Tại buổi Tư vấn sức khỏe và tầm soát của phòng khám đa khoa Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch kỳ tháng 11/2019 với chủ đề “Tập luyện thể thao dành cho bệnh lý cơ xương khớp”, BS Đổng cho biết, cả hai trạng thái này đều gây hại cho bệnh nhân.
Mắc bệnh lý CXK mà sợ hãi, không dám vận động thì khó có cơ hội để phục hồi chức năng cho các cấu trúc bị đau. Ngược lại, nếu bệnh nhân tự nghĩ rằng tập càng nhiều càng nhanh được phục hồi thì lại có nguy cơ bị đau nặng hơn. Lý do là các cơ quan trong cơ thể sẽ bị quá ngưỡng chịu lực. Chẳng hạn, đau lưng mà tập quá và tập sai thì sẽ dẫn đến đau thần kinh tọa; thoái hoá khớp gối độ 1 mà tập quá và tập sai thì sẽ thành đau cấp 3 – 4.
Có một thực trạng hiện nay là khá nhiều bác sĩ chuyên khoa khi khám cho bệnh nhân thì chỉ nói chung chung về định tính rằng bệnh nhân bị thoái hóa khớp, thoái hóa cột sống… mà ít khi nói cụ thể thêm về định lượng là thoái hóa ở cấp độ nào. Tiếp theo, bác sĩ có thể khuyên bệnh nhân nên siêng năng vận động nhưng lại ít khi nói vận động theo những bài tập cụ thể nào và vận động ở mức độ nào thì có tác dụng trị liệu.
Dẫn lại lời của Viện sĩ Dương Quang Trung, BS Đổng khẳng định “Bác sĩ không phải chỉ là chữa bệnh mà chữa một con người mang bệnh”. Theo đó thì BS phải xem xét tổng thể cấu trúc cơ quan cơ thể bệnh nhân để đánh giá khả năng mất bù và khả năng còn bù. Dựa vào hiện trạng thực tế bệnh tình của bệnh nhân, BS đưa ra những bài tập phù hợp nhất cho từng cá nhân mang bệnh.
BS Đổng khuyên các bệnh nhân CXK nên tham vấn bác sĩ để có được phác đồ điều trị phù hợp nhất với bản thân.