Cuộc chiến với “tử thần”…
Trong các bệnh viện nơi những bệnh nhân mắc Covid-19 đang điều trị, cuộc sống của họ dường như chậm lại hơn bao giờ hết. Họ đang phải chiến đấu từng ngày, từng giờ với căn bệnh đang gây ra nỗi ám ảnh cho toàn nhân loại. Đứng giữa ranh giới sự sống và cái chết, họ nghĩ về gia đình, nghĩ về từng khoảng khắc trong căn nhà của mình và vẫn còn nhiều điều hối tiếc với những người thân yêu.
Hai vợ chồng Greg Macasaet và Evelyn đều là bác sĩ gây mê ở Bệnh viện Manila Doctors (Philippines) – nơi đã tiếp nhận những bệnh nhân đầu tiên có triệu chứng mắc Covid-19 ở nước này. Đối mặt với căn bệnh nguy hiểm, cả hai vợ chồng đều lựa chọn tiếp tục công việc. Không lâu sau, cả hai đều xét nghiệm dương tính với Covid-19.
Trong một tin nhắn gửi cho gia đình, Greg viết: “Tôi biết rằng thời gian không còn nhiều. Nếu họ đặt nội khí quản cho tôi và đặt máy thở, thì mọi chuyện xem như kết thúc”. Chỉ trong vài ngày, bệnh trạng của Greg trở nên nghiêm trọng. Anh gần như khẳng định bệnh trạng của mình khi biết rằng các bác sĩ sẽ đưa một ống nhỏ vào tĩnh mạch của mình theo quy trình điều trị khẩn cấp.
Khi đó anh luôn nghĩ về vợ, người cũng đang phải chiến đấu để giữ sinh mạng, cũng như về cậu con trai tự kỷ của mình. Như trong những lời nhắn cuối cùng của Greg với gia đình, anh viết: “Raymon (con trai Greg) cần được chăm sóc cả về thể chất lẫn tinh thần trong suốt phần đời còn lại, những điều mà tôi có thể không làm tròn trách nhiệm của mình được nữa”. Greg trút hơi thở cuối cùng lúc 4 giờ sáng ngày 22/3.
Phải đối mặt với “tử thần” là điều mà không ai mong muốn. Với những bệnh nhân mắc Covid-19, họ lại càng khao khát được sống hơn bao giờ hết. Grace Caras-Torres là một bác sĩ sản khoa tại Bệnh viện St Luke's, cũng là bệnh nhân nhiễm Covid-19 thứ 194 của Philippines.
Cô đã chia sẻ trên Facebook cá nhân rằng: “Tôi đã khóc. Tôi chưa sẵn sàng chết. Con tôi vẫn cần tôi. Vẫn còn cuộc chiến mà tôi phải chiến đấu”. Đối với nhân viên y tế bên trong chiến tuyến chống dịch, cuộc chiến với “tử thần” là cuộc chiến không ngừng nghỉ, không chỉ cứu giữ tính mạng của người khác mà còn của chính mình.
Những nhân viên y tế nhiễm phải Covid-19 trong quá trình cứu chữa bệnh nhân như Caras-Torres, dù vượt qua được căn bệnh để sống sót, hầu hết đều lựa chọn tiếp tục chống dịch cho xã hội.
Tại Ý – quốc gia đứng thứ 3 về số ca nhiễm bệnh, những bệnh nhân tại đây đang phải vật lộn từng ngày, từng giờ để chiến đấu với dịch bệnh. Tờ Repubblica đã có cuộc phỏng vấn với bác sĩ Angelo, người đã mắc Covid-19 trong quá trình điều trị cho bệnh nhân.
Vị bác sĩ chia sẻ: “Tôi cảm giác như không thể thở được, tôi sợ mình sẽ không bao giờ gặp lại vợ và 4 đứa con thân yêu của tôi nữa. Cho đến thời điểm đó, tôi đã chữa khỏi cho một vài bệnh nhân khác nhưng tôi cũng phải chứng kiến bệnh nhân chết, tôi biết sự hung hãn của con virus ấy. Nhưng với những người đang chiến đấu, tôi muốn nhắn nhủ rằng bạn không nên bỏ cuộc vì sợ hãi. Chỉ trong vài tiếng đồng hồ, nhịp thở của tôi đã tăng từ 15 lên 40 trong 1 phút, tôi đã không thể thở nổi và tưởng như sắp chết”.
Sau đó, bác sĩ Angelo đã vượt qua được thời điểm đen tối nhất của căn bệnh, ông khẳng định: “Tôi đã nghĩ rằng mình đang ở nhà và chỉ vừa mới chợp mắt ngủ một lát thôi. Nhưng không phải, bên cạnh giường của tôi là một bệnh nhân nhiễm Covid-19”.
Về nhà và được gặp lại gia đình mình. Chắc chắn, đây cũng là mong ước của ít nhất 1,2 triệu người đã nhiễm Covid-19 trên thế giới tại thời điểm này. Nhưng mong muốn giản đơn ấy hiện giờ là một điều khó khăn với họ, thậm chí có nhiều người đã không thể nói lời tạm biệt với người thân trước giây phút ra đi.
