Bệnh viện Bạch Mai: Điểm nóng nhưng chưa một ai nao núng

(PLVN) - Tâm sự trên trang thông tin của Bệnh viện Bạch Mai,  TS Dương Đức Hùng, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ: Bạch Mai đang là điểm nóng, nhưng ở nơi này, các y bác sỹ chưa một ai nao núng, chưa một ai làm đơn xin nghỉ việc không lương, dù có thể họ xác định có thể lây nhiễm, có thể gặp tình huống xấu nhất....
 Bệnh viện Bạch Mai: Điểm nóng nhưng chưa một ai nao núng

TS Dương Đức Hùng, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, ngay từ khi dịch bệnh Covi-19 bắt đầu bùng phát ở Trung Quốc, các bác sỹ Bệnh viện Bạch Mai biết rằng, khi dịch bắt đầu có yếu tố cộng đồng thì y tế sẽ là đơn vị tổn thương đầu tiên. Vì vậy, ngay từ trước Tết, Bệnh viện Bạch Mai đã xây dựng nhiều kịch bản đối phó với dịch từ mức độ thấp cho đến những mức độ xấu nhất, nên không hề bỡ ngỡ trước diễn biến được coi là phức tạp của dịch bệnh.

"Việc phân luồng bệnh nhân, chủ động giảm tải bệnh nhân đến khám, giãn cách thời gian tái khám đã được thực hiện từ trước. Cho đến khi sự việc nóng lên thì ngừng, nhưng điều này không đột ngột, không gây xáo trộn cho các hoạt động khám chữa bệnh.

Chúng tôi cũng chuẩn bị kế hoạch cách ly nhân viên y tế nghi nhiễm, chuẩn bị chỗ ở cho nhân viên, sau đó tập trung vật tư, nguyên vật liệu để chống dịch. Cũng nhờ việc đã chủ động chuẩn bị các tình huống ứng phó nên chúng tôi đã hành động ngay khi có nhân viên y tế nhiễm như cách ly nhanh 160 nhân viên y tế tiếp xúc gần bệnh nhân dương tính." - ông cho biết. 

Theo TS Dương Đức Hùng, sau khi phát hiện bệnh nhân 133, khoa Thần kinh bị cách ly chỉ trong vòng 6 tiếng đồng hồ buổi đêm.

Ban giám đốc bệnh viện đã gọi tất cả các y bác sĩ đang ở nhà vào cách ly, làm xét nghiệm cho tất cả các nhân viên y tế, bệnh nhân và người nhà, phối hợp với Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội phân loại về mặt dịch tễ và ngay lập tức cung cấp đầy đủ từ đồ dùng cá nhân đến nhu yếu phẩm cần thiết cho các bạn cách ly. 

Thậm chí trong số y bác sỹ bị cách ly, có 1 điều dưỡng có thai tuần 38, phải mổ đẻ. Bệnh viện đã phải lên phương án mổ phòng nào, ai mổ, mổ xong thì mẹ con về đâu vì sau mổ vẫn cách li.

"Mọi việc được lên phương án nên không có sự bị động, lúng túng. Nếu không có kịch bản tốt, chuẩn bị kĩ thì chắc chắn sẽ ‘vỡ trận’.- TS Hùng cho biết.

Phó giám đốc bệnh viện Bạch Mai cũng cho biết trong qúa trình, đã phát minh nhiều sáng kiến, như ở khoa nhi, thay vì đi lau thường xuyên các tay nắm cửa, thì họ bọc vải vào các tay nắm cửa và đổ cồn vào để khử trùng ngay tại tay nắm cửa. Ngoài ra, còn rất nhiều ý tưởng sáng tạo khác từ Đoàn thanh niên và nhân viên y tế xuất phát nhu cầu thực tế.

Trả lời câu hỏi về cảm xúc của ông khi nghe tin hai điều dưỡng thuộc bệnh viên bị dương tính với Covid-19, Phó giám đốc bệnh viện Bạch Mai nói: "Thay cho câu trả lời này tôi muốn dẫn một bài thơ trên mạng mà 1 người bạn gửi cho. Đọc bài này mình cũng thấy rất tâm tư, thậm chí cay cay sống mũi. Cái tứ của bài thơ là có thể một ngày mình đi làm, sau đó phát hiện ra dương tính, mình đi cách ly. Rồi có thể cái diễn biến nặng lên và biết đâu đó là ngày cuối cùng… được gặp lại người thân…

Thú thật, khi nghe tin đồng nghiệp của mình bị dương tính thì chúng tôi có chút lo lắng. Lo cho các đồng nghiệp đó, lo cả cho mình, lo cho những đồng nghiệp đang hàng giờ, hàng ngày đối diện với nguy cơ lây nhiễm. Nhưng phải biến sự lo lắng đó thành hành động, bệnh viện phải làm tất cả những gì có thể làm được để làm sao cho hệ số an toàn của nhân viên của mình ở mức cao nhất. "

Với tư cách là bác sĩ làm quản lý bệnh viện tuyến cuối, TS  Dương Đức Hùng cho biết  ông không hề chùn bước trong thời điểm này.  

