Bênh con gái, cha đánh chàng rể say xỉn mất mạng

(PLO) - Giữa tháng 9/2013, trong phiên toà lưu động xét xử vụ án “Giết người” đối với ông Nguyên Ngọc (SN 1963, trú thôn An Ngãi Tây, xã Hoà Nhơn, huyện Hoà Vang, Đà Nẵng) có rất đông người đến tham dự.
 Con gái lớn anh Phương bên di ảnh vẽ lại của cha
Con gái lớn anh Phương bên di ảnh vẽ lại của cha

Con rể say xỉn quậy phá, bị nhạc phụ “dạy dỗ” khiến thiệt thân

Giữa tháng 9/2013, trong phiên toà lưu động xét xử vụ án “Giết người” đối với ông Nguyên Ngọc (SN 1963, trú thôn An Ngãi Tây, xã Hoà Nhơn, huyện Hoà Vang, Đà Nẵng) có rất đông người đến tham dự.

Thảm án xảy ra cách phiên toà đúng 3 tháng, vào giữa trưa một ngày hè nắng gắt. Lúc đó, ông Ngọc cùng với Nguyễn Đăng Phương (SN 1986, con rể) và một số người đến nhà ông hàng xóm trong thôn để nhậu. Khi đã thấm mệt, Phương đứng dậy, “chân nam đá chân xiêu” xin phép về trước.

Vừa đến nhà, Phương lại “giở chứng” như mọi khi, bước đi chệnh choạng, vớ phải thứ gì liền đập phá. Quá hiểu tính chồng, chị Tuyết chạy đến ngăn lại, rồi dìu đưa vào phòng nghỉ ngơi. Thế nhưng, Phương vẫn chưa chịu thôi, cứ đạp tứ tung hết vào thành giường, rồi tủ áo quần. Lo sợ con gái đứng gần “dính đòn” của ba, chị Tuyết xua con chạy xuống nhà ông bà ngoại ở cạnh bên để tránh.

Về phần ông Ngọc, lúc này cũng khật khưỡng bước về, thấy cháu ngoại hớt hải chạy xuống nói “ba con say quá, ba quậy tùm lum ngoại ơi”, nên cùng một bạn nhậu chạy lên can ngăn Phương. Sau khi bị ông Ngọc la mắng, Phương không phá đồ đạc nữa mà bỏ đi ra ngoài vườn.

Cô vợ vì lo sợ cho chồng nên cũng lẽo đẽo theo sau khuyên chồng vào nằm nghỉ. Thế nhưng, Phương đã không nghe mà còn cảm thấy “bực bội”, giơ chân đạp vào mặt vợ. Chị Tuyết mang bầu đã gần đến ngày sinh, không né kịp nên lãnh trọn cú đạp, người ngã lăn quay, bầm tím hết mặt mày.

Chứng kiến con rể đánh con gái đang “bụng mang dạ chửa”, ông Ngọc xông đến chửi cho một trận. Bị nhạc phụ “sửa lưng” trước mặt nhiều người, Ngọc như thách thức lại, đập phá đồ nhiều hơn. Đến khi thấy chồng có khả năng đập luôn mặt bàn bằng thuỷ tinh, tiếc của, Tuyết lại lao vào ngăn chồng và lãnh thêm 1 cú đá nữa.

Quá sợ hãi, người vợ lần này mới chịu dắt con gái sang nhà hàng xóm né tránh, đồng thời cũng nhờ người này đến khuyên nhủ cả cha và chồng ngừng “gây chiến”.

Lúc này ở nhà, Phương đã dùng tay đập vỡ mặt kính, rồi cầm một mảnh vỡ hươ loạn xạ về phía ông Ngọc. Khi người hàng xóm ngăn lại, cũng bị Phương ném luôn một mảnh kính, gây trầy xướt. Thấy con rể quá hỗn láo, ông Ngọc đi tìm một cây gỗ keo bên hông nhà, chạy lại “dạy dỗ”.

Khi Phương xông vào thách thức, ông Ngọc vung cây đánh đánh mạnh vào đầu con rể khiến Phương ngã gục xuống đất. Dù được gia đình và người thân đưa đi cấp cứu nhưng Phương đã tử vong sau đó. Theo kết luận của cơ quan pháp y, Phương bị đánh đúng vào đỉnh đầu bên trái, tử vong do chấn thương sọ não.

Người chồng “tà tính”, hễ say lại đập đồ, đánh vợ

Năm 2008, Nguyễn Đăng Phương tình cờ chạm mặt với cô gái Nguyễn Thị Bạch Tuyết trong Khu công nghiệp Hoà Khánh (Đà Nẵng). Ngay từ lần đầu gặp gỡ, cả 2 đã cảm thấy quý mến rồi nói lời yêu. Một năm sau, Phương và Tuyết nên nghĩa vợ chồng.

