đạt 30.000 ha và có trên 25.000 ha nuôi tôm rừng sinh thái được chứng nhận. Đồng thời, mở rộng 4.000-5.000 ha nuôi tôm - rừng theo tiêu chuẩn hữu cơ, tăng cường tập huấn người dân về biện pháp bảo vệ môi trường; hỗ trợ trồng rừng đảm bảo diện tích; xây dựng hệ thống thủy lợi và hạ tầng đáp ứng yêu cầu vùng nuôi tôm rừng, đảm bảo các tiêu chuẩn mà các đối tác yêu cầu với tôm rừng sinh thái của tỉnh.”
Trong Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh Cà Mau, ngành hàng tôm sinh thái được chọn là một trong những ngành hàng ưu tiên phát triển. Tỉnh cũng chú trọng xây dựng chuỗi giá trị tôm rừng sinh thái, đặc biệt trong lĩnh vực nuôi tôm dưới tán rừng ngập mặn.
Hiện nay, tỉnh Cà Mau có khoảng 80.000 ha rừng ngập mặn, trong đó 30.000 ha được sử dụng để nuôi tôm dưới tán rừng. Trong số này, hơn 20.000 ha đã đạt chứng nhận theo các tiêu chuẩn quốc tế như Naturland, EU Organic, Selva Shrimp, ASC, BAP,… với năng suất trung bình đạt từ 250-300 kg/ha/năm. Đặc biệt, huyện Ngọc Hiển có 14.010,49 ha nuôi tôm được cấp chứng nhận mới vào năm 2023 theo các tiêu chuẩn Organic, Naturland, và Selva Shrimp, EU…
Tại vùng nuôi tôm rừng, các doanh nghiệp như Minh Phú, Camimex, và Công ty xuất nhập khẩu Năm Căn đã ký kết hợp tác triển khai trên các diện tích do Ban quản lý rừng phòng hộ Năm Căn (huyện Năm Căn), Đất Mũi (huyện Ngọc Hiển), Kiến Vàng (huyện Ngọc Hiển) và Công ty Lâm nghiệp Ngọc Hiển quản lý, với tổng diện tích đạt 14.010,49 ha, liên quan đến 1.886 hộ dân.
Đến nay, huyện Ngọc Hiển và Năm Căn đã và đang xây dựng các mô hình liên kết chuỗi giá trị, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong đó, chuỗi mô hình nuôi tôm rừng được nhiều công ty và nhà máy tham gia, đóng góp vào việc xây dựng vùng nguyên liệu và hỗ trợ chi phí chứng nhận. Nhờ đó, sản phẩm được bao tiêu đầu ra và giá tôm luôn cao hơn giá thị trường.
Bên cạnh đó, người dân còn được hỗ trợ chi phí trồng rừng, tham gia các buổi tập huấn nâng cao kiến thức về sản xuất có trách nhiệm, góp phần phát triển bền vững ngành tôm tại Cà Mau.