Ông nói, dịch bệnh cũng như bão, không phải lúc nào cũng nào tránh được. Khi xảy ra thì chấp nhận và xử trí như thế nào mà thôi. Đối với những người bị lây nhiễm rồi thì làm sao để có thể cho họ được chăm sóc, được theo dõi trong những điều kiện tốt nhất có thể. Làm sao để cho những người đang ở đây cảm thấy họ có một hậu phương - chính là bệnh viện ở đằng sau để yên tâm và vững tin vào cuộc chiến này. "Chúng tôi chấp nhận nguy cơ để vì một cái lớn hơn, đó là sự toàn vẹn, sự an toàn cho cộng đồng." - ông chia sẻ.

Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết: " Bạn bè của tôi, đồng nghiệp của tôi, nhân viên của tôi, chưa một ai tỏ ra lo lắng về việc lây nhiễm truyền sang cho mình. Bởi vì, ngay khi bước chân vào cái nghề này thì chúng tôi đã đã xác định rằng: cái nghiệp - đó chính là sự hy sinh cho mọi người. Tới bây giờ, dù nóng vô cùng nhưng tất cả cán bộ nhân viên Bạch Mai chưa một ai nao núng. Tình huống xấu nhất xảy ra là chẳng may nhân viên y tế dương tính, bị cách ly rồi bệnh nặng hơn, thậm chí tử vong, ngày đi làm ấy là ngày cuối cùng nhìn thấy mặt gia đình. Nhưng không một nhân viên nào làm đơn xin nghỉ không lương. Đây là tinh thần chung của Bạch Mai và cả ngành y tế. Cũng phải nói thêm rằng, những bác sĩ của chúng tôi đang bị cách ly đều đang nóng lòng trở về cùng với đồng đội mình để tiếp tục công cuộc chống dịch.

Tôi tin tưởng, bên cạnh sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, chỉ đạo sát sàn sạt của cơ quan chức năng cùng với sự đồng lòng của cán bộ nhân viên, công cuộc chống dịch ở Bạch Mai nói riêng và nước mình nói chung sẽ thành công."

Tâm sự về những khó khăn mà y bác sỹ của Bệnh viện Bạch Mai đang gặp lúc này,ông Hùng bộc bạch: Chúng tôi chỉ mong được cấp đủ trang thiết bị và điều kiện để có thể làm tốt công việc của mình. Giàu tinh thần chiến đấu, có ý chí nhưng không đủ trang thiết bị cần thiết, chúng tôi sẽ như bị bó tay. Cũng may là gần đây, chúng tôi đã không còn bị thiếu thốn nữa và đồng bào cả nước cũng đang ủng hộ hết mình cho ngành y, cả vật chất và tinh thần.

Nhưng cũng có những chuyện đáng buồn như nhân viên chúng tôi đi thuê nhà, bị chủ nhà đuổi vì làm Bệnh viện Bạch Mai. Những nhân viên y là những chiến sĩ chống dịch ở tuyến đầu, họ rất mong manh. Đừng làm họ tổn thương về thể chất cũng như tinh thần."

"Chúng tôi căng mình chống dịch, đi làm với mấy trăm phần trăm sức lực, không phải vì tiền, vì đãi ngộ. Điều chúng tôi cần nhất là sự đồng cảm. Nếu chồng phải cách li vì điều trị cho bệnh nhân, nhưng vợ con ở nhà bị hàng xóm kì thị tẩy chay. Điều này rất đau lòng và gây ảnh hưởng tiêu cực đến tinh thần của nhân viên y tế.

Chúng tôi cần những người lính khỏe mạnh về thể chất và tinh thần để ra trận. Vì vậy chúng tôi mong được xã hội, được người dân đứng đằng sau làm chỗ dựa để yên tâm xông lên." Ông tâm sự thay cho nỗi lòng của các Y bác sỹ đang trong trận chiến chống dịch.

Để người dân có thể hiểu hơn chia sẻ hơn với các y bác sỹ, TS Dương Đức Hùng nhắn gửi cộng đồng: Kết quả chống dịch là cái nỗ lực của tất cả mọi người chứ không phải của riêng y tế, không chỉ của riêng công an, của vệ sinh phòng dịch. Vì thế mỗi 1 người dân phải ý thức được trách nhiệm của mình thì mới có thể thành công.

"Mong người dân, xã hội hiểu rằng, chúng tôi đang hết sức cố gắng. Chúng tôi mong có sự ủng hộ về tinh thần với nhân viên y tế nói chung và bệnh viện Bạch Mai nói riêng để chúng tôi có thể yên tâm chống dịch." - ông nói./.

Đọc thêm