Chị Tuyết và đứa con thứ 2
Chị Tuyết và đứa con thứ 2

Do gia đình đông anh em, lại nghèo khó, Phương xin về ở rể bên nhà Tuyết. Khi con gái đầu chào đời, ông Ngọc đã cho vợ chồng Tuyết mảnh đất phía sau để dựng nhà ra riêng. Nhưng do mảnh đất này nằm trong vùng bị giải tỏa, gia đình không thể tách “sổ đỏ” cho vợ chồng Tuyết được. Từ đó, mỗi lần say xỉn, Phương lấy cớ ông bà nhạc phụ “giả nghĩa”, làm bộ cho đất mà không chịu tách “sổ đỏ”… để nhiếc móc, đập phá đồ đạc và còn đuổi đánh vợ con.

Trong phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án “Giết người”, HĐXX Toà án Nhân dân TP. Đà Nẵng đã xét, bị cáo Nguyễn Ngọc thành khẩn khai báo hành vi phạm tội của mình. Bị cáo Ngọc có thân nhân tốt, đã có thời gian phục vụ trong quân đội, phạm tội lần đầu… là những tình tiết giảm nhẹ mức án. Vì vậy, Tòa tuyên phạt bị cáo bị cáo Nguyễn Ngọc 7 năm tù.

Thời gian về sau, Phương càng nhậu nhẹt rồi về quậy phá, đánh vợ nhiều hơn, thậm chí, vợ mang bầu cũng không tha. Theo lời chị Tuyết, bình thường “anh ấy rất tội, thương vợ thương con”. Nhưng chỉ cần uống vài ly, y như rằng Phương biến thành 1 người khác, rất “chướng”, cứ muốn đập phá đồ đạc.

Vợ hay người nào nhảy vào căn ngăn, Phương cũng “tẩn” luôn mà không cần biết đúng sai. Đến khi tỉnh rượu, Phương lại lúi cúi dọn dẹp “bãi chiến trường” của mình, đi xin lỗi người thân, hàng xóm mà không hiểu vì sao lại như vậy.

Thương chồng bao nhiêu, chị phải cố gắng chịu đựng cảnh bị chồng đánh, đạp phá đồ đạc bấy nhiều. Rồi lâu dần, chị cũng “bắt bài” được cách “trị” chồng, mỗi lần Phương đi nhậu về, chị Tuyết lại để một số vật dụng bằng nhôm, thiếc… khó vỡ nào đó cho Phương đập. Một lúc Phương mệt, chị lại nhẹ nhàng khuyên chồng đi nghỉ và tuyệt nhiên không có chuyện gì xảy ra.

Nhưng cuối cùng thảm án cũng đã xảy ra. Nói lại vụ án, người vợ ngây thơ này lại trách mình, giá như lúc ấy chị không tiếc mặt bàn bằng kính thì đã không có chuyện gì xảy ra, chồng không chết và cha không đi tù như hôm nay.

Trong vụ án, chị Tuyết đau lòng nhất. Trong phiên toà, chị đại diện phía bị hại đứng lên xin giảm án cho cha, lại bị người thân bên chồng không đồng tình. Sau khi Toà tuyên ông Ngọc mức án 7 năm tù giam, người nhà chồng của chị Tuyết đã phản ứng gay gắt.

Thiếu phụ đại diện cho phia bị hại còn có nỗi khổ tâm nữa. Đó là cha chị chính là bị cáo. Mẹ chị lam lũ với nghề bán lá chè ở chợ, mỗi ngày cũng chỉ kiếm đủ ăn; 3 em trai còn lại chưa có được công ăn việc làm. Trong phiên tòa, chị không yêu cầu đền bù thêm.

Theo chị, mẹ mình đã phải vay mượn khắp nơi để gửi 20 triệu đồng lo hậu sự cho con rể trước đó rồi, cộng thêm 50 triệu đền bù tổn thất như toà tuyên lần này nữa là hợp lý. Thế nhưng, gia đình nhà chồng chị Tuyết tiếp tục không đồng tình, đòi số tiền 100 triệu đồng và phản kháng theo mức tăng nặng bản án.

Chị Tuyết tâm tình, ngày làm giỗ 7 ngày cho chồng, chị sinh con gái thứ 2. Cũng từ đó cho đến khi ra toà, chị gần như không biết gì đến “ở cữ”. Hết bị Công an, Viện kiểm sát, rồi Toà gọi. Đã thế, chỉ vì số tiền đền bù, vì so đo bản án khiến tình thân rạn nứt, ông bà nội cũng không thèm đến thăm cháu sau sinh.

Thậm chí, chị Tuyết còn không được mang di ảnh của chồng về thờ mà phải tự mình thuê họa sĩ vẽ ảnh khác để hương khói riêng. “Một bên chồng, một bên ba ruột, em làm sao thiên vị cho ai. Nhưng người chết cũng đã chết rồi. Ba em có đi tù nhiều thêm thì chồng em cũng không sống lại được. Ba em cũng già yếu, ông cũng không có ý gây nên tại hoạ này.

Phận làm con, tất nhiên, em phải mong ông về sớm. Hơn nữa, ông còn về để làm việc, kiếm tiền lo cho cháu ngoại nữa. Tiếng là ruột thịt bên nội nhưng chỉ có ông ngoại mới có thể giúp em nuôi con được”, chị Tuyết chia sẻ.

Theo Xa lộ pháp luật

Đọc thêm