Và những điều kỳ diệu bên trong chiến tuyến
Đứng giữa ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết, nhiều người đã có những nghĩa cử đầy nhân văn, gợi lên nhiều suy ngẫm. Đó là sự chấp nhận hy sinh, nhường phần sống cho những người có cơ hội sống cao hơn.
Đó là câu chuyện của cụ bà Suzanne Hoylaerts (90 tuổi) sống tại thị trấn Binkom, thuộc khu đô thị Lubbeek (Bỉ). Bà vừa qua đời ở tuổi 90 vì mắc Covid-19. Khi đã vào giai đoạn bệnh trở nặng và cần dùng máy trợ thở, bà Suzanne đã nói với các bác sĩ: “Tôi không muốn dùng máy trợ thở. Hãy dành nó cho những bệnh nhân ít tuổi hơn tôi. Tôi đã sống một cuộc đời tốt đẹp”. Trước khi được đưa vào điều trị cách ly, bà đã kịp nói lời tạm biệt với con gái, cũng là người trực tiếp đưa bà tới bệnh viện. “Con đừng khóc, con đã làm tất cả những gì có thể rồi” là lời trao đổi cuối cùng của hai mẹ con.
Chính trong khoảnh khắc ấy, điều người ta nghĩ về nhiều nhất vẫn là gia đình, vẫn là hình ảnh những người thân và những khoảnh khắc hạnh phúc nhất trong cuộc đời. Phải trong hoàn cảnh không mong muốn này, con người mới hiểu đâu là giá trị mà chúng ta đang theo đuổi, không phải là vật chất đủ đầy hay công việc mơ ước, mà đó là hình ảnh gia đình, người thân, hình ảnh ngôi nhà quen thuộc nơi họ mong mỏi được trở về. Đúng như câu nói “khó khăn dạy chúng ta biết trân trọng giá trị của những điều đáng quý nhỏ nhặt nhất”.
Cũng nhờ có gia đình, nhiều bệnh nhân, nhiều y, bác sĩ có động lực mạnh mẽ để vượt qua khó khăn, tiếp tục cứu chữa bệnh. Chị Nguyễn Thị Thu Hương (27 tuổi, điều dưỡng khoa C4, Viện Tim mạch) đang mang thai 38 tuần. Trong khi chuẩn bị đi khám thai 38 tuần tuổi thì chị nhận được thông báo về 1 bệnh nhân từng điều trị tại đây dương tính với Covid-19.
“Lúc ấy chân tay tôi rụng rời, nhiều chị em trong khoa bật khóc vì lo lắng. Chúng tôi chưa chuẩn bị tâm lý đón nhận tin này”, chị Hương kể. Sau khi nhận kết quả xét nghiệm âm tính, chị và những đồng nghiệp yên tâm hơn. Chị cũng chia sẻ chị và đứa con trong bụng đang trải qua những ngày đặc biệt nhất, không ở bên chồng và gia đình, mọi dự định sinh nở cũng thay đổi.
Ban đầu 2 vợ chồng chị dự định đặt tên con là Vũ Nhật Hạ, nhưng vì có dịch Covid-19 nên hai vợ chồng thống nhất đổi tên con thành Vũ Nhật Hạ Vy. “Hạ Vy có nghĩa là hạ gục con virus Cô - vy này”, chị Hương bật cười chia sẻ về ý nghĩa của tên đứa con đầu lòng.
Mới đây, ca sinh ba thành công của một sản phụ tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang – Hà Nội cũng đã mang lại niềm hạnh phúc cho những người ở đây. Sản phụ này là trường hợp được cách ly tập trung do trước đó đến Bệnh viện Bạch Mai khám.
Do vẫn phải tiếp tục cách ly và không được tiếp xúc với con nhưng đôi vợ chồng trẻ cảm giác thực sự hạnh phúc và nhẹ nhõm hơn rất nhiều. Mặc dù sinh non ở tuần thứ 35 và phải mổ đẻ nhưng hiện nay, sức khỏe của người mẹ và 3 bé đều tốt. Niềm hạnh phúc không chỉ đến từ người lần đầu được làm bố, làm mẹ của 3 cậu con trai mà nó còn đến từ điều đặc biệt của khoảnh khắc ra đời đầy ý nghĩa này.
Giữa giai đoạn khủng hoảng của đại dịch toàn cầu Covid-19, người ta có thể thấy nhiều điều mà trước đây hoặc lâu lắm rồi không được thấy. Đó là những nghĩa cử cao đẹp, nhường nhịn cho nhau những cơ hội được sống, tại “lằn ranh” sinh tử. Đó cũng là hình ảnh hàng triệu người làm ăn, sinh sống xa quê muốn hồi hương, muốn được trở về nhà.
Đó là khoảnh khắc mọi người nhận ra được “ở nhà” là một điều may mắn, cũng là một hành động có trách nhiệm để bảo vệ sức khoẻ của cộng đồng. Một gia đình được mạnh khoẻ góp phần tiếp thêm hy vọng, thêm động lực, thêm sức mạnh cho các y, bác sĩ, các nhân viên y tế và các bệnh nhân trên tuyến đầu chống dịch, vượt qua thời điểm khó khăn này.